PGS.TS Trang Thanh Hiền: "Tôi nghiêng mình trước pho tượng Quan Âm Thị Kính chùa Mía"

Ngoài công việc giảng viên, nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam, Trang Thanh Hiền còn là một họa sỹ, một nhà nghiên cứu nghệ thuật khá cẩn trọng.

Với cái tên Trang Thanh Hiền, người ta dễ nhầm chị với một nghệ sĩ cải lương Thanh Thanh Hiền, ấy bởi cái ngoại hình cũng ưa nhìn, trẻ trung của vị nữ Phó Giáo sư Văn hóa nghệ thuật chuyên nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam, ít ai ngờ, chị là giảng viên truờng Đại học Mỹ Thuật và còn là một họa sỹ, một nhà nghiên cứu nghệ thuật khá cẩn trọng.

Mùa xuân 2020, chị đã ra hai tập sách khá nặng cân: “Nghệ thuật tạo tác tuợng Phật trong các ngôi chùa Việt” và cuốn “Tranh Tết” Việt Nam. Hai cuốn sách hiện nay được coi là có giá trị cao trong nghiên cứu mỹ thuật Phật giáo cổ đại Việt Nam.

Gặp tôi tại quán café gần nhà, khi chị vừa đi viện về. Hỏi tại sao: Chị bảo: "Tai ù, máu không lên não. Đau đầu vì nhiều thứ". Tôi đùa: "Vì hai cuốn sách quá nặng ký phải không?". Câu chuyện xoay quanh chuyện việc, chuyện đời, và cả chuyện riêng tư của hai người đàn bà vốn dĩ cũng… hơi lắm chuyện để xả.

PGS.TS Trang Thanh Hiền
PGS.TS Trang Thanh Hiền

MÊ ĐẮM NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO CỔ

Phải chăng nghệ thuật Phật giáo cổ Việt Nam có điều gì quyến rũ khiến chị cứ “mê mải” mà có lẽ sẽ suốt cả cuộc đời?

Việt Nam là đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời. Nghiên cứu về Phật giáo có khá nhiều mảng như tư tưởng, lịch sử… nhưng nghiên cứu về nghệ thuật, mỹ thuật thì đây là một mảng trống khá lớn. Mảng trống này khá quan trọng bởi liên quan tới nhiều đến vấn đề nóng về bảo tồn văn hóa, bảo tồn di sản. Ví dụ người ta hay có cuộc tranh cãi, khi dựng chùa, dựng tuợng, người ta lấy nguyên mẫu nào để làm, để không bị “vi phạm”?

Như vậy, nghĩa là theo chị, vẫn có một chuẩn mực cho những ngôi chùa thuần Việt?

Có chứ. Nếu lần theo “dấu vết sử xưa”, qua các ngôi chùa cổ có dòng riêng giữa các dòng chung, sẽ nhận ra có những pho tuợng tuyệt tác và thấm đẫm chất Việt cổ mà chẳng giống nơi nào, chẳng nhầm lẫn vào đâu được.

Có một điều thắc mắc vì sao người xưa lại có thể tạo nên nhiều pho tuợng cổ quý hiếm như vậy thưa chị?

Theo tôi, tuợng cổ vẫn tồn tại trong các ngôi chùa Việt. Tuy nhiên, sự bảo quản các pho tuợng quý hiếm này cho tuơng lai, là vô cùng “mong manh”. Nếu hiểu khi xưa, để dựng một ngôi chùa, dựng một pho tuợng, có thể là công trình của các vua chúa, hoặc người có vị thế trong triều đình, trong xã hội, cũng có thể là của dân, nhưng thường thì sẽ được những vua, quan, bà hoàng, công chúa, thành tâm “công đức” xây chùa. Những nghệ nhân tài giỏi khắp nơi được vời về xây chùa tạc tuợng, phải mất đến hàng tháng, hàng năm ở chùa chứ không phải làm thời vụ.

Các sư trụ trì có thầy vốn là Quốc sư không chỉ giỏi việc Phật mà còn giỏi việc nước, có đầu óc uyên bác, chính vì thế mà khi dựng chùa, tạc tượng tinh hoa đã được kết tinh ở đây. Chính vì sự chăm chút như vậy nên có thể dễ hiểu vì sao những pho tuợng cổ ngày xưa thường vào hàng tuyệt tác hoặc mang dấu ấn nghệ thuật dân gian thời kỳ đó.

PGS.TS Trang Thanh Hiền có niềm đam mê với Phật giáo cổ đại Việt Nam.
PGS.TS Trang Thanh Hiền có niềm đam mê với Phật giáo cổ đại Việt Nam.

Ngày nay thì sao, có những sự việc đau lòng như chỉ vì muốn trùng tu lại làm hỏng các pho tuợng quý. Nhưng cũng có nhiều truờng hợp chùa chiền đã hư hỏng rồi mà muốn xin trùng tu lại cũng không biết nên làm thế nào cho đúng?

Đó là công việc của Viện Bảo tồn di tích. Có truờng hợp trùng tu một ngôi chùa, họ thếp vàng toàn bộ tuợng Phật và ban bệ, bởi họ tư duy, vàng là quý, vàng là đẹp. Trong nghệ thuật Phật giáo, có sự phân biệt rõ ràng. Ví dụ hàng Phật, , hàng Bồ Tát, ngồi theo cấp bậc thứ tự như nào, đức Thích Ca, đức Di Đà, Tam Thế, tạo tuợng thế nào có quy chuẩn hết cả. Thậm chí cả bệ ngồi cũng khác nhau và phân cấp rõ ràng. Ở các làng nghề như Sơn Đồng, Tràng Sơn, Bảo Hà, mộc Kim Bồng hoặc các làng nghề trong Sài Gòn… họ cũng biết được các quy tắc đó. Trong các kinh sách cũng đề cập rõ các chỉ số. Người thợ sẽ làm dưới sự chỉ dẫn của các vị tăng sư tuân theo quy tắc.

CHÙA VIỆT LUÔN GẦN GŨI CHỨ KHÔNG PHẢI THỊ UY

Làm thế nào để hiểu thật sâu xa các chuẩn mực tượng Phật của người Việt ta mà không bị rập khuôn giống nhau?

Tôi nghĩ rất cần thiết để các thầy trụ trì, các sư, hoặc những người có liên quan tới việc xây dựng, tôn tạo chùa hiểu được kiến thức Phật giáo, nghệ thuật Phật giáo để từ đó góp phần và đưa ra những bản vẽ nghiêm cẩn nhất. Hiện nay nhiều chùa nhập tuợng từ nước ngoài về như Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan… Vậy, tại sao ta không nghiên cứu cái của cha ông ta để ta phục dựng lại những tinh hoa nghệ thuật Phật giáo mà cha ông ta đã có và để lại?

Giờ đây còn quá ít người biết tới sự tinh tế, giản dị gần gụi của hệ thống tuợng Phật Việt Nam. Xu huớng bây giờ phải là tượng to, chùa lớn, hoành tráng, thếp vàng bạc, nhưng không tinh. Trong khi các chùa của ta xưa, chùa to chùa nhỏ đi nữa thì tuợng cũng rất vừa phải. Đủ để cho người đi chùa thấy sự gần gũi chứ không phải thị uy. Bởi điều mà người Việt cần là một sự che chở, sự gần gũi, thân thiện. khi dựng chùa, có cả THẦN Ý - TÂM Ý nằm trong đó. Không như bây giờ, gọi là công trình đâu.

“Nghệ thuật tạo tác tuợng Phật trong các ngôi chùa Việt” - Một trong hai cuốn sách mới ra mắt của Trang Thanh Hiền
“Nghệ thuật tạo tác tuợng Phật trong các ngôi chùa Việt” - Một trong hai cuốn sách mới ra mắt của Trang Thanh Hiền

Theo chị, ngôi chùa nào có thể coi là điển hình chùa cổ xưa?

Đó là chùa Bút Tháp. Chùa có pho tuợng Bồ Tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ tuyệt đẹp, đây là một ngôi chùa được coi là chùa “hoàng gia”, có cả hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc tu tập và công chúa Lê Thị Ngọc Duyên đã xin phép chúa Trịnh bỏ tiền của, công đức trùng tu chùa. Phải nói, ngôi chùa có “hoàng thân quốc thích” nhưng lại rất gần gũi, ở đó ta thấy chốn thiền môn tĩnh lặng, chứ không hề phô trương.

Trở lại cuốn sách Nghệ thuật tạo tác tuợng Phật trong các ngôi chùa Việt, chị tâm đắc nhất điều gì ở đó?

Tôi đã rất chú trọng khi viết tới chuơng 5: Điêu khắc Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy nghệ thuật châu Á.  Khi đặt nghệ thuật tạo tác tuợng Phật Việt Nam vào dòng chung, tôi nghĩ, tinh hoa của tuợng Phật đất Việt, đó là sự THUẬN NHÂN TÌNH. Các pho tuợng quý tiêu biểu của Việt Nam phong phú và sinh động đã phản ảnh nghệ thuật PGVN ít nhiều có chịu ảnh huởng từ PG nước ngòai nhưng không hoàn toàn mà ngược lại, đồng hóa các nguyên tắc tạo hình đó để làm nên các giá trị bản sắc Việt độc đáo. Tượng Phật Việt có kích thước vừa phải, thân thiện, từ bi, nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Việt có tư tuởng, giá trị văn hóa dân gian Việt Nam.

TÔI NGHIÊNG MÌNH TRUỚC PHO TUỢNG QUAN ÂM THỊ KÍNH CHÙA MÍA

Pho tuợng nào khiến chị thực sự ấn tuợng?

Đó là pho tuợng Phật Quan Âm Tống tử tại chùa Mía còn được gọi là Quan Âm Thị Kính. Pho tuợng cổ thế kỷ 17 là một tuyệt tác về nghệ thuật tạo hình, tao cảm xúc khiến mỗi lần chiêm bái tôi không khỏi rung động. Bà là hiện thân cho bà mẹ, phụ nữ Việt Nam cam chịu, tảo tần. Đuờng nét khắc chạm mềm mại, trau chuốt, tinh tế và phúc hậu.

Chất liệu chủ đạo trong các pho tuợng cổ Việt Nam nói lên điều gì thưa chị?

Trong các ngôi chùa của người Việt, tuợng gỗ (mộc) và tuợng ngõa (đất) là phổ biến nhiều nhất. Không phải người Việt nghèo không đúc được tuợng đồng hoặc vàng, mà họ chọn gỗ, bởi sự gần gũi, thân thiện. Ngoài ra, tuợng gỗ dễ cho việc tạo tác, giúp họ thoải mái sáng tạo như sơn, thếp, tạo hình…

Tuợng Phật Quan Âm chùa Mía
Tuợng Phật Quan Âm chùa Mía

Hình như con đường nghiên cứu của chị cũng kha khá khó khăn cản trở?

Vâng. Hiện tại, tôi đang dậy ĐH Mỹ Thuật. Không biết mọi người thế nào, năm nào truờng tôi có hàng đống đề tài, nhưng chẳng bao giờ ra được thị truờng, chẳng ai biết đến. Nhiều người hỏi tại sao tôi không đăng ký đề tài khoa học để được tiền nhà nước? Bởi tôi thích độc lập. Tôi tự làm, tự túc hết. Đường xa mệt thật nhưng được cái là tự do.

Chẳng chỉ vì cuộc sống khó khăn, mà đôi khi tôi còn bị sự ngăn trở bởi chính các vị… sư trụ trì. Ví dụ một sư thầy là ni sư, chỉ vì cái cái gì đó ở đâu mà dứt khóat không chịu cho tôi vào chùa. Lý do nhiều lắm: nào là chùa tôi lâu không được tu sửa nên tôi không cho chụp, tôi đi vắng, tôi mất chìa khóa…

Codet Hanoi

Nhà văn Trần Thị Trường: Tôi vẽ như lên cơn nghiện

Nhà văn Trần Thị Trường: Tôi vẽ như lên cơn nghiện

Là một nhà văn, nhưng giờ chị vẽ như lên cơn nghiện và tranh của chị được khá nhiều người yêu thích và tìm mua.