Vũ Hán : Nặng nề đếm từng ngày trôi qua...

Hàng triệu người dân Vũ Hán, Trung Quốc đang trải qua những ngày tồi tệ nhất trong đời. Họ đang ở ngay giữa tâm dịch, nặng nề đếm từng ngày trôi qua...

 Một "thế giới khác" 

Ông Jianguo rất mệt mỏi khi trở về nhà sau một ngày làm việc dài ở Bệnh viện Phổi Vũ Hán, một trong những cơ sở y tế được chỉ định làm nơi chữa trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona ở tỉnh Hồ Bắc.

Trả lời phỏng vấn Đài Al Jazeera (Qatar), người đàn ông 52 tuổi làm nghề quét dọn than thở rằng bệnh viện bị quá tải bệnh nhân, bác sĩ và y tá phải làm việc quá sức, trong khi vật tư y tế cạn nhanh chóng.

Các bác sĩ nằm la liệt, trên người còn nguyên đồ bảo hộ vì kiệt sức sau ca trực.
Các bác sĩ nằm la liệt, trên người còn nguyên đồ bảo hộ vì kiệt sức sau ca trực.

Khi ông Jianguo xem tivi hôm 28/1, những gì ông chứng kiến là người dẫn chương trình CCTV tung hô "các nỗ lực nhanh chóng và minh bạch của chính quyền" trong dịch corona, video thì chiếu cảnh người dân Vũ Hán vui mừng bày tỏ sự tin tưởng rằng nhà nước sẽ dập được dịch.

Ông Jianguo gọi điện cho cậu con trai thắc mắc: "Con có xem tin tức không? Bác sĩ và y tá chỗ bố làm kiệt sức đến mức gục ngã. Còn những người trên tivi trông vui hết chỗ nói, bộ họ sống trong một thế giới khác à?".

Con trai ông Jianguo lên mạng Weibo đăng một tấm hình chụp trong bệnh viện, bác sĩ và y tá ai nấy nằm lăn trên ghế ngủ trong sự mệt mỏi. "Tôi không quan tâm tivi nói gì, tình hình ở Vũ Hán thật sự bi đát", anh mô tả.

Tấm hình nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ trên Weibo, và là một trong nhiều tư liệu xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc những ngày gần đây. Chúng khá tương phản với những gì truyền thông nhà nước đưa tin.

Những dòng tâm sự đầy ám ảnh

Ngày 29/1, một người dùng Weibo đăng một tấm hình ông nội của cô nằm trong hành lang bệnh viện. "Ông tôi đã bị sốt suốt 3 ngày nay, không có bệnh viện nào chịu nhận!", cô viết trong tâm trạng đầy lo lắng.

Đông đảo bệnh nhân đang chờ đợi tới lượt khám tại Bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán vào ngày 25/1. Một bác sĩ tại bệnh viện này cho biết, hàng nghìn bệnh nhân đang chờ đợi nhiều giờ đồng hồ để được khám bệnh trong bối cảnh virus tiếp tục lây lan với
Đông đảo bệnh nhân đang chờ đợi tới lượt khám tại Bệnh viện Chữ thập đỏ Vũ Hán vào ngày 25/1. Một bác sĩ tại bệnh viện này cho biết, hàng nghìn bệnh nhân đang chờ đợi nhiều giờ đồng hồ để được khám bệnh trong bối cảnh virus tiếp tục lây lan với "tốc độ đáng báo động".

Một phụ nữ khác mô tả cái chết của mẹ cô chi tiết trong một bài viết trên mạng WeChat: "Chiếc xe đến chở xác mẹ tôi nổ máy chạy đi, còn tôi đuổi theo nó, khóc như chưa từng được khóc trong đời. Đó là một ngày lạnh lẽo, tôi thấy tuyệt vọng cùng cực".

Còn trong đoạn video đăng trên YouTube, một người dân Vũ Hán mô tả cuộc sống trong vòng bị phong tỏa: "Cứ như sống trong địa ngục, chờ đến phiên mình chết".

Giữa bầu không khí u ám ở Vũ Hán, một số cơ quan truyền thông tư nhân Trung Quốc bắt đầu đăng những góc nhìn khác về vùng tâm dịch, chẳng hạn như tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, nghi vấn các nhân viên Chữ Thập Đỏ địa phương ém tiền viện trợ...

Người Vũ Hán bị kỳ thị ngay tại Trung Quốc

Lo cho an toàn của con cái khi tình hình ở quê nhà xấu đi, anh Andy Li - một kỹ sư công nghệ quê Vũ Hán - thuê một chiếc xe cùng gia đình di chuyển từ Bắc Kinh xuống phía nam đến tỉnh Quảng Đông. Họ dự định tạm trú cùng bà con ở đó.

Đường phố Vũ Hán vắng tanh ngày 28/1. Người dân dường như đang tìm cách tự cách ly. 
Đường phố Vũ Hán vắng tanh ngày 28/1. Người dân dường như đang tìm cách tự cách ly. 

Ở Nam Kinh, anh bị một khách sạn từ chối tiếp đón trước khi tìm thấy chỗ ở trong một khách sạn hạng sang. Ở đó, gia đình anh tự cách ly trong 4 ngày cho đến khi chính quyền địa phương yêu cầu tất cả người Vũ Hán dời đến một khách sạn khác nằm gần nhà ga xe lửa.

Trao đổi với báo New York Times, anh Li cho biết môi trường trong khách sạn mới chẳng mấy an toàn, người giao thức ăn cứ tự do đến và đi. "Họ chỉ muốn cách ly người Vũ Hán khỏi người Nam Kinh", anh nhận xét.

Ở tỉnh Hà Bắc, một địa phương thậm chí treo thưởng 1.000 nhân dân tệ (140 USD) cho bất cứ ai trình báo về sự hiện diện của người Vũ Hán. 

Còn ở tỉnh miền đông Giang Tô, công tác cách ly biến thành gần như giam cầm khi cảnh sát dùng cây sắt chèn cửa nhà của một gia đình vừa trở về từ Vũ Hán. Để có thức ăn, gia đình này phải nhờ hàng xóm chuyển xuống bằng dây thừng từ ban công phía trên...

Bác sĩ ở Vũ Hán bị đánh và thiếu tiếp tế

Hai bàn tay nứt nẻ, sưng lên vì làm việc liên tục của một y tá ở Vũ Hán.
Hai bàn tay nứt nẻ, sưng lên vì làm việc liên tục của một y tá ở Vũ Hán.

Một bác sĩ ở Bệnh viện Vũ Hán chia sẻ ông đã không về nhà trong suốt 2 tuần qua và phải khám tới 150 người trong một ca trực đêm gần đây. “Tất cả đều lo sợ. Một số người trở nên tuyệt vọng sau khi chờ hàng tiếng đồng hồ trong giá lạnh”, vị bác sĩ giấu tên kể lại với tờ South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong.

"Tôi có nghe ai đó nói loáng thoáng trong hàng rằng anh ta đã chờ lâu tới mức nếu có dao anh ta chỉ muốn đâm tôi một nhát. Nhưng giết vài người bác sĩ như chúng tôi thì đâu có làm mọi thứ nhanh hơn phải không?", vị bác sĩ tâm tư.
Hôm 28/1, hai bác sĩ tại Bệnh viện Vũ Hán đã bị một nhóm người nhà của bệnh nhân nCoV vây đánh. Quần áo bảo hộ của họ bị xé rách ngay trong khu vực cách ly, theo tờ Thanh Niên Bắc Kinh.

Tại một bệnh viện khác, một người bị ho và sốt không rõ vì không hài lòng điều gì đó đã cởi khẩu trang và cố tình ho vào các nhân viên y tế. Đoạn video sau đó lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những nguy hiểm không thể lường trước đối với các y bác sĩ.

Thiếu đồ bảo hộ chuyên dụng, một nhóm bác sĩ ở Trung Quốc phải chế đồ bảo hộ bằng túi đựng vật tư y tế.
Thiếu đồ bảo hộ chuyên dụng, một nhóm bác sĩ ở Trung Quốc phải chế đồ bảo hộ bằng túi đựng vật tư y tế.

Các bệnh viện ở Vũ Hán / tâm dịch nCoV - đã đạt tới cực hạn cả về sức chứa lẫn sức người. Một bác sĩ thổ lộ công việc dồn dập khiến ông phải đóng bỉm và cố gắng uống ít nước để không mất thời gian đi vệ sinh. "Các đồng nghiệp của tôi cũng chẳng khá hơn là bao", vị này ngao ngán.

Một bác sĩ yêu cầu giấu tên ở Bệnh viện y dược Tongji cho biết anh đã mặc duy nhất một bộ đồ bảo hộ trong cả ca trực 10 tiếng do tình trạng thiếu thốn. Theo anh này, đồ bảo hộ cần phải được thay mới mỗi khi ra vào khu vực cách ly có nguy cơ lây nhiễm.

Một tờ báo của Vũ Hán thông tin thành phố đã nhận 10.000 bộ quần áo bảo hộ, 800.000 khẩu trang N95, 5 triệu khẩu trang dùng một lần và 4.200 kính bảo hộ.

Hai bệnh viện dã chiến hơn 2.600 giường vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giảm bớt gánh nặng cho các y bác sĩ ở Vũ Hán trong vài ngày tới.
Hai bệnh viện dã chiến hơn 2.600 giường vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giảm bớt gánh nặng cho các y bác sĩ ở Vũ Hán trong vài ngày tới.

Tuy nhiên, theo vị bác sĩ ở Bệnh viện Tongji, những thiết bị được hỗ trợ có chất lượng rất tệ, một số cái đã bị hư hỏng trước khi sử dụng. "Tôi không chắc ai đã đưa những thiết bị này đến bệnh viện, nhưng cứ như thế thì chết bác sĩ chúng tôi mất".

Hôm 30/1, một bác sĩ ở Bệnh viện Công đoàn Vũ Hán đã lên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc cầu cứu. Ông cho biết bệnh viện của mình rất cần các thiết bị y tế như kính bảo hộ, bộ đồ bảo hộ dùng một lần và khẩu trang N95, nhấn mạnh kho trang thiết bị của bệnh viện hầu như đã cạn kiệt.

Người Việt tường trình từ "tâm bão" Corona Vũ Hán: Vợ tôi khóc hàng đêm

Khi Thành phố bị phong tỏa, người dân nơi đây đã đổ xô đi mua lương thực tích trữ. Nguồn hàng hóa khan hiếm dẫn đến tình trạng quá tải tại các siêu thị. Giá cả trên trời nhưng người dân vẫn vét sạch gần hết mọi kệ hàng để dự trữ cho gia đình.
Khi Thành phố bị phong tỏa, người dân nơi đây đã đổ xô đi mua lương thực tích trữ. Nguồn hàng hóa khan hiếm dẫn đến tình trạng quá tải tại các siêu thị. Giá cả trên trời nhưng người dân vẫn vét sạch gần hết mọi kệ hàng để dự trữ cho gia đình.

Chia sẻ độc quyền với Thanh Niên từ Vũ Hán, Gà Đồi Văn Duy - tên thật là Đỗ Quang Duy, chia sẻ cuộc sống của gia đình nhỏ của anh nơi đây trong những ngày vừa qua khi bị mắc kẹt giữa tâm dịch. Hai vợ chồng anh Duy đều là du học sinh của một trường đại học tại Vũ Hán.

Anh chia sẻ, ngày 29 tết, ra siêu thị gần trường để mua thêm chút thức ăn tích trữ, ngoài đường hay siêu thị, ai ai cũng bịt khẩu trang kín mít, người nọ nhìn người kia với ánh mắt lo lắng, không ai dám đến gần ai, bất an khi chạm tay vào những món đồ trong siêu thị vì sợ có ai đó nhiễm virus đã chạm vào nó.

Thực phẩm vô cùng khan hiếm, đi mấy siêu thị cũng không mua nổi thịt tươi sống, chỉ có thể mua được ít thịt bò và thịt gà đông lạnh với giá đắt đỏ, những cây cải thảo mới hôm qua giá 5 tệ/cây thì hôm tôi đi đã là 20-30 tệ/cây, có chỗ lên tới 40 tệ/cây, củ cải trắng bình thường chỉ 1,5 tệ/củ thì hôm nay là 9-10 tệ/củ...

Từ ngày Vũ Hán đóng cửa thành, hơn 10 ngày qua con gái anh ở trong căn phòng nhỏ bé không đi ra đến ngoài cửa, vợ chồng anh thao thức ngủ không ngon giấc, nhiều đêm vợ anh khóc vì lo lắng.

Giải khuây giữa tâm dịch

Ảnh cắt từ các video trên trang WeChat cho thấy người đàn ông đang tập trung câu cá (bên trái) và chơi ném vòng (bên phải). 
Ảnh cắt từ các video trên trang WeChat cho thấy người đàn ông đang tập trung câu cá (bên trái) và chơi ném vòng (bên phải). 

Đối với hàng triệu cư dân đang bị mắc kẹt trong tình trạng "bị phong tỏa" chưa từng có ở thành phố Vũ Hán, cuộc sống không hề dễ dàng. Thế nhưng, vẫn còn có rất nhiều người đang nỗ lực từng giờ để khắc phục tình trạng tồi tệ nhất.

"Người Trung Quốc có khả năng làm mọi việc trong phòng khách của mình" đã trở thành một chủ đề nóng trên mạng xã hội Weibo, thu hút 230 triệu lượt người xem. Các đoạn video cho thấy người dân Trung Quốc đã nghĩ ra rất nhiều hoạt động thú vị để "giết thời gian" như chơi bóng bàn trên bàn ăn, chơi cầu lông với một sợi dây buộc giữa TV và tủ quần áo, hay thậm chí là giả vờ câu cá trong một cái bể tưởng tượng.

Đối với những người lười vận động, "công việc chính" của họ là ăn và ngủ. Một người đàn ông tên Zhang cho biết: "Tôi đã ở nhà 5 ngày. Mỗi ngày, ngoài việc ăn uống, thì tôi chỉ ngủ. Tôi ngủ rất nhiều, đến nỗi lưng và cổ tôi giờ đau quá. Bỗng nhiên, tôi thấy mình hiểu ra rằng tại sao người nuôi chó lại phải dắt thú cưng của mình đi dạo hằng ngày. Tôi cũng muốn được ra ngoài dạo chơi ".

Trước các siêu thị, người mua hàng phải xếp thành hàng dài, chờ kiểm tra thân nhiệt rồi mới được bước vào bên trong. 
Trước các siêu thị, người mua hàng phải xếp thành hàng dài, chờ kiểm tra thân nhiệt rồi mới được bước vào bên trong. 

Đường phố Vũ Hán gần như không một bóng người. Các trung tâm mua sắm lớn và nhiều tiệm ăn đã đóng cửa. Trước các siêu thị, người mua hàng phải xếp thành hàng dài, chờ kiểm tra thân nhiệt rồi mới được bước vào bên trong. Không gian siêu thị cũng không còn thơm nức những mùi hương đặc trưng của các gian hàng, thay vào đó mùi thuốc khử trùng đọng lại trong không khí.

Theo cảm nhận của anh Li - một cư dân Vũ Hán: "Về tổng thể, bầu không khí khá căng thẳng, nhưng vẫn duy trì sự trật tự. Tôi thấy mọi người vận dụng sự hiểu biết và tinh thần lạc quan của mình để giữ cho thành phố hoạt động như bình thường. Mọi người đều muốn làm những điều đúng đắn, để khiến mọi việc trở nên tốt đẹp hơn".

AN LY (t/h)

Việt Nam đưa ra 4 kịch bản đối phó với dịch corona

Việt Nam đưa ra 4 kịch bản đối phó với dịch corona

Hiện trên thế giới đã ghi nhận 24.324 ca nhiễm bệnh và 490 người tử vong do virus corona gây ra. Riêng Việt Nam đã có 10 trường hợp mắc bệnh.