Các bậc cha mẹ nên tìm hiểu những kiến thức về trẻ để hiểu được những chuyển biến tâm lý, hành vi, cũng như phương pháp để giúp trẻ phát triển qua từng giai đoạn.
33 bài thực hành theo phương pháp Shichida – Ko Shichida
Một trong những sự thật không thể phủ nhận chính là “con giỏi hay kém là do cha mẹ”. Mọi đứa trẻ đều là thiên tài, trong đó có con của bạn. Mọi đứa trẻ đều sở hữu những năng lực vô hạn dưới dạng tiềm năng bẩm sinh. Tuy nhiên, những khả năng đó không thể đơm hoa kết trái khi để mặc nó tự thân phát triển, mà phải cần đến vai trò của cha mẹ.
Trong cuốn sách dạy con hay này, bạn sẽ được giới thiệu 33 bài thực hành theo phương thức Shichida mà cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ, có thể thực hiện một cách dễ dàng ngay tại nhà. Các bài tập cũng được thiết kế phù hợp, giúp bé hưởng ứng và tham gia một cách tự nhiên, đầy hứng thú.
Con cái chúng ta đều giỏi – Adam Khoo
Adam Khoo – tác giả của những cuốn sách best-seller – mang đến cho bạn đọc bí quyết giúp làm trỗi dậy tài năng trong con bạn với cuốn sách Con cái chúng ta đều giỏi. Các nhà nghiên cứu cho biết: bọn trẻ sinh ra đều là những tài năng bẩm sinh, nhưng một trong những điều làm nên sự khác biệt chính là cha mẹ chúng.
Những bậc cha mẹ như thế, dù ở bất cứ nơi đâu hay thuộc nền văn hóa nào, cũng đều có cách thức suy nghĩ và hành xử khá giống nhau, được gọi chung là các mô thức của những bậc cha mẹ thành công. Vây những mô thức đó có thể áp dụng cho tất cả mọi người, cụ thể là cho bạn hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể, và bạn sẽ nắm được chìa khoá thành công trong việc làm cha mẹ thông qua quyển sách này.
Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản – Akehashi Daiji
Bộ sách dạy con hay Nuôi Dạy Con Kiểu Nhật Bản của tác giả Akehashi Daiji đã và đang được các bậc phụ huynh đón nhận không chỉ tại Nhật Bản, mà gây dấu ấn ngay lần đầu tiên xuất bản tại Việt Nam. Những điều được tác giả truyền tải trong cuốn sách này tuy rất giản dị nhưng cũng tràn đầy tình yêu thương, như một kim chỉ nam dẫn đường cho cha mẹ trong cách ứng xử hàng ngày với con cái, để nuôi dưỡng những đứa trở nên trẻ tự tin và hạnh phúc.
Hãy ngủ cùng con, hãy ôm ấp con thật nhiều đặc biệt là ở giai đoạn trẻ còn nhỏ; hãy lắng nghe câu chuyện con kể, lời con nói. Hãy thừa nhận “Con đã rất chăm chỉ” thay vì câu “Con phải chăm chỉ lên”; hãy nói nhiều với con câu “Cảm ơn con” mỗi ngày; hãy cứ chiều chuộng về mặt tình cảm đến năm con 10 tuổi.
Và hãy chú ý những điều này trong quá trình nuôi dạy con trẻ: 0-3 tuổi là giai đoạn hình thành việc khẳng định bản thân, 4-6 tuổi là uốn nắn nhân cách, từ 7 tuổi trở đi mới là học tập. Đặc biệt đừng quên điều quan trọng này “Con cái không phải là vật sở hữu của cha mẹ”, và cần giác ngộ rằng “Nuôi dạy con không bao giờ là đúng như mình mong muốn”.
Mẹ dắt con đi – Phoenix Ho
Cuốn sách này ra đời từ những đoạn văn ngắn được đăng tải trên Facebook cá nhân của tác giả. Như biết bao bậc làm cha mẹ khác, Phoenix Ho cũng mong muốn ghi lại những dấu ấn trong quá trình nuôi dạy con mình, và cách mà cô chọn chính là viết lại và đăng tải lên mạng xã hội bằng hai thứ tiếng: Việt và Anh, và đã nhận được sự đồng cảm cũng như sẻ chia của rất nhiều người.
Trong Mẹ dắt con đi, bạn đọc sẽ gặp ở đây tấm lòng bao la của người mẹ trẻ với con mình.
Người mẹ ấy không những mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, mà còn tận tụy với con từ lúc con vừa được sinh ra, đến khi chập chững bước đi và bập bẹ cất lên những tiếng nói đầu tiên trong đời. Đó chính là bé Gấu, con trai yêu thương của chị.
Dạy con kiểu Do Thái – TS. Wendy Mogel
Tựa đề đầy đủ của cuốn sách dạy con hay này là Dạy con kiểu Do Thái: Sự may mắn của cái đầu gối bị trầy xước, và cũng chính là thông điệp lớn nhất mà tác giả muốn gửi gắm đến các bậc làm cha mẹ đó là cha mẹ nên đồng cảm và hướng dẫn thay vì quản lý từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống và có phản ứng thái quá với những sai lầm của bọn trẻ.
Bà tiết lộ rằng sự bùng nổ cảm xúc, hỗn láo, phá vỡ quy tắc, thức khuya và các hành vi đáng lo ngại khác của bọn trẻ thực ra là hoàn toàn bình thường, và là những bước cần thiết trong sự phát triển tâm lý cũng như nhân cách của chúng. Chúng ta không nên quá lo lắng mà hãy thật sự quan tâm đến bọn trẻ.
108 bí quyết giáo dục con của cha mẹ thông thái – Tổng Dự Thư
Đây là cuốn sách giúp các bậc làm cha mẹ bồi dưỡng con gái yêu quý trở thành “những nàng công chúa hoàn hảo”. Trước tiên, sách sẽ đi sâu phân tích những điểm khác nhau giữa con trai và con gái ở trên, đã quyết định phương thức giáo dục và nguyên tắc chỉ đạo khác nhau giữa hai giới. Để từ đó đưa ra những cách thức giáo dục riêng biệt dành cho con gái, sách sẽ đưa ra những tình huống và chỉ dẫn giáo dục cụ thể cho các bậc cha mẹ.
Điều nổi bậc là cuốn sách phân tích một cách toàn diện đặc trưng tâm lý và tính cách của con gái, thông qua những hành động hàng ngày. Đặc biệt hơn, cuốn sách còn phân tích đặc trưng về giới tính, về những vấn đề thường gặp trong quá trình trưởng thành, đưa ra những chỉ dẫn có tính mục tiêu.
Đừng ép trẻ học – Morita Tomoyo
Ở Mỹ, suy nghĩ cho rằng bất cứ lúc nào con người có ý nghĩ “muốn học” đều có thể quay lại học là hết sức phổ biến.
Có nhiều người, sau khi ra ngoài xã hội, tích luỹ kinh nghiệm làm việc thực tế rồi đã quay trở lại tiếp tục học lên cao học, trường kinh doanh hay trường luật. Họ đặt ra hình ảnh mà mình muốn trở thành trong tương lai, xác định xem mình nên rèn luyện năng lực gì để có thể thực hiện nó.
Dù bao nhiêu tuổi nhưng nếu có chí tiến thủ, họ đều có thể học ở trường cao đẳng cộng đồng hoặc học ở trình độ cao hơn để nâng cao khả năng còn thiếu hụt.
Giáo dục không nên và không được mang tính hình thức mà phải thực chất. Nếu nghĩ cho tương lai của con cái thì chính lúc này đây, cha mẹ cần có các hoạt động giao lưu giáo dục quốc tế. Cha mẹ đừng quên rằng: nhận ra được thực tế là mục đích mà mình tiến tới đã bắt đầu thay đổi chính là bước đi đầu tiên giúp con mình có được hạnh phúc.
Cách người Nhật truyền cảm hứng cho con – Nishimura Hajime
Nếu chỉ nghĩ làm thế nào để đem lại tinh thần ham học cho trẻ, thì có lẽ thái độ của trẻ sẽ không bao giờ thay đổi. Lý do vì ham học không phải là điều có thể đem lại mà là điều cần được khơi dậy. Gây được hứng thú học không phải là việc khó mà ngược lại, trong mối quan hệ vui vẻ, tích cực giữa cha mẹ và con cái, hứng thú học sẽ được nuôi dưỡng.
Quan sát, tìm kiếm những mầm mống của hứng thú, chăm sóc và nuôi dưỡng chúng – những kiến thức cơ bản được đúc rút trong cuốn sách dạy con hay này sẽ giúp trẻ dần thay đổi, khơi dậy cảm hứng học tập trong trẻ.
6 Thời kỳ quan trọng để dạy trẻ – Vương Vũ
Bạn có biết rằng hành vi hay kỹ năng của con người được hình thành nhanh nhất và hoàn thiện dễ dàng nhất ở một thời kỳ nhất định?
Và trong cuốn sách này, bạn sẽ được biết đến 6 thời kỳ quan trọng để dạy trẻ sẽ giới thiệu khái quát các thời kỳ quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ, để các bậc cha mẹ không bỏ lỡ những bước ngoặt quan trọng trong khi nuôi dạy con.
Thời kỳ đầu tiên (3 tuổi) được gọi là thời kỳ phản kháng. Thời kỳ thứ hai (5 tuổi) là thời kỳ phiền toái. Thời kỳ thứ ba (6 tuổi) là thời kỳ nhập học. Thời kỳ thứ tư (10 tuổi) là thời kỳ độc lập. Thời kỳ thứ năm (14 tuổi) là thời kỳ nguy hiểm. Và thời kỳ thứ sáu (17 tuổi) là thời kỳ nghi hoặc.
Hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ đều có khả năng trở thành thiên tài trong một lĩnh vực nào đó, điều quan trọng nhất là cha mẹ giúp trẻ tận dụng được thời cơ vàng để khơi dậy tiềm năng ấy hay không!
3 phút cho ông bố bận rộn – Ota Toshimasa
Làm thế nào để các ông bố bận rộn vẫn có thể tạo ra được vài phút mỗi ngày để chơi với con, cùng con phát triển các kỹ năng, nuôi dưỡng tình cha – con trong gia đình? Giải pháp mà cuốn sách này mang đến cho người đọc là “3 phút nuôi dạy con”. Thử nuôi dạy con trong 3 phút. Có rất nhiều việc có thể làm được trong 3 phút.
Chỉ với 3 phút dành cho gia đình, 3 phút để thực sự bên con, thì đó chắc chắn là khoảng thời gian đáng giá và ý nghĩa, đem đến những thay đổi nhất định không chỉ với con cái, với gia đình mà với tự bản thân những ông bố bận rộn. “3 phút nuôi dạy con” đã thổi một làn gió mới vào giá trị quan “công việc là trên hết”.