1157 điểm bị "xóa" và 961 điểm bị "sửa" ở THCS Ngư Lộc

Hiện đã xác minh được 45 người tham gia sửa điểm, với 2.118 đầu điểm có dấu hiệu sửa, xóa; trong đó, 1.157 đầu điểm bị "xóa" và 961 điểm bị "sửa."

Ngày 5/8, ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết, liên quan đến việc sửa điểm tại Trường Trung học Cơ sở Ngư Lộc (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), Sở đã nhận được báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc. Trên cơ sở báo cáo, Sở sẽ có ý kiến với Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc về hình thức xử lý đối với những cá nhân có liên quan.

  (Nguồn: giaoduc.net)

(Nguồn: giaoduc.net)

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc, ngày 26/7, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc đã thành lập tổ công tác xác minh, làm rõ việc giáo viên sửa điểm học kỳ 2 năm học 2020 – 2021 tại Trường Trung học Cơ sở Ngư Lộc. Qua kiểm tra, xác minh được 45 người tham gia sửa điểm, với 2.118 đầu điểm có dấu hiệu sửa, xóa; trong đó, 1.157 đầu điểm bị "xóa" và 961 đầu điểm bị "sửa". Trong số 961 đầu điểm "sửa" có 125 lượt sửa điểm cuối học kỳ 2; 206 lượt sửa điểm đánh giá giữa học kỳ 2, có 630 lượt sửa điểm đánh giá thường xuyên học kỳ 2.

Trong quá trình sửa điểm có trường hợp giáo viên dạy môn Toán nhưng cũng tham gia sửa điểm cuối kỳ 2 trong sổ điểm điện tử của môn Ngữ văn, Tin học và Công nghệ…

Báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc cũng giải trình lý do sửa điểm của các giáo viên. Theo đó, đối với việc sửa điểm thường xuyên, do quá trình thực hiện kế hoạch môn học trong cả kỳ học, số lần kiểm tra thường xuyên của học sinh nhiều hơn con số điểm tối thiểu theo quy định, nên giáo viên đã căn cứ vào sự tiến bộ của học sinh để chọn các điểm đã được kiểm tra đưa vào tính điểm trung bình trong học kỳ. Do vậy, các điểm đã nhập trước đó đã được sửa lại bằng điểm học sinh đã đạt cuối kỳ.

Đối với việc sửa điểm kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ, có nhiều lý do "sửa", "xóa" được nêu ra như: Nhập điểm nhầm, sau đó phát hiện ra và tiến hành sửa điểm cho học sinh theo đúng điểm trên bài kiểm tra; chấm sót điểm hoặc cộng nhầm điểm thành phần trong bài kiểm tra; làm tròn chưa chính xác; lỗi đánh máy; ý thức chủ quan trong quá trình sử dụng phần mềm…

Báo cáo cũng cho rằng, năm học 2020 – 2021 là năm thứ 2 sử dụng sổ điểm điện tử bằng phần mềm Vnedu nên giáo viên sử dụng chưa có kinh nghiệm và cũng chưa có quy định quản lý, sử dụng sổ điểm điện tử, nên chưa có hướng dẫn cụ thể cho giáo viên…

Trước đó, như tin TTXVN đã đưa, năm học 2020-2021 tại Trường Trung học Cơ sở Ngư Lộc có hiện tượng giáo viên chỉnh sửa các điểm kiểm tra thường xuyên, giữa và cuối kỳ cho học sinh. Từ đó, nhiều em được nâng điểm từ khá lên giỏi, từ trung bình lên khá.

Ngày 23/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc xác minh làm rõ việc này; đồng thời làm rõ mức độ sai phạm của từng giáo viên để tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc có hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân (nếu có sai phạm); có biện pháp chấn chỉnh kịp thời đối với Trường Trung học Cơ sở Ngư Lộc nhằm sớm ổn định và chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học 2021 – 2022…/.

TTXVN

Vì sao người dân TPHCM phải chờ hàng tiếng khi mua hàng theo phiếu?

Vì sao người dân TPHCM phải chờ hàng tiếng khi mua hàng theo phiếu?

Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương ngày 3/8 xác nhận có tình trạng chờ đợi lâu để mua hàng.