5 điều cần biết về biến chủng COVID-19 đang lan rộng tại Ấn Độ và Nhật Bản

Các ca nhiễm COVID-19 hàng ngày đã tăng mạnh ở Ấn Độ. Nhật Bản cũng đang trải qua sự gia tăng, mặc dù đã ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ ba trong năm trong tuần này. Theo các nhà khoa học, các biến thể lây nhiễm khác của virus là thủ phạm chính.

Mức độ nguy hiểm của các biến thể mới và phản ứng của hai chính phủ như thế nào trước tình trạng COVID-19 đang gia tăng? Dưới đây là 5 điều cần biết.

1. Các biến thể mới khác nhau như thế nào?

Virus đột biến khi nó nhân lên. Các biến thể virus mới có nhiều tên gọi khác nhau, chẳng hạn như biến thể ở Anh, biến thể ở Brazil hoặc biến thể ở Nam Phi, nhưng chúng có những đột biến chung.

Ở một trong những đột biến quan trọng, một số axit amin trong gai virus đã phát triển ái lực lớn hơn với một loại enzyme trong tế bào người, được gọi là thụ thể ACE2. Điều này có nghĩa là virus có thể liên kết tốt hơn với thụ thể để lây nhiễm sang các tế bào của con người.

an-do.jpg
Số ca tử vong vì COVID-19 ở Ấn Độ gần đây. 
nhat-ban.jpg
Số ca tử vong vì COVID-19 ở Nhật Bản gần đây. 

Tuy nhiên, virus không xâm nhập vào tất cả các tế bào trong cơ thể người. Kazuhiro Tateda, giáo sư tại Đại học Toho và chủ tịch Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản, cho biết các biến thể có khả năng lây nhiễm mạnh hơn ở đường hô hấp trên, chẳng hạn như mũi và cổ họng.

Khi bạn có nhiều virus hơn ở những bộ phận này của cơ thể, thì việc lây truyền virus sang người khác cũng dễ dàng hơn nhiều. Tại Ấn Độ, số ca nhiễm mới tăng gấp 5 lần, từ khoảng 50.000 lên 350.000 ca, trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4. Ở Osaka, miền tây Nhật Bản, số ca nhiễm hàng ngày tăng gấp 4 lần, từ khoảng 300 người lên gần 1.200 người. Trên khắp Nhật Bản, con số này đã tăng gần gấp ba lần từ khoảng 2.000 người lên gần 6.000 người trong cùng thời kỳ.

Tỷ lệ tử vong không thay đổi đáng kể, cho thấy các biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao hơn, nhưng không gây chết người nhiều hơn, Tateda nói. Virus có thể gây bệnh nghiêm trọng nếu nó lây nhiễm sang các tế bào ở các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như tế bào máu.

2. Các biến thể mới đến từ đâu?

Các nhà khoa học không có bằng chứng thuyết phục về nguồn gốc của các biến thể mới.

Trong trường hợp của Nhật Bản, các biến thể mới có nhiều khả năng được đưa vào bởi những người ở nước ngoài, Shuzo Matsushita, giáo sư virus học tại Đại học Kumamoto, cho biết. Ông nói: "Phản ứng chuỗi polymerase, hoặc xét nghiệm PCR, chỉ có thể phát hiện 70 - 80% trường hợp nhiễm trùng, vì vậy có thể các biến thể mới đã lọt qua các kiểm soát ở biên giới".

an-nhat.jpg
So sánh tỷ lệ sản sinh mầm bệnh do những người mắc bệnh gây lây nhiễm ở Ấn Độ và Nhật Bản.

Nhưng Matsushita nói thêm rằng, các virus sống sót có xu hướng biểu hiện các đột biến tương tự, cho thấy virus đang đi theo một con đường tiến hóa tương tự mặc dù được tìm thấy ở các quốc gia hoặc khu vực khác nhau.

3. Có những lý do nào khác cho sự gia tăng COVID-19 không?

Làn sóng nhiễm trùng mới nhất đã tấn công các khu vực trước đây ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Ví dụ, ở Nhật Bản, các vùng phía tây của Osaka, Kobe và Fukuoka chịu nhiều thiệt hại hơn Tokyo.

Matsushita chỉ ra nguyên nhân là sự tự mãn. Ông nói: “Người dân ở những khu vực này có thể đã ít cảnh giác hơn những người đã bị đại dịch tấn công. Ở Ấn Độ, làn sóng mới xảy ra đúng lúc mọi người nghĩ rằng họ đã ngăn chặn thành công virus, sau khi giảm số ca nhiễm mới hàng ngày xuống dưới 9.000 vào đầu tháng 2".

Tình trạng nhiễm trùng đã gia tăng ở các vùng nông thôn của Ấn Độ, đặc biệt là nơi cơ sở hạ tầng y tế còn thiếu thốn. Bang Maharashtra cho đến nay vẫn là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Sự gia tăng này được cho là do sự lây lan của virus từ các thành phố lớn, chẳng hạn như Pune và Mumbai, đến các vùng nông thôn.

Số lượng người nhiễm bệnh tăng đột biến cũng khiến các bệnh viện choáng ngợp, khiến việc chăm sóc bệnh nhân trở nên khó khăn hơn. Ở Delhi, 20 bệnh nhân COVID-19 đã chết trong một bệnh viện vào tuần trước khi nguồn cung cấp oxy cạn kiệt. Gần Mumbai, ít nhất 13 bệnh nhân đã chết sau khi đám cháy bùng phát tại khu chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.

4. Các chính phủ phản ứng như thế nào?

Một điều đã được làm rõ bởi làn sóng COVID-19 mới nhất là nhu cầu tiêm chủng nhanh chóng. Nhật Bản và Ấn Độ đã chậm chạp trong việc tiêm chủng cho quần thể của họ. Ở Ấn Độ, tỷ lệ người được tiêm chủng đầy đủ trên 100 người là 1,79 người, so với 56 người ở Israel và 29 người ở Mỹ. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Nhật Bản chỉ là 0,79.

covid-19-an-do.jpeg
Một bệnh nhân Covid-19 được điều trị bên trong khu vực cấp cứu tại Bệnh viện Holy Family, ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Tại Nhật Bản, chính phủ nhạy cảm với những lo ngại của công chúng về việc sử dụng một loại vaccine chưa được thử nghiệm trước đây và sử dụng RNA thông tin. Chính phủ đã giao chiến dịch tiêm chủng cho các chính quyền địa phương, gây ra các vấn đề trong việc điều phối phân phối.

Tuy nhiên gần đây, Thủ tướng Yoshihide Suga đã áp dụng cách tiếp cận từ trên xuống, ra lệnh cho Lực lượng Phòng vệ thiết lập các địa điểm tiêm chủng lớn ở Tokyo và Osaka để đẩy nhanh việc triển khai vaccine. Một bác sĩ ở Tokyo cho biết: “Chính phủ trung ương cuối cùng cũng đang dẫn đầu. Tuy nhiên, đáng lẽ nó phải được tiến hành sớm hơn".

Điểm tiêm chủng do SDF điều hành ở Tokyo được cho là sẽ mở cửa từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, bảy ngày một tuần và có khả năng tiêm chủng cho 10.000 người mỗi ngày.

Ở Ấn Độ, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi vẫn chưa áp đặt lệnh cấm vận trên toàn quốc, nhưng mọi nỗ lực đang được tiến hành để ngăn chặn virus. Chẳng hạn, Không quân Ấn Độ đã điều động các tàu chở ôxy từ Thái Lan để giảm bớt tình trạng thiếu ôxy y tế.

5. Tiêm phòng sẽ giải quyết được vấn đề?

Tiêm phòng sẽ là chìa khóa quan trọng, nhưng các chuyên gia cho rằng cần phải thận trọng trong thời điểm hiện tại. Cụ thể, Cựu Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã mắc phải COVID-19 vào ngày 19/4 dù đã được tiêm vaccine chống lại virus.

covid-nhat-ban.jpg
Người dân Nhật Bản ở Tokyo đi bộ đeo khẩu trang bảo vệ trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: Reuters

Tại Nhật Bản, các nhân viên y tế vẫn tiếp tục đeo khẩu trang ngay cả khi đã được tiêm phòng. Matsushita, giáo sư Đại học Kumamoto, cho biết: "Tiêm phòng giúp cải thiện sức đề kháng của cơ thể đối với virus, nhưng không loại bỏ hoàn toàn nó". 

Ông nói thêm rằng, việc chủng ngừa giống như một người trẻ tuổi có hệ miễn dịch mạnh. Bạn sẽ không bị ốm, nhưng bạn vẫn có thể mang virus và lây nhiễm cho người khác.

Matsushita nói: “Tôi tin rằng điều đúng đắn cần làm là tiếp tục đeo khẩu trang ngay cả khi đã tiêm phòng trong khi đại dịch đang diễn ra".

NHẬT SANG