Ngày 12/4/1961, tàu vũ trụ Vostok chở theo nhà du hành Gagarin được phóng đi từ sân bay vũ trụ Baikonour ở Kazakhstan, khi đó còn là một phần của LB Xô Viết. Chuyến bay kéo dài chỉ 108 phút khi tàu hoàn thành một vòng quay quanh quỹ đạo Trái Đất và trở về. Kể từ đó nhà du hành vũ trụ Gagarin cũng trở thành huyền thoại và ngày ông thực hiện chuyến bay cũng trở thành Ngày Du hành vũ trụ của Nga.
Nhà du hành Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào không gian. Ảnh: history.com |
Nhà sử học Alexander Zheleznyakov gọi đây là thời khắc giúp cả nhân loại có niềm tin chắc chắn rằng khám phá một thế giới khác bên ngoài vũ trụ bao la hoàn toàn nằm trong tầm tay. Sự kiện đã ghi dấu ấn sâu đậm đến nỗi mà câu nói "Poekhali" (Đi thôi) của phi hành gia 27 tuổi đã trở thành câu khẩu hiệu mang tính biểu tượng với người dân Nga trong suốt những năm về sau.
Sau 60 năm, phi hành gia Yuri Gagarin, vẫn được nhắc tới như một người anh hùng của dân tộc. Hằng năm, rất đông người dân Nga vẫn tới đặt hoa tại các địa điểm tưởng niệm ông trên cả nước trong ngày 12/4. Nhà sử học Vyacheslav Klimentov gọi kỳ tích của Gagarin là nguồn cảm hứng giúp kết nối mọi người dân Nga.
Không chỉ được yêu mến bởi lòng dũng cảm và sự mưu trí, Yuri Gagarin còn là một tấm gương sáng, biểu tượng của sự thành công vươn lên từ khó khăn. Gagarin sinh trưởng trong gia đình lao động, có cha mẹ là thợ mộc và nông dân. Ban đầu ông được học ngành luyện thép trước khi được tuyển làm phi công của quân đội Xô Viết và ở tuổi 27, ông trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ.
Trong khi Gagarin được vinh danh thì tàu vũ trụ Vostok cũng được đưa vào trưng bày tại Bảo tảng Du hành vũ trụ tại thủ đô Moskva. Tại đây, trong ngày 13/4, cũng diễn ra triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Gagarin, với nhiều hiện vật như các tài liệu, ảnh và đồ dùng cá nhân của Gagarin, từ thời ông còn nhỏ hay khi còn ngồi ghế nhà trường.
Cho tới nay, chuyến bay của Gagarin vẫn luôn được nhắc đến như niềm tự hào dân tộc với mỗi người Nga, một biểu tượng thể hiện sức mạnh của LB Xô Viết trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Bốn năm trước chuyến bay của Gagarin, ngày 4/10/1957, LB Xô Viết cũng chính là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa vệ tinh vào quỹ đạo Trái Đất- vệ tinh Sputnik. Cho đến bây giờ, thế giới vẫn coi những tín hiệu là 2 tiếng "beep-beep" đầu tiên mà Sputnik gửi về Trái Đất đã kích hoạt một cuộc chạy đua giữa LB Xô Viết khi đó và Mỹ trong lĩnh vực không gian vũ trụ.
Trong những năm sau đó, Nga luôn dẫn đầu khi Gagarin thực hiện thành công chuyến bay của mình, hay sự kiện nhà du hành Alexei Leonov trở thành người đầu tiên bước ra ngoài không gian và sự kiện Nga là quốc gia đầu tiên phóng thành công tàu thăm dò Mặt Trăng năm 1966. Tuy nhiên, 3 năm sau đó, Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên đưa người lên Mặt Trăng.
Tàu vũ trụ Soyuz MS-18 chở 3 phi hành gia rời bệ phóng tại sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan, ngày 9/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Suốt 60 năm qua, Nga vẫn khẳng định vị thế đi đầu trong lĩnh vực khám phá vũ trụ, đều đặn đưa các phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Dù vậy, giới quan sát đánh giá Nga đang phải cạnh tranh với những đối thủ mạnh như Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đua phát triển công nghệ không gian. Năm 2020, Nga mất thế độc quyền thực hiện các vụ phóng đưa người lên ISS khi Công ty Space X của tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk phát triển và đưa vào sử dụng thành công các hệ thống tên lửa có thể tái sử dụng, đưa các nhà du hành Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đáp thành công xuống ISS. Dù Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin vẫn khẳng định cơ quan này đang theo đuổi những dự án đầy tham vọng như sứ mệnh lên sao Kim, sao Hỏa hay lập một trạm vũ trụ trên Mặt Trăng thì những người trong ngành vẫn coi đây là thời điểm đầy khó khăn với Nga khi các đối thủ nổi lên ngày càng mạnh mẽ.
Dù vậy, người dân Nga vẫn luôn tin tưởng vào thành công trong tương lai khi nhìn vào thực tế lịch sử rằng quốc gia này luôn xuất hiện ở những thời điểm đáng nhớ trong lịch sử nhân loại. Không chỉ có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, Nga đã ghi dấu ấn trên vũ đài lịch sử với những phát minh lớn như súng trường AK-47, các loại vũ khí siêu thanh hay gần đây nhất là vaccine phòng COVID-19 đầu tiên trên thế giới Sputnik-V.
Hà Nội và TP.HCM đẩy giá trung bình của toàn thị trường lên cao