90% trẻ em bị xâm hại và bạo hành từ chính người thân trong gia đình

Ngày 3/1, Hội thảo Phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình đã diễn ra tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, hiện tại nước ta đã có hệ thống luật pháp, chính sách tương đối hoàn thiện liên quan tới bảo vệ trẻ em nói chung, phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng. Tuy nhiên, các quy định vẫn còn mang tính chất nguyên tắc, chưa phản ánh được những đặc điểm, yêu cầu của biện pháp phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình.

  Hội thảo về “Phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình”.

Hội thảo về “Phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong gia đình”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà đã nêu báo cáo về số lượng trẻ em bị xâm hại và bạo lực ngay tại gia đình của mình. Trong 17 tỉnh, thành phố, các trường hợp xâm hại trẻ em trong gia đình do người thân quen, cha dượng, bố ruột, ông… gây ra chiếm đến hơn 90%. Theo số liệu của Bộ Công an, trong vòng 2 năm từ 2017 - 2018 có đến 2.643 vụ xâm hại tình dục trẻ em, đây là những gì chúng ta được biết và có thể thống kê được, còn rất nhiều các trường hợp bị che giấu hoặc chưa kịp phát hiện. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ mong muốn qua hội thảo sẽ có những phân tích, đề xuất chính sách về mô hình, các hoạt động can thiệp, cơ chế tổ chức bộ máy, chương trình giáo dục trong gia đình, cho trẻ em để có thể thực hiện trong thời gian tới.

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực là do người lớn cảm thấy tức giận, bực bội và vô cớ trút giận lên con cái, cháu chắt trong gia đình. Theo báo của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, riêng 6 tháng đầu năm có 353 cuộc điện thoại báo cáo về việc bạo lực trẻ em. Số trẻ em bị đánh đập trong gia đình chiếm 65,88%.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội, bà Lê Thị Nga cho rằng cơ quan chức năng cần đánh giá đúng mức độ thực trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình. Bà cũng nhấn mạnh, pháp luật của nước ta về bảo vệ quyền trẻ em và phòng, chống bạo lực gia đình tương đối tốt nên không thể đổ lỗi cho thể chế, pháp luật mà cần xem lại khâu tổ chức thực hiện.

Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông Đặng Hoa Nam chỉ ra các lý do dẫn đến bạo lực và xâm hại đều bắt nguồn từ tâm lý, bệnh lý, thực hiện vai trò của người lớn chỉ bảo và dạy trẻ em thông qua bạo lực hoặc sự thiếu hiểu biết của trẻ về hành vi bạo lực xâm hại.

Cụ thể là có trong số 4.000 trẻ có 53% trả lời có biết, 17% trẻ đã được nghe và 17,9 trẻ đã biết nhưng không hiểu về Luật trẻ em. Nhiều trẻ không hiểu rõ thế nào gọi là bạo lực, xâm hại.

Trên thực tế, việc giáo dục con cái hiểu rõ về việc xâm hại hay bạo lực không phải là việc dễ dàng, bản thân cha mẹ cũng phải tham gia các lớp học đào tạo để hiểu đúng cách truyền đạt cho con. Nhiều cha mẹ lo sợ nếu dạy con quá sớm sẽ khiến con bị hư hỏng, tìm hiểu dẫn đến tò mò… tuy nhiên điều này là hoàn toàn sai lầm. Cha mẹ cần phải nói rõ và phân biệt cho con các tình huống khi gặp kẻ xấu, kể cả đối với người quen, đặc biệt nhấn mạnh đến các thủ đoạn dụ dỗ mà họ hay dùng như cho kẹo, bánh, cho tiền, dọa nạt đánh đập…

Mỗi trường hợp đưa ra, cha mẹ cần dạy con kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tìm cách thoát khỏi tình huống nguy hiểm. Muốn con có cảm giác an toàn, cha mẹ nên ở cạnh, trao đổi, nói chuyện để tạo ra sự gắn kết, tránh trường hợp vì quá lo sợ khi nói sự thật cho cha mẹ mà không được tin tưởng hay hỏi thăm. Trong việc bảo vệ trẻ, vai trò của người thân là vô cùng quan trọng.

Trong Hội thảo lần này, các đại biểu kiến nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Trẻ em 2016, đồng thời giám sát việc thực hiện trách nhiệm của các bộ, ngành và của gia đình; xem xét sửa đổi Luật Trẻ em theo hướng bổ sung đối tượng các cháu có cha, mẹ ly hôn phải sống với cha dượng vào nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; xem xét sửa đổi quy định của Luật Giám định tư pháp liên quan đến trẻ em; quy định xử phạt các đối tượng dù phát hiện các vụ việc xâm hại trẻ em nhưng không tố giác...

Xâm hại và bạo lực trẻ em là một vấn đề nóng trong nhiều năm qua, nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các tổ chức, các hội. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đây cũng là chủ đề được đưa ra để thảo luận tìm biện pháp bảo vệ những em bé bị xâm hại và bị bạo hành. 

Thanh Mai

Nhức nhối nạn clip bẩn dạy trẻ em tự tử

Nhức nhối nạn clip bẩn dạy trẻ em tự tử

Mới đây, một bé trai học lớp 2 tại TP.HCM đã may mắn được cứu sống kịp thời sau khi làm theo clip hướng dẫn treo cổ trên mạng.