Thực phẩm tặng Thảo cầm viên gồm thịt, cá, rau, củ, quả, ... đã hết tiêu chuẩn phục vụ khách hàng nhưng vẫn đảm bảo điều kiện để làm thức ăn cho động vật.
Đại diện AEON Việt Nam cho biết đã thực hiện việc này từ đầu tháng 10, vì mục đích phát triển bền vững.
Theo AEON Việt Nam, dự án này sẽ giúp giảm lượng thức ăn thừa thải ra môi trường cũng như giảm lượng khí CO2 thải ra trong quá trình thu gom và tiêu hủy thức ăn. Bên cạnh đó, số thực phẩm mà AEON cung cấp sẽ giúp đảm bảo bữa ăn cho các con vật đang được chăm sóc tại Thảo Cầm Viên.
Sau quá trình thử nghiệm, AEON Việt Nam sẽ tiến tới cộng tác lâu dài cùng Thảo Cầm Viên TP.HCM vì một hệ sinh thái đô thị bền vững cho cộng đồng.
Giữa tháng 9, Thảo Cầm Viên đã phải kêu cứu, xin hỗ trợ nhằm phục vụ chăm sóc động vật sống tại đây. Theo đó, từ tháng 5, Thảo Cầm Viên Sài Gòn phải đóng cửa do các đợt giãn cách xã hội. Không có nguồn thu, song đơn vị mỗi tháng vẫn phải chi 3 - 4 tỷ đồng để chăm sóc động vật, thực vật.
Đại diện đơn vị quản lý cho hay, dù đã thực hiện các biện pháp tiết kiệm và giảm các khoản chi phí để duy trì hoạt động thường xuyên, tối thiểu trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay, nhưng theo dự toán, từ tháng 7 đến tháng 12/2021, chi phí chăm sóc động, thực vật của đơn vị này cần hơn 45,7 tỷ đồng.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã đề xuất được hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng để thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng động vật và duy tu, bảo quản công viên cây xanh đến hết năm 2021.
Số tiền trên sẽ chi vào mua thức ăn cho động vật; thuốc thú y; thuốc bảo vệ thực vật; công cụ dụng cụ, vật tư sửa chữa; chi phí điện, nước; chi phí dịch vụ mua ngoài; tiền lương công nhân viên 256 người và các khoản bảo hiểm.
Thảo Cầm Viên là vườn thú có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới, đến nay đã 156 tuổi. Ở đây đang có 1.373 cá thể thuộc 145 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm như trĩ sao, chà vá, vượn má vàng, báo lửa, báo gấm, hươu vàng... và hơn 900 loài thực vật.