Phong trào trồng rau tại nhà nở rộ khắp mọi nơi vì ai cũng mong muốn có được nguồn rau sạch trong bữa ăn hằng ngày.
Hiện nhiều người đang sử dụng hạt giống sai mục đích, tức dùng hạt giống rau lớn để làm rau mầm, canh tác rau tại vùng đất ô nhiễm, sử dụng phân bón không rõ nguồn gốc... nên cũng có nguy cơ nhiễm độc, thuốc bảo quản vẫn tồn dư trong rau.
Rất nhiều gia đình có nhu cầu trồng rau sạch để dùng trong bữa ăn hằng ngày. |
Giống rau lớn chứa nhiều chất bảo quản?
Trên mạng xã hội từng có nhiều ý kiến xoay quanh việc hạt giống dùng làm rau mầm hiện nay tại Việt Nam đa phần được xử lý hóa chất. Theo một nickname tên Thành, các doanh nghiệp Việt Nam lấy các loại hạt giống chỉ để trồng lấy củ như giống củ cải trắng, củ cải đỏ, củ dền và một số hạt giống khác bán cho người dân hoặc cho các đơn vị chuyên sản xuất rau mầm.
Vấn đề là các hạt giống này đều được xử lý thuốc chống mối mọt loại nặng. Khi đã ướp vào hạt giống, sẽ tồn tại được khoảng 2 năm, tức trong 2 năm này hạt không bị hư hao gì.
Trong khi đó, nếu dùng làm rau mầm, người dân chỉ trồng trong vòng bảy ngày rồi đem thu hoạch nên không thể phân hủy hết được lượng chất độc. Khi ăn vào cơ thể dễ bị ngộ độc, gây đau bụng hoặc nguy cơ tiềm tàng lâu dài trong cơ thể.
Câu chuyện chia sẻ từ nickname tên Thành dấy lên mối lo ngại với người tiêu dùng. Bởi theo quy định hiện nay vẫn chưa thấy phân biệt giữa hạt giống rau mầm với hạt giống rau khác, nhiều người vẫn dùng hạt giống các loại rau bình thường để làm rau mầm. Trong khi các loại hạt giống được cho là rau mầm này rất nhập nhằng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ghé các điểm bán hạt giống trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình, TP.HCM), hạt giống được treo lủng lẳng, phơi trần ngoài nắng từ ngày này sang ngày khác, trong khi trên bao bì sản phẩm các loại hạt giống rau mầm đều ghi: phải bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
Theo quy định hiện nay vẫn chưa thấy phân biệt giữa hạt giống rau mầm với hạt giống rau khác. |
Việc phơi trần ngoài nắng nhưng hạt giống không hư chứng tỏ hạt phải tẩm ướp chất bảo quản, hóa chất chống mối, mọt… Nhiều loại hạt giống được quảng cáo nhập từ nước ngoài như Thái Lan, Ý, Newzealand… nhưng đa phần đều là hạt giống “trần” (không nhãn mác, không bao bì, bán dạng xá), có giá 8.000 – 10.000 đ/100gam. Người bán khẳng định, dù để cả năm hạt giống vẫn sẽ cho năng suất cao, không lo mối mọt.
Một số sản phẩm có ghi chú như “hạt giống đã được xử lý để ngừa sâu bệnh, không được ăn”, “hạt giống chỉ sử dụng cho gieo trồng, không được ăn”. Tuy nhiên, điều khiến người tiêu dùng hoang mang vì nhà sản xuất lại không hề công bố những hóa chất đã được dùng để xử lý hạt giống chống mối mọt, ẩm mốc nên họ không thể biết những hóa chất đó thực chất có an toàn hay không?!
Việt Nam chưa sản xuất được hạt giống rau mầm
TS Nguyễn Đăng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới cho biết, tại Việt Nam chưa sản xuất được hạt giống rau mầm chuyên dụng. Hạt giống rau mầm là loại đặc biệt, được sản xuất sao cho tỷ lệ nảy mầm sớm nên hạn sử dụng thấp, chỉ khoảng sáu tháng, phải đảm bảo không có chất bảo quản.
Các loại hạt giống có quy trình bảo quản nghiêm ngặt, phải để trong kho lạnh, nhiệt độ thấp mới bảo quản được lâu. Hạt giống rau lớn nếu đưa ra thị trường buộc phải dùng chất bảo quản như Metalaxyl – là một dạng thuốc trừ sâu để chống mốc, mối mọt.
Việc sử dụng hạt giống được tẩm thuốc bảo quản không có vấn đề gì vì khi được trồng dài ngày trong điều kiện đủ ánh sáng, môi trường tự nhiên thì thuốc này đã bị phân hủy, không tác động đến cây trồng. Cụ thể, ở điều kiện đồng ruộng Metalaxyl bán phân hủy trong đất từ 7 – 170 ngày; đất ẩm ướt, chu kỳ bán phân hủy khoảng 70 ngày nhưng nếu cường độ ánh sáng manh sự phân hủy của Metalaxyl trong đất nhanh hơn; ở đất cát Metalaxyl phân hủy khá nhanh nhưng nếu bón thêm phân hữu cơ trong lúc trồng sẽ kéo dài thời gian phân hủy.
Người tiêu dùng phải hết sức cẩn trọng khi chọn hạt giống rau mầm. |
Từ đó cho thấy, nếu sử dụng hạt giống rau lớn có chứa chất bảo quản làm rau mầm sẽ rất nguy hại bởi rau được trồng trong điều kiện ẩm, thiếu ánh sáng, thu hoạch trong thời gian ngắn (5-7 ngày) nên thuốc không thể phân hủy được. Metalaxyl được xếp vào nhóm độc II, dễ gây kích ứng mắt, tác động kích thích mắt, ăn nhiều chất này sẽ gây ngộ độc mãn tính, có nguy cơ ung thư.
Ngoài ra, TS Nguyễn Đăng Nghĩa khuyến cáo, nếu mua hạt giống rau mầm phải xem trên bao bì có chất bảo quản hay không, nếu ghi: “Có chất bảo quản, không được ăn”, người tiêu dùng tuyệt đối không được chọn sản phẩm này làm rau mầm.
Trong thời gian qua đã có những trường hợp ngộ độc rau mầm đến từ chính đặc tính sinh học của hạt giống, vì vậy không ăn rau mầm từ khoai tây, các loại dưa dây vì có chứa độc chất là alkaloid solanine; đậu ván, đậu mèo, đậu kiếm, đậu trứng chim cũng có hàm lượng lớn glucozid sinh axit cyanhydric giống như trong măng và sắn.
Trong thông tư số 50/2010/TT-BNNPTNT ngày 30/8/2010 sửa đổi, bổ sung Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 ban hành kèm theo Thông tư số 50/2009/TT-BNNPTNT ngày 18/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ghi rõ: Giống cây trồng thuộc danh mục sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 gồm các loại giống lúa, ngô, lạc, đậu tương, khoai tây. Chúng được gọi tắt là giống cây trồng và không hề có tên “hạt giống rau mầm” bấy lâu nay vẫn gọi. Việc “lách” câu chữ không chỉ đánh lừa người tiêu dùng mà còn nhằm đối phó với cơ quan chức năng bởi “hạt giống rau mầm” không thuộc mặt hàng phải xử lý nếu có sai phạm.
Khám phá mô hình trồng rau sạch tại nhà với chi phí chưa đến 5 triệu đồng
Đầy là hệ thống trồng rau sạch tại nhà được một nhóm kỹ sư trẻ tại quận 2, TP.HCM thiết kế dành cho các hộ gia đình, đặc biệt là chung cư.