"Nếu con được điểm 10, bố/mẹ sẽ thưởng cho con tiền/đồ chơi/chơi game/mua váy mới...", chắc chắn không ít bậc cha mẹ từng nói với con như vậy. Họ thường dùng quà thưởng vật chất để tạo động lực học tập cho con. Nhưng xung quanh vấn đề này cũng nảy sinh những quan điểm trái chiều.
Mới đây, một bà mẹ xin tư vấn về việc có nên cho con tiền khi đạt điểm cao. Cụ thể, chị cho biết mình dự định sẽ thưởng cho 2 cô gái 12 tuổi và 8 tuổi 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng nếu đạt điểm 9. Còn nếu 7 điểm trở xuống sẽ bị trừ tiền 200 ngàn đồng; con để phòng bẩn trừ 10 ngàn đồng, không tập thể dục trừ 10 ngàn đồng.
Tiết lộ của chị ngay lập tức dấy lên tranh cãi.
Thứ nhất, nhiều người cho rằng việc học là của con. Cùng lắm là khi con đạt được 1 mục tiêu nào đó, ví dụ vào lớp 10 thì sẽ được món quà yêu thích. Mọi việc quy hết về tiền thì sau này con luôn nghĩ tiền là duy nhất. Phần thưởng nào thưởng mãi cũng sẽ nhàm chán và mất giá trị. Hãy để con hiểu con là thành viên trong nhà, làm việc giúp bố mẹ cũng là trách nhiệm của con, việc học là việc của con, đi làm là việc của bố mẹ. Hơn nữa, việc học hay việc nhà cũng có lúc con chán, mệt, lười thì bị điểm kém cũng là bình thường, người lớn cũng có lúc như vậy, nếu làm sai cứ trừ tiền thì con sẽ rất mệt mỏi.
Thứ hai, một số phụ huynh chia sẻ, họ có cho con tiền nhưng chỉ là thưởng ít khi con có thành tích vượt trội. Hiện nay, các con đạt điểm 9, 10 không còn quá khó, thường 5 trăm ngàn đồng, 1 triệu đồng là quá nhiều, nhà giàu mới kham nổi.
Tuy nhiên, trước đó bà mẹ này cho biết, dù cho con nhiều tiền nhưng số tiền con có được mẹ vẫn quản lý và con chỉ được mua đồ con thích như xe, điện thoại, máy tính, quấn áo, dày dép, đồ chơi… khi con có đủ tiền. Nếu con không cố gắng và số tiền thưởng bằng 0 thì con phải chấp nhận không có gì. "Mình nghĩ như vậy thì con sẽ chỉ nhận được những gì mình xứng đáng và biết cố gắng nhiều hơn để nhận được nhiều hơn. Có thể con sẽ học được cách chi tiêu số tiền mình có. Nhưng mình cũng lo lắng không biết làm vậy có hệ lụy gì sau này không, đặc biệt là với con gái", chị nói.
Nói về vấn đề này, chị Lê Phương Thanh - chuyên gia giáo dục tài chính được chứng nhận CFEI, tác giả cuốn sách "Tài chính cá nhân cho mẹ Việt" cho biết:
"Cá nhân mình không lựa chọn thưởng tiền cho con đi được điểm cao. Con cần nhận thức được việc học là trách nhiệm và giúp cho cuộc sống của con sau này phát triển hơn chứ không phải học vì được thưởng tiền. Hơn nữa việc treo thưởng sẽ khiến con bị áp lực. Nếu không đạt được điểm cao, con sẽ cảm thấy bị thất bại. Ngoài ra, việc thưởng tiền cho con khi được điểm cao sẽ khiến con nghĩ rằng mình "giàu" hơn các bạn dẫn đến có những suy nghĩ phân biệt lệch lạc.
Có thể quy đổi thưởng tiền bằng việc khen ngợi con hay thưởng bằng cách món quà nhỏ phù hợp sở thích hoặc các chuyến đi du lịch hướng tới trải nghiệm".
Chị Lê Phương Thanh |
Điều vô cùng quan trọng đó là khi con đến độ tuổi biết về tiền, bố mẹ nên dạy con các kiến thức tài chính cơ bản như ý thức tiết kiệm tiền, mua sắm vừa phải không lãng phí, mua sắm những món đồ thực sự cần thiết và thiết lập ngân sách. Có thể dạy con về cách theo dõi, ghi chép chi tiêu.
Để việc này trở nên hấp dẫn hơn, bố mẹ có thể hướng dẫn con sử dụng một chiếc sổ xinh xắn để ghi chép. Khuyến khích con tiết kiệm một phần tiêu tiêu vặt mỗi tuần để dành cho những mua sắm lớn hơn, những món đồ con thích có giá trị lớn trong tương lai.
Làm sao để con "ngoan" dù không thưởng tiền?
Dưới phần bình luận, nhiều người chia sẻ cách dạy con của mình:
Một phụ huynh cho biết, chị áp dụng cách thưởng phạt theo kiểu tính điểm với con gái 9 tuổi: Việc bắt buộc phải làm, không được tính điểm: Lau dọn bàn, bọc cất đồ ăn sau khi ăn xong, dọn chén bát trước khi ăn,… Việc tính điểm: Dậy tự gấp chăn màn, thay đồ, tự làm đồ ăn sáng không để mẹ gọi: 9 điểm. Nếu không hoàn thành việc bắt buộc, hoặc gọi không dậy, lỗi mắc đi mắc lại nhiều lần sẽ trừ điểm tuỳ lỗi nặng nhẹ. Khi đủ 50 điểmcon có quyền đổi điểm sang số tiền tương ứng bằng cách mua quà, bánh, hoặc ngủ chung với mẹ hoặc bất cứ điều gì con thích
Chị quan niệm việc học là của con, giỏi hay dở đều đựơc, nếu con muốn kiếm tiền dễ dàng hơn một chút thì học giỏi là con đường dễ nhất, còn không thích tiền thì học dở cũng được, không sao, điều quan trọng là con vui và hạnh phúc với điều con đang làm là được. Nhưng con cần có trách nhiệm, bài có thể làm sai nhưng phải làm đủ, bài không biết thì tìm kiếm trên mạng, không hiểu thì hỏi mẹ, hỏi cô, nhưng phải tự giác, đừng để mẹ nhắc, vì để nhắc nhiều lần sẽ bị trừ điểm.
Bảng tính điểm được phụ huynh chia sẻ |
Một người khác chia sẻ kinh nghiệm: "Con vào lớp 6 mình bắt đầu cho con tiền tiêu vặt vì con bắt đầu tự đi xe đạp đi học, con cần tiền để bơm xe, uống nước, mình chi tiền theo tuần, phát tiền vào đầu tuần. Vào những năm 2013 -2 016 mình cho con mỗi tuần 20 ngàn đồng, lúc đó bơm xe đạp 2 ngàn đồng/1 lần, 5 ngàn đồng/1 chai nước.
Mình nói với con về việc người tiêu tiền thông minh là không khi nào tiêu hết số tiền mình có, cần tiêu pha cân đối để cuối kỳ luôn có số dư, dần dần con sẽ có tiền tích luỹ để chi tiêu vào những việc khác. Cuối tuần mình luôn hỏi con còn bao nhiêu tiền, hướng dẫn con cách bảo quản tiền tránh vô ý không cẩn thận rơi, mất. Những lúc con phạm lỗi nặng mình cũng cắt, hoặc giảm tiền tuỳ vào lỗi nặng nhẹ và sự thành khẩn nhận lỗi của con, để mình ra quyết định sẽ cắt trong thời gian bao lâu, giảm bao nhiêu. Đồng thời mình hỏi con: Mẹ làm như vậy có đúng không? Con có ý kiến đề đạt gì không để mẹ xem xét, đa số là con chấp nhận. Trộm vía 2 "giai" nhà mình giờ 1 đứa 34 tuổi, 1 đứa 22 tuổi quản lý tài chính và học hành cũng ổn, dù vào lúc dậy thì cả 2 quậy tưng bừng", chị nói.
Theo bạn, có nên thưởng tiền cho con nếu con đạt điểm cao không?
Nữ MC lật đật từ Úc về Việt Nam nhận danh hiệu NSƯT nhưng chỉ ở lại 2 ngày: Nghe lý do mà nể chuyện dạy con
Chia sẻ của nữ nghệ sĩ nhận nhiều lời khen về chuyện nuôi dạy con.