Ngày 18-8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, ngụ quận 1) - tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam - về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Những nội dung bà Hằng khai nhận bao gồm việc phát ngôn gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của ca sĩ Vy Oanh là do Vy Oanh bình luận trên trang Facebook liên quan đến hoạt động làm từ thiện của bà Hằng; phát ngôn gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của nghệ sĩ Hoài Linh do Hoài Linh có mối quan hệ với ông Võ Hoàng Yên nhưng không lên tiếng tố giác; xúc phạm danh dự, uy tín của nhà báo Đặng Thị Hàn Ni vì cho rằng bà Hàn Ni đã có những phát ngôn trên mạng xã hội không tốt về Công ty Đại Nam, quỹ từ thiện Hằng Hữu.
Cơ quan công an đọc quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng - Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ |
Những người tham gia và trợ giúp các buổi livestream của bà Hằng có ông Huỳnh Công Tân (trưởng phòng truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam), bà Lê Thị Thu Hà (nhân viên văn phòng Công ty cổ phần Đại Nam) và bà Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bà Hằng tại Công ty cổ phần Đại Nam). Ba người này đã đăng tin trên mạng xã hội Facebook về tiêu đề, thời điểm, đường dẫn đến kênh YouTube, TikTok sẽ phát livestream; in các nội dung mà bị can Nguyễn Phương Hằng sẽ phát ngôn, đưa cho bị can Hằng trước các buổi livestream; chuẩn bị, sử dụng các phương tiện, thiết bị điện tử để phục vụ livestream và phát livestream trên các tài khoản mạng xã hội của bà Hằng; dẫn chương trình trong các buổi livestream, thông báo số lượng người xem, đọc các bình luận trên livestream phát trực tiếp...
Ngoài ra còn có luật sư Đặng Anh Quân (giảng viên Đại học luật TP.HCM) và luật sư Nguyễn Đình Kim. Hiện Công an TP.HCM đang mở rộng điều tra vụ án liên quan bà Hằng.
Trước đó Công an TP.HCM đã tiếp nhận nhiều đơn của các cá nhân tố cáo bà Hằng có hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và đe dọa giết người thông qua việc nói trên các buổi livestream.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM thụ lý điều tra vụ Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự, xảy ra tại TPHCM do bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện.
Theo Công an TPHCM, bà Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Trong quá trình điều tra, bà Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TPHCM và một số địa phương khác.
Các cơ quan chức năng của TP.HCM đã nhiều lần mời bà Hằng làm việc để nhắc nhở, khuyến cáo không tiếp tục các hoạt động vi phạm pháp luật. Tuy nhiên bà Hằng có thái độ không hợp tác và còn thách thức cơ quan chức năng. Dù bị cảnh cáo, bà Hằng vẫn tiếp tục phát ngôn vu khống, nhục mạ các cá nhân; đồng thời tổ chức các hoạt động tụ tập đông người tại TP.HCM và tại một số tỉnh, thành khác.
Qua thu thập tài liệu, chứng cứ, ngày 24/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Thiếu lao động, Úc dự kiến sẽ tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động nhập cư
Chính phủ Úc dự kiến nâng hạn ngạch tiếp nhận lao động nhập cư có tay nghề lên mức cao kỷ lục là 200.000 người mỗi năm để chống lại tình trạng thiếu lao động trầm trọng đang diễn ra tại nước này.