“Ballet Kiều”: Nhiều kỳ vọng về tầm vóc và giá trị nghệ thuật

“Ballet Kiều” là vở diễn “đặt hàng” trị giá hơn 1 tỷ đồng của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam.

Ballet Kiều sẽ ra mắt khán giả TP.HCM vào ngày 20/6 tới. Đây là vở diễn “đặt hàng” trị giá hơn 1 tỷ đồng của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, đơn vị thực hiện là Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO). 

Vở diễn có hai biên đạo, ngoài Tuyết Minh còn có Nguyễn Phúc Hùng (tốt nghiệp biên đạo tại Học Viện Múa Fontys - Hà Lan), từng có thời gian dài làm việc tại Hà Lan và châu Âu.

“Ballet Kiều”: Nhiều kỳ vọng về tầm vóc và giá trị nghệ thuật

Chỉ đạo nghệ thuật của vở diễn - NSND Ứng Duy Thịnh cho biết: “Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã “nhắm” Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM từ lâu rồi. Hội ghi nhận những thành tựu của Nhà hát và đặc biệt là tin tưởng vào dàn diễn viên vừa trẻ trung vừa có tài năng toả sáng trên sân khấu như HBSO”.

Chuyên viên phòng Nghệ thuật (Cục Nghệ thuật Biểu diễn) - Biên đạo Tuyết Minh cho biết: “Với một vở ba lê có câu chuyện, có hệ thống nhân vật cả chính diện, phản diện đan xen dầy dặn như Ballet Kiều thì ở Việt Nam hiện tại chỉ có đoàn múa của HBSO là có thể thực hiện tốt.

“Ballet Kiều”: Nhiều kỳ vọng về tầm vóc và giá trị nghệ thuật

Nghệ thuật múa rất khắc nghiệt, chỉ cần qua lứa tuổi trẻ trung, qua thời điểm có thể toả sáng nhất cho kỹ thuật múa thì đã “trượt dốc” rồi và bắt buộc phải chuyển sang làm biên đạo. HBSO hiện nay đang có lứa nghệ sĩ trẻ, tài năng, ở đúng độ tuổi toả sáng trên sân khấu.

Những gương mặt như Trần Hoàng Yến, Hồ Phi Điệp, Đàm Đức Nhuận, Phan Thái Bình… đều đã điêu luyện trong rất nhiều vở diễn lớn trên sân khấu múa rồi. HBSO lại có những vũ công còn rất trẻ như Kim Tuyền, Minh Tú, Sùng A Lùng, Đỗ Hoàng Khang Ninh… Mỗi người đều có cá tính nghệ thuật rất riêng, đa dạng, phong phú để xây dựng các nhân vật điển hình”.

Biên đạo Nguyễn Phúc Hùng cho biết: “Sau mỗi dự án lớn, các nghệ sĩ theo đuổi múa chuyên nghiệp được lăn xả với nghề và khả năng chuyên môn lại được nâng lên một tầm cao mới. 15 chương của Ballet Kiều là những sắc thái tâm lý khác nhau, sự tiếp nối và tương phản của các bức tranh lôi cuốn, hấp dẫn, đầy bất ngờ”.

Biên đạo Tuyết Minh thông tin thêm: “Tác phẩm vừa thể hiện chất thơ, chất trữ tình bằng ngôn ngữ hình thể, vừa phải thể hiện được các nét tính cách của nhân vật điển hình.

“Ballet Kiều”: Nhiều kỳ vọng về tầm vóc và giá trị nghệ thuật

Buộc phải tuân thủ các chuẩn mực khắt khe của tinh hoa văn hoá đỉnh cao châu Âu, thường là dành cho giới quý tộc thưởng thức, đồng thời Ballet Kiều lại phải toát lên nét bình dị gần gũi của văn hoá bản địa Việt Nam, lột tả được tinh thần của nàng Kiều cũng như phản ánh đời sống xã hội cổ điển, phong kiến cũ.

Trang phục của vở diễn phải được thiết kế đặc biệt. Từng đạo cụ của vở diễn, chẳng hạn như chiếc nón quai thao chúng tôi phải đặt từ làng Chuông, với những nếp lá cổ, màu vàng đất nhạt tự nhiên chứ không phải màu xịt “công nghiệp” mà bây giờ chúng ta hay dùng” .

Nghệ sĩ Sùng A Lùng đảm nhận vai diễn đặc biệt thể hiện hình ảnh Tú Bà chia sẻ anh đã từng mất ngủ, đứng tập trước gương và cảm thấy áp lực vì được giao vai diễn khó. 

Được hỏi lý do lựa chọn Sùng A Lùng, biên đạo Tuyết Minh cho biết chị đã quan sát Sùng A Lùng từ lâu, các vai diễn khác mà Lùng đã toả sáng. Chị khẳng định Lùng là một tài năng tuy nhiên vẫn chưa thể hiện được hết sự đặc biệt. 

Sùng A Lùng là một diễn viên múa xuất thân từ dân tộc Mông, sở hữu một cơ thể tuyệt đẹp, nhưng ẩn chứa nỗi khắc khoải của một thân phận đang đi tìm chính mình. “Với nghệ thuật múa dân tộc thì múa Tuồng được coi như một môn nghệ thuật đỉnh cao, trong đó nghệ thuật múa xoay quanh âm và dương.

Chẳng hạn như khi vẽ nên gương mặt người đàn bà cai quản chốn lầu xanh, nơi bán buôn thân xác phụ nữ, chốn thay đổi tất cả mọi giá trị bằng đồng tiền thì cái cách chuyển động của Sùng A Lùng chẳng khác nào Tú Bà vẽ nên mặt nạ cho mình và vẽ nên chính chân dung Tú Bà. Nếu tôi giao cho các diễn viên múa nữ khác chắc chắn họ không thể lột tả được nhân vật Tú Bà “đặc biệt” như cụ Nguyễn Du mô tả”, biên đạo Tuyết Minh cho biết. 

NSƯT Trần Hoàng Yến, người sắm vai nàng Kiều tự sự: “Để có thể giữ được sức khoẻ từ giai đoạn tập cho đến đêm diễn cho Ballet Kiều không hề dễ dàng. Toàn bộ 15 trường đoạn đều sử dụng những ngôn ngữ múa khác nhau và thay đổi đến… chóng mặt"

NSƯT Trần Hoàng Yến dẫn chứng đoạn múa đôi với nhân vật Kim Trọng vừa là múa cổ điển, sau đó là từ ballet cổ điển bay bổng nhẹ nhàng sang màu sắc ballet đương đại mạnh mẽ. Vai diễn của NSƯT Trần Hoàng Yến lần này được đánh giá là vai diễn để đời, cho dù đây không phải lần đầu cô diễn Kiều. 

Phụ trách âm nhạc của Ballet Kiều là hai nhạc sĩ với hai phong cách khác nhau. Nhạc sĩ Việt Anh - tác giả “Dòng sông lơ đãng”, “Không còn mùa thu”, “Đêm nằm mơ phố”…  Saukhi tốt nghiệp sáng tác âm nhạc tại New Zealand anh cũng có hàng loạt các tác phẩm dành cho khí nhạc như Chân trời, Cầu nguyện mùa xuân, Vàng son, nhạc kịch Dế mèn phiêu lưu ký… là một trong hai tác giả phần âm nhạc.

Nghệ sĩ Chinh Ba sẽ mang đến vở diễn một không gian âm nhạc hoàn toàn khác, ấn tượng mạnh bởi khai thác những âm thanh vocal hoà trộn với những âm điệu truyền thống.

TS Trần Quốc Tuấn khẳng định: “Kịch múa (ballet) là thể loại quy mô nhất, tập trung nhiều yếu tố nghệ thuật cao. Việc dàn dựng kịch múa thể hiện quan điểm nghệ thuật và quyết tâm của hội nghề nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam".

Thanh Mai

Trà sen, phong cách tao nhã của người Hà Nội cũ

Trà sen, phong cách tao nhã của người Hà Nội cũ

Nhắm mắt chiêu một hớp nhỏ, hương sen lan tỏa khắp miệng, ngào ngạt như đang tĩnh tâm trước một đầm sen. Tinh thần tỉnh táo và sảng khoái đến vô cùng.