Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Theo Điều 2 của Hiệp ước Lisbon 1958 đã được sửa đổi năm 1967 và 1979, "chỉ dẫn địa lý là tên địa lý của một nước, vùng hoặc địa phương dùng để chỉ dẫn xuất xứ của sản phẩm, mà chất lượng và những đặc tính của nó dựa trên các điều kiện môi trường địa lý độc đáo, ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên và con người”.
Theo Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS): “Chỉ dẫn địa lý (Geographical Indications) được hiểu là một chỉ dẫn nhằm xác định một sản phẩm có xuất xứ từ lãnh thổ của một nước thành viên hoặc từ một vùng, một khu vực địa lý của nước đó, mà chất lượng, danh tiếng hay các đặc tính khác của sản phẩm chủ yếu có được do nguồn gốc địa lý này mang lại”.
Năm 1995, những quy định đầu tiên về tên gọi xuất xứ được chính thức đưa vào Điều 786 Bộ luật Dân sự 1995, theo tinh thần của Công ước Paris. Năm 2009 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) sửa đổi và bổ sung đã đưa ra một định nghĩa ngắn gọn hơn về chỉ dẫn địa lý và những đặc trưng của chỉ dẫn địa lý được đưa vào phần quy định về điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang-sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Ảnh: TL |
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã định nghĩa lại và bổ sung khái niệm chỉ dẫn địa lý đồng âm. Cụ thể là đảo dấu hiệu pháp lý “nguồn gốc địa lý” lên trước “sản phẩm” có nguồn gốc địa lý đó“Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể". Đồng thời bổ sung khái niệm chỉ dẫn địa lý đồng âm (homonymous geographical indication) tại khoản 22a Điều 4 khi quy định rằng “Chỉ dẫn địa lý đồng âm là các chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau”.
Bên cạnh đó, Điều 88 của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 quy định quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.
Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đáp ứng các điều kiện sau:
- Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
- Các điều kiện địa lý liên quan đến chỉ dẫn địa lý là những yếu tố tự nhiên, yếu tố về con người quyết định danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó. Yếu tố tự nhiên bao gồm yếu tố về khí hậu, thuỷ văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác.Yếu tố về con người bao gồm kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương
– Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
Chỉ dẫn địa lý có những quy định chặt chẽ hơn chỉ dẫn nguồn gốc nhưng không quá ràng buộc như tên gọi xuất xứ. Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hóa học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.
Qua nhiều năm, các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho thấy vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn đa dạng sinh học, thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại. Ngoài ra còn nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.
Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam gắn với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã và đang trở thành một định hướng quan trọng trong phát triển nông nghiệp.
Chỉ dẫn địa lý quốc gia có thể nhà nhập khẩu và người tiêu dùng định vị được sản phẩm mang tính đại diện cho Việt Nam, góp phần đưa hàng Việt, thương hiệu Việt gia tăng giá trị xuất khẩu. Chỉ dẫn địa lý có thể giúp người tiêu dùng yên tâm về xuất xứ, chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp các tổ chức quản lý kiểm soát được số lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường, giúp các cơ quan thực thi quyền SHTT dễ dàng phát hiện được các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
Người tiêu dùng cũng dựa vào những dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý để nhận biết và lựa chọn sản phẩm. Uy tín sản phẩm càng cao thì nhu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý lại càng lớn.
Tuy nhiên, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cần có những quy định cơ chế với các phương thức cụ thể để ngăn chặn việc xâm phạm của các chủ thể khác. Những hành vi mang tính xâm phạm quyền từ các chủ thể khác phải được ngăn chặn một cách kịp thời, chính xác.
Vấn đề này không chỉ ở trong một quốc gia mà còn mang tính quốc tế. Cho nên đã có nhiều quy định trong điều ước quốc tế về vấn đề này.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho vải thiều Lục Ngạn đã nâng cao giá trị cây trái được định danh của Việt Nam. |
Các quy định pháp lý của Việt Nam đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể đã khá đầy đủ nhưng thủ tục đăng ký được đánh giá còn khá phức tạp, yêu cầu kỹ thuật, chuyên môn cao…Có nhiều sản phẩm gặp khó khăn trong việc khai thác và phát triển, viêc xác lập quyền thương hiệu cũng còn nhiều vướng mắc.
Thực tế cho thấy, các nước Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Thái Lan… đã thành công với những giải pháp, quan điểm xây dựng thương hiệu cho nông sản, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý của cộng đồng chung châu Âu đó là: chống lại sự giả mạo và lạm dụng tên gọi của các sản phẩm gắn với một địa danh cụ thể; chống lại các hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn.
Để bảo vệ và nâng cao giá trị sản phẩm Việt, thực hiện chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, đơn vị phối hợp với Cơ quan SHTT Hàn Quốc (KIPO) đã thiết kế và thành công "Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia của Việt Nam".
Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia sẽ góp phần tăng khả năng nhận diện của sản phẩm, là công cụ quản lý, tiếp thị và quảng bá sản phẩm, cũng như góp phần kiểm soát, chống lại hành vi làm giả, làm nhái sản phẩm.
|
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng diễn ra mạnh mẽ, trong đó bao gồm cả các hoạt động sản xuất và kinh doanh các đặc sản địa phương. Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA)... các vấn đề liên quan đến chỉ dẫn địa lý, quyền thương hiệu lại càng đóng vai trò quan trọng. Cần xây dựng chiến lược nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông, lâm, thuỷ sản, các sản phẩm làng nghề và các chính sách hỗ trợ mà ưu tiên hàng đầu là xây dựng, đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các loại sản phẩm này.
---
"Bài viết nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030" do Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ trì"
Bom tấn Hoa ngữ được 17 triệu fan ngóng chờ: Cốt truyện đỉnh cao, nam chính diễn xuất phong thần
Bộ phim Hoa ngữ này lập kỷ lục trước giờ chưa từng có, hứa hẹn khuynh đảo màn ảnh Hoa ngữ thời gian tới.