Vai trò của bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong việc bảo vệ sản phẩm truyền thống

Chỉ dẫn địa lý không chỉ bảo vệ thương hiệu của sản phẩm mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ các giá trị văn hóa và truyền thống

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc bảo vệ và phát triển các sản phẩm truyền thống ngày càng trở nên cấp thiết.

Một trong những biện pháp hiệu quả để bảo vệ những giá trị này là thông qua bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL). CDĐL không chỉ bảo vệ quyền lợi của người sản xuất mà còn duy trì, phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống đặc trưng của từng địa phương. 

Chỉ dẫn địa lý là gì?

Hiện nay, CDĐL không còn là một khái niệm xa lạ trong việc bảo hộ Quyền Sở hữu trí tuệ. CDĐL không chỉ bảo vệ thương hiệu của sản phẩm mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ các giá trị văn hóa và truyền thống của các địa phương.  

CDDL là một trong những công cụ hiệu quả để bảo vệ các sản phẩm truyền thống 
CDDL là một trong những công cụ hiệu quả để bảo vệ các sản phẩm truyền thống 

Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) là một loại nhãn hiệu được sử dụng trên các sản phẩm để chỉ rõ rằng sản phẩm đó có nguồn gốc từ một khu vực địa lý cụ thể và sở hữu những đặc điểm, chất lượng hoặc danh tiếng nhất định gắn liền với địa phương đó. Chỉ dẫn địa lý bảo vệ tên gọi của sản phẩm khỏi sự lạm dụng và giả mạo, đồng thời đảm bảo rằng chỉ những sản phẩm từ khu vực đó mới được quyền sử dụng tên gọi này.

Các sản phẩm này thường có chất lượng, uy tín hoặc đặc điểm riêng biệt chủ yếu do yếu tố địa lý đặc thù của nơi sản xuất như điều kiện tự nhiên và con người. Ví dụ điển hình là nước mắm Phú Quốc, chè Thái Nguyên, hay rượu vang Bordeaux của Pháp, phô mai Parmigiano Reggiano từ Ý hay cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam... 

Bảo hộ CDĐL được bắt đầu ở Pháp vào đầu thế kỷ 20 với những vấn đề liên quan tới hai thuật ngữ “chỉ dẫn nguồn gốc” (Indication of source) và “tên gọi xuất xứ hàng hoá” (Appllations of orgin). Chỉ dẫn nguồn gốc được đề cập đầu tiên trong Công ước Paris (1883) về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tuy nhiên vẫn chưa rõ khái niệm và dấu hiệu của chỉ dẫn nguồn gốc. Năm 1981, Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa quốc tế đã quy định về chỉ dẫn nguồn gốc khá rõ: “Bất kì sản phẩm nào mang chỉ dẫn sai lệch và lừa dối mà qua đó, một trong số các quốc gia thành viên của Thoả ước Madrid hoặc một địa điểm tại nước đó được chỉ dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp là nước hoặc địa điểm xuất xứ hàng nhập khẩu vào bất kì quốc gia thành viên nào của thảo ước đều bị tịch thu”.

Đến năm 1994, thuật ngữ “chỉ dẫn địa lý” (geographical indications) mới chính thức xuất hiện trên cơ sở “chỉ dẫn nguồn gốc” và “tên gọi xuất xứ hàng hóa”, được quy định tại khoản 1 điều 22 hiệp định TRIP: “Chỉ dẫn địa lý là những chỉ dẫn về hàng hoá bắt nguồn từ lãnh thổ của một thành viên hoặc từ khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý”

Ảnh minh hoạ: Vietnamhoinhap
Ảnh minh hoạ: Vietnamhoinhap

Vai trò của bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Bảo vệ danh tiếng và chất lượng sản phẩm, tạo giá trị kinh tế

Bảo h CDĐL cho các đặc sản địa phương đang là hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị hàng hóa trong nước, xúc tiến xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài, CDĐL giúp bảo vệ danh tiếng của sản phẩm bằng cách đảm bảo rằng chỉ những sản phẩm thực sự được sản xuất tại vùng địa lý cụ thể và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nhất định mới được phép sử dụng tên gọi đó. Điều này giúp ngăn chặn việc lạm dụng tên gọi và đảm bảo người tiêu dùng nhận được sản phẩm đúng như mong đợi.

CDĐL giúp gia tăng giá trị xuất khẩu đáng kể, giúp cải thiện thu nhập cho người nông dân. Khi một sản phẩm được bảo hộ CDĐL, người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn. Điều này cho thấy rằng chỉ dẫn địa lý có thể tạo ra sự khác biệt lớn về mặt giá trị kinh tế, giúp sản phẩm nổi bật trên thị trường toàn cầu.

Sản phẩm mang CDĐL thường có giá trị cao hơn trên thị trường do chất lượng và uy tín được đảm bảo. Điều này giúp tăng thu nhập cho người sản xuất địa phương, tạo thêm việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế tại khu vực đó.

Bảo vệ văn hóa và truyền thống địa phương

Một trong những vai trò quan trọng nhất của bảo hộ CDĐL là bảo vệ di sản văn hóa và truyền thống của các địa phương. Các sản phẩm truyền thống không chỉ là hàng hóa thương mại mà còn là một phần của di sản văn hóa phi vật thể. Chẳng hạn, quy trình sản xuất rượu vang Bordeaux không chỉ là kỹ thuật sản xuất mà còn chứa đựng những câu chuyện lịch sử, nghệ thuật và văn hóa của vùng đất này.

Bảo hộ CDĐL giúp duy trì và truyền tải những giá trị văn hóa này từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó khuyến khích các cộng đồng địa phương duy trì các phương thức sản xuất truyền thống và gìn giữ những kiến thức, kỹ năng mà tổ tiên đã truyền lại. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mà các giá trị truyền thống dễ bị mai một trước sự lan tràn của các sản phẩm công nghiệp.

CDĐL góp phần bảo tồn và phát huy các phương pháp sản xuất truyền thống, kiến thức bản địa và nét văn hóa đặc sắc của từng vùng miền. Việc duy trì các phương pháp sản xuất truyền thống không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn góp phần gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý Vải thiều Lục Ngạn (Ảnh: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang)
Chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý Vải thiều Lục Ngạn (Ảnh: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang)

Khuyến khích phát triển bền vững, chống hàng giả, hàng nhái

Việc bảo hộ CDĐL đặc biệt quan trọng trong việc giúp bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sản phẩm kém chất lượng và đảm bảo rằng họ nhận được những sản phẩm thật sự từ nguồn gốc địa phương. Ví dụ, chỉ dẫn địa lý cho phô mai Roquefort đã giúp ngăn chặn các sản phẩm nhái từ các nước khác, bảo vệ uy tín và chất lượng của phô mai chính gốc. Điều này không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất. Họ được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh từ các sản phẩm giả mạo và được hưởng lợi từ việc tăng giá trị sản phẩm chính gốc.

Bảo hộ CDĐL cũng thúc đẩy sản xuất bền vững bằng cách yêu cầu các nhà sản xuất tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về chất lượng và phương pháp sản xuất. Điều này không chỉ đảm bảo sự bền vững về môi trường mà còn giúp duy trì sự cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học tại khu vực sản xuất.

Bảo hộ CDĐL còn góp phần tác động vào sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Khi các sản phẩm truyền thống được bảo vệ, người sản xuất có xu hướng duy trì các phương thức sản xuất truyền thống, thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn duy trì sự cân bằng sinh thái. 

Kết luận

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc bảo hộ CDĐL càng trở nên cần thiết để bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống của các địa phương, của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, các quốc gia cần chú trọng hơn nữa trong việc xây dựng và thực thi các chính sách bảo hộ CDĐL, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống quý báu.

Mặc dù CDĐL mang lại nhiều lợi ích, việc triển khai và bảo vệ CDĐL vẫn gặp nhiều thách thức, bao gồm việc nâng cao nhận thức của người sản xuất, kiểm soát chất lượng và chống hàng giả. Các giải pháp có thể bao gồm tăng cường giáo dục và đào tạo cho người sản xuất, cải thiện hệ thống kiểm tra và giám sát chất lượng, cũng như hợp tác quốc tế trong việc bảo hộ CDĐL.

---

"Bài viết nằm trong dự án “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030" do Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ trì"

PV

Thời đại start-up và những lưu ý cơ bản về quyền sở hữu trí tuệ

Thời đại start-up và những lưu ý cơ bản về quyền sở hữu trí tuệ

Mỗi nhà sáng lập không nên vì lợi ích trước mắt mà quên đi việc bảo vệ về mặt pháp lý với tài sản trí tuệ của mình.