Khởi nghiệp với món ăn vặt: Cô gái Đà Lạt mang “Vị” Việt ra thị trường thế giới

Từ món ăn vặt bình dân, Hoàng Bảo Trâm đưa bánh tráng mắm ruốc Đà Lạt mang thương hiệu "Vị" vươn ra thế giới, chinh phục khẩu vị thực khách quốc tế.

Gói “Vị” quê hương, mang món ăn vặt Việt ra thế giới

Hoàng Bảo Trâm – nhà sáng lập Công ty TNHH 2G – không xem mình khởi nghiệp với bánh tráng, mà là khởi nghiệp với cả một miền ký ức. Với chị, những món ăn vặt, đặc sản quê hương không chỉ đơn thuần là món ăn mà còn là di sản, là cảm xúc, là “máu thịt” của tuổi thơ. Và hành trình biến bánh tráng mắm ruốc thành sản phẩm xuất khẩu là một chặng đường đầy giằng co, thử thách, nhưng cũng tràn đầy tự hào.

“Em không gọi mình khởi nghiệp với bánh tráng, mà là khởi nghiệp với đặc sản vùng miền,” Hoàng Bảo Trâm mở đầu câu chuyện một cách chân tình. Trâm không sinh ra để trở thành một doanh nhân chuyên nghiệp. Cô chỉ là một người mê ăn vặt từ thời sinh viên, và luôn cảm thấy đồ ăn Việt Nam có một cái gì đó rất riêng, rất “nằm lòng”, không thể thay thế.

Hoàng Bảo Trâm (35 tuổi) - nhà sáng lập Công ty TNHH 2G bên sản phẩm của công ty. 
Hoàng Bảo Trâm (35 tuổi) - nhà sáng lập Công ty TNHH 2G bên sản phẩm của công ty. 

Sau một thời gian làm thương mại trong các hệ thống bán lẻ lớn, cô có cơ hội tiếp cận và tìm kiếm nhiều đặc sản vùng miền để đưa lên kệ siêu thị. Nhưng rồi trong một lần trở về quê nhà ở Đơn Dương, Lâm Đồng, Trâm nhận ra một điều: "Tại sao mình lại đi tìm đặc sản ở khắp nơi, trong khi chính quê mình cũng có một sản phẩm rất ngon, rất đặc biệt, mà chưa ai thực sự đầu tư?"

Sản phẩm đó là bánh tráng mắm ruốc – món ăn tưởng chừng đơn giản, bình dị, nhưng lại gắn bó sâu sắc với tuổi thơ và ký ức quê hương của cô. Mùi mắm ruốc thơm nồng, chiếc bánh được nướng giòn tan trên bếp than, cuộn cùng chút hành phi, tép khô... không chỉ là món ăn, mà là cả một "dòng cảm xúc".

“Lúc đó em chợt nghĩ, tại sao món ăn này – món gắn với tuổi thơ của bao thế hệ – lại chỉ dừng lại ở quán vỉa hè, ở gánh hàng rong, mà không thể đi xa hơn?” Và thế là ý tưởng khởi nghiệp hình thành, không phải vì muốn làm giàu, mà vì muốn giữ gìn hương vị của ký ức, và chia sẻ nó ra thế giới.

Từ năm 2020, Công ty TNHH 2G ra đời với sản phẩm chủ lực là bánh tráng mắm ruốc. Không lâu sau, sản phẩm này đã có mặt tại các chuỗi siêu thị trong nước, và thậm chí được xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc, Úc... Dù được biết đến nhiều với bánh tráng, nhưng thật ra trong hệ sinh thái sản phẩm của Trâm hiện có gần 20 đặc sản vùng miền khác nhau, từ bánh tét Cần Thơ, bánh ít lá gai Bình Định, đến các loại bánh tráng rong biển, bánh tráng bò khô... – tất cả đều mang đậm nét truyền thống.

Bánh tráng mắm ruốc “xuất ngoại” một “Vị” rất Việt giữa thế giới đa sắc.
Bánh tráng mắm ruốc “xuất ngoại” một “Vị” rất Việt giữa thế giới đa sắc.

Khó khăn lớn nhất của Trâm không phải là vốn, không phải là đầu ra, mà là tư duy sản xuất truyền thống. “Nhiều người dân làm đặc sản lâu năm, nhưng họ sản xuất theo kiểu gia truyền, cảm tính. Hôm nay mắm mặn, mai mắm nhạt. Gia vị là nêm tay, không có định lượng cụ thể. Trong khi muốn vào siêu thị hay xuất khẩu, thì mọi thứ phải được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt.”

Cô kể, những ngày đầu đi thuyết phục các hộ làm đặc sản ở quê hợp tác sản xuất theo quy trình chuẩn là cả một hành trình “vừa nói, vừa làm, vừa năn nỉ”. Nhiều người bảo: “Tao làm mấy chục năm rồi, ai cũng khen ngon, mắc gì phải đổi?” Có người đồng ý hợp tác, nhưng sau vài lần “phải cân từng chút gia vị, đeo bao tay, ghi chép sổ sách”, thì bỏ cuộc vì... quá phiền hà.

“Em không có cách nào khác ngoài việc làm cùng họ,” Trâm nói. Cô vào bếp, cùng cân, cùng nếm, cùng nướng bánh. Dần dần, từng chút một, cô giúp các hộ làm quen với khái niệm "định lượng", "vệ sinh an toàn thực phẩm", "truy xuất nguồn gốc". Không phải bằng lý thuyết, mà bằng hiệu quả thực tế: sau khi cải tiến quy trình, cùng một mẻ bánh nhưng số lượng xuất đi gấp 3 lần, thu nhập tăng gấp đôi.

“Cái khó nhất không phải là kỹ thuật, mà là cảm hóa con người, làm sao để họ cùng tin vào giấc mơ của mình. Em nghĩ nếu không thực sự yêu đặc sản quê nhà thì chắc em bỏ cuộc từ lâu rồi.”

Từ chiếc bánh tráng mắm đến bản đồ hương vị Việt trên đất khách

Trâm không muốn 2G chỉ là nơi sản xuất bánh tráng. Cô muốn nơi đây là nơi hồi sinh tinh thần quê hương trong từng món ăn. Vì vậy, công ty luôn có các dòng sản phẩm mang tên gọi gắn với từng vùng miền cụ thể, với nguyên liệu được thu mua tận gốc từ người dân, và mỗi sản phẩm đều có một câu chuyện riêng.

“Muốn làm đặc sản mà ra quốc tế thì không thể giữ nguyên kiểu làm xưa cũ, nhưng cũng không được đánh mất hồn quê,” Trâm đúc kết. Và đó là lý do cô đặt mục tiêu cho 2G là: "Cải tiến nhưng không cải lùi."

Điểm đặc biệt trong chiến lược của Trâm là xuất khẩu bánh tráng nhưng không làm mất đi sự bình dị vốn có. Sản phẩm của cô không phải là món mới, mà là những món đã quá quen thuộc – nhưng được làm lại một cách bài bản hơn, chỉnh chu hơn, chuẩn hơn.

“Tụi em đang bán cho người Việt ở nước ngoài là chính. Họ là những người xa quê, ăn một miếng bánh tráng là nhớ lại tuổi thơ. Nhưng để đưa được sản phẩm qua cửa khẩu, qua kiểm định, thì tụi em phải làm mọi thứ từ bao bì, nhãn mác, hồ sơ công bố sản phẩm đến cả tiêu chuẩn về vệ sinh, quy trình – và không được sai sót gì.”

Khách hàng ở Nhật hay Hàn rất khắt khe. Nên Trâm phải điều chỉnh – từ kho bảo quản, dây chuyền đóng gói, đến cả cách vận chuyển.

Từ món ăn vặt quê nhà bánh tráng nướng trở thành sản phẩm xuất khẩu toàn cầu.
Từ món ăn vặt quê nhà bánh tráng nướng trở thành sản phẩm xuất khẩu toàn cầu.

Hiện nay, ngoài thị trường nội địa, 2G đã đưa được sản phẩm vào thị trường, trong đó Nhật Bản và Úc là hai thị trường lớn nhất. Mỗi năm, hàng trăm nghìn gói bánh tráng, bánh tét, bánh ít... mang nhãn 2G xuất hiện trong các hội chợ ẩm thực, siêu thị châu Á ở nước ngoài.

“Cái xúc động nhất là khi người Việt bên Nhật gửi tin nhắn về: ‘Mua bánh tráng mắm ruốc của em mà nhớ nhà quá trời’. Lúc đó, em biết là mình đang đi đúng đường. Không cần phải là nhà hàng 5 sao, chỉ cần một miếng bánh tráng thôi, nếu nó mang được cảm xúc – là đủ.”

Câu chuyện của Hoàng Bảo Trâm không đơn thuần là hành trình đưa món ăn vặt lên kệ siêu thị quốc tế. Đó là một quá trình gìn giữ, cải tiến và truyền cảm hứng.

Để có được ngày hôm nay, Trâm phải liên tục thay đổi: từ tư duy làm ăn, đến cách chọn bao bì, truyền thông, định vị thương hiệu. “Người ta mua món ăn không chỉ vì nó ngon, mà vì nó mang một cái gì đó khiến họ kết nối – đó có thể là ký ức, là bản sắc, là câu chuyện,” cô chia sẻ.

Chính vì vậy, mỗi sản phẩm 2G đều đi kèm một mẩu chuyện nhỏ, được in ngay trên bao bì hoặc đưa lên website. Ví dụ, bánh tráng mắm ruốc “Tuổi Thơ”, bánh ít “Mẹ Làm”, bánh tét “Đón Tết”... Không chỉ là sản phẩm, đó là những lát cắt văn hóa.

Hiện nay, Trâm đang triển khai thêm một dự án gọi là “Mỗi làng một món”, với mong muốn đưa thêm nhiều đặc sản bản địa vào hệ thống của mình.  

“Kinh doanh đặc sản không thể nóng vội. Phải đi chậm, chắc và có tâm. Cái mình đang làm là nối lại sợi dây ký ức của người Việt – không chỉ ở quê nhà, mà cả những người tha hương,” cô nói.

Hoàng Bảo Trâm không phải là một doanh nhân với bảng thành tích chói lòa, nhưng chị là một trong số ít người đã mang được một món ăn đường phố giản dị – bánh tráng mắm ruốc – ra thế giới, bằng chính niềm tin vào hương vị quê hương. Và hành trình của chị cũng là lời nhắc rằng: đôi khi, khởi nghiệp không bắt đầu từ giấc mơ tỷ đô, mà từ một mùi hương trong ký ức.

CẨM MY

Hội thảo “Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo”: Sẵn sàng cho Thách thức và Cơ hội Mới

Hội thảo “Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo”: Sẵn sàng cho Thách thức và Cơ hội Mới

Hội thảo "Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo" tập trung vào việc thúc đẩy kết nối và xây dựng không gian hỗ trợ cho các startup đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.