Thông tin trên cũng được Cục Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Campuchia xác nhận vào tối 22/2. Bé gái sinh sống tại làng Roleang, xã Romlech, huyện Sitho Kandal thuộc tỉnh Prey Veng.
Theo Quốc vụ khanh Youk Sambath, bé gái bắt đầu khởi phát triệu chứng sốt 39 độ C, ho và đau họng từ hôm 16/2. Tình hình sức khỏe không cải thiện sau khi được điều trị tại địa phương, bé gái đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi quốc gia tại thủ đô Phnom Penh.
Ngày 21/2, đội ngũ y tế đã gửi mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân tới Viện Y tế công cộng quốc gia và nhận được kết quả dương tính với virus cúm gia cầm H5N1 trong ngày 22/2. Sau đó, bệnh nhân đã tử vong.
Cục Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm kêu gọi tất cả người dân không tiếp xúc với gia cầm bị bệnh, chết, dù là gia cầm nuôi hay hoang dã. Nếu người dân nghi ngờ có triệu chứng mắc bệnh cần lập tức đi khám.
Đây là trường hợp cúm gia cầm thứ 57 được ghi nhận kể từ khi virus tấn công Campuchia hai thập kỷ trước.
Kể từ cuối năm 2021, châu Âu đã phải đối mặt với đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất chưa từng có, với Bắc và Nam Mỹ cũng trải qua những đợt bùng phát nghiêm trọng.
Điều này đã dẫn đến việc tiêu hủy hàng chục triệu gia cầm nuôi trên toàn thế giới, nhiều con bị nhiễm chủng H5N1.
Sự bùng phát toàn cầu cũng là nguyên nhân gây ra cái chết của hàng chục nghìn con chim hoang dã.
Việc phát hiện bệnh gần đây ở một số loài động vật có vú, bao gồm cáo, rái cá, chồn, sư tử biển và thậm chí cả gấu xám Bắc Mỹ, đã làm dấy lên lo ngại rằng con người có thể gặp nhiều rủi ro hơn.
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Sự lây lan gần đây sang động vật có vú cần phải được theo dõi chặt chẽ", đồng thời nhấn mạnh rằng "hiện tại, WHO đánh giá rủi ro đối với con người là thấp".
Theo WHO, trên toàn cầu đã có hơn 450 trường hợp tử vong do cúm gia cầm kể từ năm 2003.
(Nguồn: TTXVN/AFP)