Bệnh tay chân miệng tăng cao, bệnh viện ở miền Tây cạn thuốc điều trị

Số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng đột biến nhưng một số bệnh viện ở miền Tây thiếu thuốc điều trị, khiến nhiều bệnh nhân phải chuyển tuyến.

Trong hai tuần đầu tháng 6, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ (nơi tiếp nhận bệnh nhi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) điều trị gần 400 ca mắc tay chân miệng (TCM). Trong tháng 5, số ca là 490, tăng 140% so với tháng 4. Tính từ đầu năm đến nay, số ca điều trị là hơn 2.400 đến từ địa phương và các tỉnh lân cận. 

Bác sĩ Ông Huy Thanh, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết, số ca TCM nặng tăng nhiều: 1 trường hợp độ 4 tử vong, 11 trường hợp mắc bệnh mức độ 3, 4 rất nặng đang được điều trị tại khoa Hồi sức Tích cực, 5 trường hợp nặng đã được chuyển tuyến trên tại TP.HCM, 5 trẻ khác thì được theo dõi giám sát tại khoa Nhiễm. 

Lý giải nguyên nhân số ca tăng đột biến, ông Thanh nói đây là thời điểm bệnh vào mùa, đồng thời nhiều em nhiễm virus tay chân miệng nhóm E71, khiến bệnh trở nặng nhanh. 

"Hiện tại, vẫn còn 10 ca độ 3, độ 4 rất nặng đang được điều trị tích cực tại BV. Tuy nhiên, khó khăn là thuốc Immunoglobulin điều trị TCM đang cạn dần. Đây là thuốc mua qua đấu thầu, nhưng do số lượng bệnh nhi nặng tăng đột biến, nên các nhà cung cấp xoay xở chưa kịp. Nếu trong 1 - 2 tuần nữa, lượng bệnh nhân tiếp tục gia tăng mà không có nguồn thuốc mới bổ sung sẽ rất khó khăn", BS Huy Thanh nói.

Bệnh tay chân miệng tăng cao, bệnh viện miền Tây cạn thuốc điều trị - Ảnh 1.

Bác sĩ khám một trường hợp nghi mắc tay chân miệng được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

Tương tự, tại Cà Mau, dịch tay chân miệng cũng tăng mạnh. Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, số ca mắc TCM đang xuất hiện trên khắp các địa bàn trong tỉnh. Trong 5 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã ghi nhận hơn 332 ca mắc TCM, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ ghi nhận 7 ca.

Bác sĩ Phạm Minh Pha, Phó giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau cho biết, hiện nhân lực và cơ sở vật chất đủ điều kiện đáp ứng điều trị bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, trang thiết bị, vật tư y tế hiện chỉ tạm đủ, chưa có hệ thống ECMO (tim phổi nhân tạo) cũng như một số vật tư lọc máu. 

Đặc biệt, thuốc điều trị đặc hiệu như Phenobarbital, Immunoglobulin truyền tĩnh mạch (cho mức độ 2b trở lên) cũng "cạn" do đang làm thủ tục đấu thầu. Đầu tháng 6, Sở Y tế Cà Mau đề nghị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng. Bộ Y tế sau đó trả lời tháng 7 sẽ có thuốc.

Tại các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Trà Vinh… số ca bệnh tay chân miệng ở trẻ em cũng đang gia tăng đáng báo động. Tỉnh An Giang ghi nhận 386 ca mắc, tăng 14% so với cùng kỳ, dự báo trong thời gian tới số ca mắc có khả năng tiếp tục tăng, đặc biệt vào thời gian học sinh trở lại trường cho năm học mới.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay ghi nhận 743 ca tay chân miệng, trong đó trên 60% là trẻ em dưới 3 tuổi. Phân loại các ca bệnh nặng, có 244 mức độ 2, ca nặng 2b có 4 ca và 5 ca độ 3, 4.

Bác sĩ Trương Cẩm Trinh - trưởng khoa khám, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết biểu hiện dễ nhận biết của bệnh là các tổn thương hồng ban, bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong ổ miệng, và đôi khi xuất hiện ở vùng mông, đầu gối.

Trong đó biểu hiện rất thường gặp nhất ở trẻ nhỏ khi mắc tay chân miệng là tình trạng loét miệng, vết loét khiến trẻ có cảm giác đau rát khi ăn, uống… nên trẻ nhỏ mắc bệnh thường không chịu ăn, không chịu bú, thường chảy nước miếng liên tục.

Bác sĩ Trinh khuyến cáo phụ huynh chú ý phòng bệnh lây lan bằng các biện pháp cách ly tại nhà giữa người lành và người bệnh. Quần áo, tã lót, vật dụng… của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như dung dịch Cloramin B 2%, hoặc luộc nước sôi. Sử dụng vật dụng, đồ dùng ăn uống riêng biệt cho trẻ.

(Nguồn: Tổng hợp)

THANH TRÚC