Bệnh tay chân miệng vào mùa, nhiều ca biến chứng nặng

Dịch tay chân miệng hiện nay đang diễn biến khá phức tạp, tập trung chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Biến chứng tay chân miệng ở trẻ bao gồm thở yếu, khóc khan, da nổi bông, lạnh tứ chi, mạch nhanh, huyết áp cao.

Liên tiếp thời gian gần đây, các bệnh viện nhi trên địa bàn TPHCM tiếp nhận nhiều ca đến khám và điều trị bệnh tay chân miệng (TCM). Các chuyên gia y tế khuyến cáo, hiện bệnh đang vào cao điểm của đợt thứ 1 trong năm và đã có nhiều ca biến chứng nặng.

Biến chứng tay chân miệng thường xuất hiện sau mấy ngày?

Bệnh tay chân miệng thường xuất hiện rải rác quanh năm tại hầu hết các địa phương. Vào khoảng thời gian giao mùa, thời tiết chuyển từ lạnh sang nóng là thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh. Dịch tay chân miệng hiện nay có xu hướng tăng cao trong hai khoảng thời gian chủ yếu từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12 hàng năm.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng khi có biểu hiện sốt cao và nôn nhiều dễ dẫn đến biến chứng. Biến chứng tay chân miệng bao gồm biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp, thường xuất hiện sớm khoảng từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh (trong giai đoạn toàn phát). Những biến chứng nguy hiểm của tay chân miệng là viêm não - viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Trong trường hợp không gặp biến chứng, hầu như các trẻ có thể hồi phục hoàn toàn từ 3 - 5 ngày sau giai đoạn toàn phát.

Bệnh tay chân miệng vào mùa, nhiều ca biến chứng nặng - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 thăm khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng

Cảnh báo biến chứng nặng ở trẻ mắc tay chân miệng

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Nguyễn Đình Quy, Phó Khoa Nhiễm, cho biết, hiện khoa có tới 24 trường hợp phải điều trị nội trú. Ngoài ra, mỗi ngày bệnh viện còn tiếp nhận, khám và điều trị ngoại trú cho hàng chục trường hợp mắc tay chân miệng.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm, cho biết, hiện khoa đang điều trị cho 14 trẻ mắc tay chân miệng, trong đó có 2 ca nặng. Số ca nhập viện không nhiều nhưng tỷ lệ có diễn tiến nặng chiếm tới 30%.

Đây là điều đáng lo ngại bởi trẻ có thể phải đối mặt nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim.

Dấu hiệu rõ ràng của bệnh tay chân miệng có thể nhận biết được là nổi ban và hai dấu hiệu điển hình của trẻ biểu hiện bệnh tay chân miệng nặng là trẻ đang tỉnh nhưng sốt không đáp ứng hạ sốt; trẻ ngủ nhưng giật mình chới với, hốt hoảng.

Không có phương pháp điều trị cụ thể khi bị bệnh tay chân miệng, công tác xử trí chủ yếu là giải quyết triệu chứng. Với những triệu chứng sốt và đau, có thể sử dụng thuốc hạ sốt và giảm đau có chứa acetaminophen hoặc ibuprofen. Điều quan trọng là tăng cường bù nước để tránh tình trạng mất nước.

Trẻ bị tay chân miệng rất dễ phát tán virus cho những người xung quanh, do đó nên cho trẻ nghỉ học trong khoảng 10 ngày, hạn chế tiếp xúc với các trẻ khỏe mạnh khi ở chung nhà vì bệnh rất dễ lây lan giữa các trẻ. Hiện nay để phòng ngừa dịch tay chân miệng do tác nhân enterovirus 71 gây ra (tác nhân chủ yếu dẫn đến biến chứng tay chân miệng), cần bảo đảm vệ sinh khi cho trẻ ăn uống, vui chơi và sinh hoạt.

(Nguồn: Tổng hơp)

THANH TRÚC