Bếp thần bếp thánh

Mình quý cái bếp dầu ngày xưa như một phụ kiện không thể thiếu trong đời, của một thời chúng mình không đẹp thì cũng trẻ.

Vừa post cái ảnh lên Facebook, ào ào xông vào toàn là phụ nữ, toàn tuổi bà, tuổi mẹ già già và ai cũng comment như chung ý chung lòng: Ôi cái bếp dầu thần thánh!

Thần thánh thật. Đến nỗi vừa nhìn thấy cái ảnh là cảm giác như bị ma ám, nhắm mắt cũng nhìn ra hình thù cái bếp, hỉnh mũi lên là thấy mùi, mùi dầu, chứ còn mùi gì, mùi dầu chưa đốt và mùi dầu cháy. Cảm giác nhớ nhung lan tới tận đầu ngón tay. Thật. Khi mường tượng lại từng động tác hành xử với cái bếp này.

Nói hành xử với cái bếp dầu tuyệt nhiên không phải ngoa ngôn, đúng không các bà, các mẹ? Mình tin chắc ngay cả lúc cáu nhất vì đủ thứ, chồng, con, cô giáo của con, học trò của chồng, ông phó phòng cú vọ, bà đồng nghiệp thảo mai… về nhà sẵn sàng tung hê tất, từ cái chổi mòn cho tới tất rách, sẵn sàng đập tất, từ cái bát cho tới cái gối bốc mùi, từ cái xoong nhôm cho tới lưng chồng kể cả là sau đấy phải xơi cái món đặc sản gia đình gọi là chồng tẩn, nhưng không bao giờ có ai dám, không bao giờ, không ai, lại dám quăng đập cái bếp dầu. Không thể!

Vì thiếu nó thì lấy gì mà nấu nướng cơm nước hàng ngày. Thiếu thực thì vực được đạo khối ra đấy, các cụ bảo thế!

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Phải nói là chuyển được từ bếp củi, bếp lò mùn cưa sang bếp dầu là cả một cuộc đổi đời với vô khối cư dân Hà Nội một thời. Giá kể nhà có vườn trong phố, có bếp to tha hồ than củi thì cũng thôi, chứ nhà tập thể nhõn một phòng hai phòng, hành lang mỗi nhà dựng một hai cái xe đạp kềnh rềnh chiếm hết chỗ, và như mình từng kể, bếp tập thể để nhóm lò đốt củi thì sau chiến tranh bị tận dụng biến thành nhà ở cho những người trong cơ quan mất nhà bị bom, không có cái bếp dầu mà ở tập thể thì hơn người nguyên thủy chia nhau hang hốc được mấy nỗi.

Có được cái bếp dầu ra bếp, tức là bếp của nhà máy kim khí Thăng Long cũng chả dễ gì. Đâu có bày bán ở cửa hàng mậu dịch. Phải chờ công đoàn cơ quan đi liên hệ, mua được về rồi còn phải họp bàn, kể lể khó khăn vạch vòi nỗi sướng của mình, của nhau ra mà phân phối trên tinh thần mọi người vì một người, không thì gắp thăm y như mua xe đạp Thống Nhất vậy. Cái bếp vang danh Thăng Long ngàn năm ấy cũng được thay đổi mẫu mã theo năm tháng. Từ thứ bé tí đặt được cái xoong quấy bột hay cái xoong bé như cái niêu đất đủ nấu cơm canh của mấy ông độc thân, tới cái bếp dầu thần thánh của tuổi mình là những thi đua cải tiến gì gì chẳng biết.

Chỉ nhớ lúc mình lên mười, hiệp định Paris được kí kết và được rời nơi sơ tán về lại phố, chị em chúng mình được vĩnh biệt bếp lò mùn cưa, củi và giấy nến, ngày hai bữa được nấu cơm bằng bếp dầu. Nhà mình có hẳn hai cái bếp dầu, to nhinh nhỉnh bằng nhau, đều do nhà máy kim khí Thăng Long sản xuất, nhưng một cái đời cũ, màu xanh cỏ sẫm, cái chỗ vặn bấc lật bà lật bật và kiềng đã rỉ nhoèn, một cái đời mới, có mười hai bấc, bầu liền, tráng men xanh chấm trắng. Có hẳn hai cái bếp để nấu nướng thế mừng lắm, sẽ có cơm chạm hơi và canh nóng.

Một cái bếp thì bi kịch khiếp lên được: đầu tiên là phải xong những món kho xào, rồi canh, rồi mới đặt được nồi cơm, và ngược lại. Bữa nào mẹ mua được ít sườn dặn để nấu khoai tây su hào cà rốt, hay đậu trắng hay gì gì thì đang chơi dở ván ô ăn quan hay chuyền chuyền một chuyền chuyền đôi cũng phải đứng dậy phủi mông về đặt bếp ninh trước để đến bữa còn có bếp mà nấu món khác. Cái khó bó cái khôn là thế nào! Bé tí, mà lớn lên nếu không học mấy trường Xây dựng, Kiến trúc, Bách khoa gì đó thì cũng chả đứa nào biết cái từ vận trù học, vậy mà vẫn thạo.

Mùa hè thì còn đỡ, chứ mùa đông cơm nóng thì canh lạnh, thức ăn đóng váng mỡ, phải người sức yếu khảnh ăn nhìn là đã ngại cầm đũa. Để giảm thiểu mức độ bi kịch tình huống này, các nhà có võ dùng bếp điện và trẻ con thạo dùng công nghệ đời này lắm: đặt siêu nước lên bếp điện, nồi cơm lên bếp dầu. Cơm cạn thì hoán chuyển, nồi cơm ngự trên bếp điện, siêu nước gần sôi thì dùng để nấu canh, luộc rau. Mình không quen đứa nào bị điện giật chết dù ngày nào cả lũ cũng làm cái thao tác kinh khủng đấy với cái bếp điện làm từ gạch chịu lửa và dây mai so, gạch thì vỡ, dây thì đứt, nối cứ như mối nối áo len tiết kiệm của trẻ con. Ơi giời, còn dám dùng đến cả dây mai so thả thẳng vào ấm nước rồi cắm điện đun thì ngán gì cái bếp điện dùng trong điều kiện điện yếu cắm mãi mà dây mới hồng đều như mặt gái tơ được giọt rượu mùi ba ngày Tết.

Nhà có thêm cái bếp dầu đời mới tráng men vì thế mà sướng lắm. Bếp điện vẫn đặt siêu nước, hai bếp dầu mỗi bếp một xoong, xoong hạ lửa liu riu vần cơm, xoong vặn to lửa xanh lét thì nấu canh, xào, rán. Chả phải ngồi ôm cái bếp lâu. Hộp sữa bò rỗng đựng sỏi dành cho ô ăn quan, quả cà cắt núm thâm rồi nhưng vẫn đằm tay chuyền chuyền mốt chuyền chuyền đôi đặt góc bàn học, quả bóng chuyền xẹp hơi nhét gậm giường kia đang đợi lũ trẻ con phồng miệng phì phò thổi… trời ơi bao nhiêu trò vẫy gọi tuổi thơ! Cái bếp dầu vì thế thành muôn năm là có thật.

Nhưng dù không tro bụi, không khói ám, cái trò nấu nướng bằng bếp dầu trong nhà thật sự là khó chịu đựng. Vì mùi. Mùi thức ăn ám trên quần áo bộ nghiêm thì đành nỗi, có mỗi bộ nghỉ treo trên mắc mà cũng mùi, nào có phải mùi đời sống phong lưu, cái mùi dầu cặn bị đốt, mùi bấc lụi lúc tắt bếp mà ám thì kinh lắm. Khó thì khôn ló: Nhà nhà theo nhau xin gỗ tạp, đóng một cái thùng có chân đặt ngoài ban công riêng chỗ trước là nơi ngự của mấy giò lan hay chậu mãn đình hồng nay cơi nới lại, hoặc đặt ở hành lang chung, thỉnh cái bếp dầu vào đó, nấu nướng xong thì tắt bếp, sập cái nắp thùng lại, và sau này còn phải cẩn thận ngoắc thêm một cái khóa Minh Khai.

Mình, con gái, thích vì có cái bếp dầu không phải vã mồ hôi chạy theo phục dịch bà chị giỏi giang ngồi bếp với lò mùn cưa, giấy hay củi, và nếu mình phải thay vào chỗ đó thì xinh thế cũng thành xấu vì nhọ nồi, nhưng mình lại bị hen, nên thật ra rất sợ bếp dầu. Sợ để quên không sập nắp thùng khóa lại khi cơm nước xong xuôi, nhỡ ai vui tay khuân nó đi mất đã đành, nhưng trước hết là sợ mùi dầu. Thế mà vẫn phải trân trọng nó, y như trân trọng những viên thuốc cắt cơn hen chẳng dễ gì kiếm được ở các hiệu thuốc lúc bấy giờ chỉ thuộc về nhà nước.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Nên, từ lúc có bếp dầu, chả cần phải tị nạnh gì nhau, hai chị em cứ được lúc nào rảnh rang là lại khuân bếp ra lau. Có rỉ thì cạo rỉ, bấc cụt thì đi chợ đảo qua hàng xén mà mua lấy bộ bấc mới. Tay con gái mà tự thay bấc luôn nhé, làm cái thòng lọng nhỏ bằng dây đồng thít lấy sợi bấc mới rồi luồn dần, rút ngược. Ngọn bấc lụi, lửa đỏ để lại khói muội trên thân xoong nồi thì khó gì: cắt, bằng cái kéo gò từ tôn, mài kĩ sắc phết, chỉ có điều kéo mà chẳng khác gì hai cái đũa đặt chéo, không biết dùng thì đừng hòng lưỡi chạm vào nhau cắt đứt được cái gì.

Thích nhất là lau cái bếp đời mới tráng men, chưa được cải tiến để có thể nhấc bầu dầu ra khỏi cái khung bao ngoài, nhưng vì thế lại có vẻ chắc chắn hơn đời nối tiếp. Quấn giẻ vào đầu ngón tay trỏ, miết thật kĩ từng khe nối cho sạch những dầu những mỡ bám vào sau mỗi bận nấu nướng, chà kĩ mặt bếp, cái chân kiềng, nhưng không được để bong men, bong là rỉ dần rỉ mòn ngay. Dầu cạn thì đổ tiếp cho đầy bầu, vặn nút cho thật chặt. Mất cái nút này là chết dở, chưa nhờ đâu tiện được cho cái nút thay thế thì chỉ có nước xếp xó rồi kiếm tạm cái bếp vớ vẩn nào mà dùng, chứ nhỡ ra châm bếp, quẹt diêm, tiếp lửa cho dầu thì đi đời nhan sắc. Xong xuôi đâu đó thì quét dọn, gom giẻ lau, xếp dao xếp kéo chờ lát rửa tay mang đi làm sạch một thể.

Ngắm cái bếp được trả lại nhan sắc đằm thắm nhẹ nhõm ban đầu, ngỡ như về một làng ven đô ngẫu nhiên gặp cô đồng nát vẫn quen mặt mà giờ thành lạ mặt, vì không quang gánh, không áo hớt vạt và nón rách, hết hẳn vẻ lam lũ bơ phờ thường nhật, và bỗng dưng ta… Thế mà rõ chán: tuổi sinh viên sôi nổi, bọn con trai mà tới nhà đúng vào lúc đeo mục kỉnh ngồi đầu hành lang thông thống gió săm soi cái bếp dầu là y như rằng chân tay cứ như đi mượn, còn cái bọn ấy, giờ thành ông nội ông ngoại cả rồi đấy thì rõ ngốc, chẳng có vẻ gì cảm động khi thấy mình đột xuất đảm đang.

Mình mà là con giai đi tầm người ta hoa đất ngày đó, đến nhà ai sẽ chỉ nhìn bộ ấm chén và cái bếp dầu. Thật. Chỉ thế là đủ đoán nết ăn ở của người. Cốc chén mà úp trên cái khay ướt, bếp mà không sáng không bóng, vì cơm sôi trào nước, vì sợi rau gầy gặp nhiệt quắt dính lại, vì mỡ màng mắm muối thì chủ nhân tính nết sẽ có phần thảo lảo, nhưng mà mình thích nấu bằng một cái bếp sờ tay không dính, bấc se đều, không lụn, không tỏa khói mù mịt, lửa lên xanh. Cầm cái bùi nhùi là sợi dây thép vặn chạc đôi đầu quấn giẻ, mở nút bầu dầu, chấm nhẹ rồi bật lửa châm bếp, đứng nấu thấy thảnh thơi. Giả dụ cái bùi nhùi sơ ý quăng đâu đó, thì gỡ hai lớp thông khí ra, quẹt que diêm xoay cổ tay châm vèo cái mười hai ngọn bấc, rồi lạch xạch lắp lại, bấc nào tắt lại nghiêng mặt thổi phù cái cho lửa lan đều.

Ấy vậy, hóa có bếp dầu vẫn cứ phải “thổi nấu” như ngàn năm củi lửa. Rán mỡ, luộc rau, nấu cơm, đồ xôi, kho thịt kho cá, đến cả nướng quả dọc cho nồi riêu cua mùa hạ cũng nhờ vào bếp ấy. Ngày Tết, mấy nhà gói bánh luộc bánh chung, thế là một cái nồi quân dụng thượng lên ba cái bếp dầu chụm lại, đến lúc dầu sắp cạn lại thỉnh cái nồi sang ba bếp mới đã đổ đầy dầu. Đến tận giờ mình vẫn cảm ra được tận đầu ngón tay cái động tác vặn bấc lên xuống thành quen đến độ chả cần nhìn lửa, khi xào nấu, khi cơm sôi cơm cạn. Nhớ cả cái tay cầm của can dầu, lúc còn nhỏ phải gồng vai run run rẩy rẩy mới đổ được lưng lửng bầu dầu sao cho đủ chuyện cơm nước một bữa. Rồi lớn dần lên, can dầu nặng không làm khó được cánh tay con gái, ấy là lúc lòng bắt đầu biết lo lo khi xách can dầu nghe rõ tiếng sóng sánh bên trong và biết đã vơi nhiều. Để rồi đi học về đạp xe trên phố là mắt cứ hóng nhìn các cửa hàng chất đốt, thấy người đông vui là mừng vì dầu đã về, xách can đi xếp hàng mua được rồi.

Hay thật, cha mẹ đi làm cả ngày, được chỉ bảo chẳng mấy hồi, chả đứa nào dạy đứa nào mà con gái tuổi mới mười hai, mười ba ngày đó làm việc nhà thạo thế. Vừa tắt bếp mà mẹ đi làm về lại bảo tráng thêm quả trứng hay rán bìa đậu mậu dịch vừa mua, dùng bùi nhùi châm bếp dễ bỏng như chơi, chỉ cần quẹt que diêm thả nhẹ vào giữa hai ống thông khí kẹp bộ bấc, thế là bếp bùng trở lại. Lửa mà đỏ thì ngoài sự vặn bếp cho nhỏ lại, ai cũng biết hôm sau trước khi dùng lại phải lo mà cắt đầu bấc bị tàn. Bây giờ, nhìn những cô gái nhỏ ngày xưa chăm cháu chăm con, cứ ngạc nhiên sao ai cũng sợ con sợ cháu bị tai nạn gì gì đấy khi làm việc nhà, và thế là ôm hết việc, chẳng kịp nhớ ra tuổi gầy ngày ấy bằng tuổi liên miên bụ bẫm của chúng nó bây giờ mình việc gì cũng đến tay và cũng xong.

Cái bếp dầu theo mình nhiều năm, từ tuổi trẻ con, qua thì con gái. Gắn bó lắm nhưng chẳng hẳn là mình thủy chung với nó. Ai mà chả muốn lên đời. Mình ngày xưa chỉ ao ước nhà có thêm một cái bếp dầu và phải là đỉnh của chóp, tráng men xanh, hình vuông lẫm liệt hơn cái hình tròn. Có một cặp thư hùng như thế và quẳng được cái bếp cũng Thăng Long nhưng đời cũ, đã rỉ, ba cái chạc đặt bếp gãy phải thay bằng cái kiềng gang, thì cứ gọi là!

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Bây giờ điện đã có đều, người Thăng Long vươn tới tận Ba Vì đến bếp điện cũng chả thích dùng, phải là bếp từ, không thì bếp ga. Cái bếp dầu một hồi bị thanh trừng bằng bếp lò than bùn cứ y như dân Trung Hoa cúi đầu trước quân Nguyên Mông vậy. Tưởng cái bếp dầu thần thánh đã thành đồ để mua bán giữa những người biết quá khứ là có giá, mà không hẳn thế. Ở nhiều vùng sâu xa, bà con dân miền núi hẳn hoi, sẵn củi sẵn cành tha hồ đun nấu mà cũng chuộng cái bếp dầu của bao nhiêu gia đình một thời. Những đứa con đồng rừng tiến về Hà Nội bây giờ nhiều người còn khuân theo cái bếp dầu thần thánh ấy, chẳng phải là chơi đồ cổ, mà là để kho kho ninh ninh thì tằn tiện được vài ba số điện, hoặc là để có cái dùng thay cho các thứ bếp cứ mất điện là thành vô dụng giữa chung cư đời mới mỗi ngày một cao cao mãi. Ơ hơ.

Mình quý cái bếp dầu ngày xưa như một phụ kiện không thể thiếu trong đời, của một thời chúng mình không đẹp thì cũng trẻ, mà trẻ đã là đẹp còn hơn cả đẹp rồi. Nhưng bảo yêu cái bếp đó thì không nhé. Cái bếp dầu ấy mà, lúc tắt thì cái mùi nó tỏa ra thật là kinh. Bếp dầu thần thánh cái gì, quỷ quái thì có. Cả một tầng nhà tập thể tới gần chục gia đình đồng loạt nổi lửa tắt bếp lúc chiều muộn, thường là năm sáu giờ. Ngày xuân, ẩm tưởng chừng tất cả không khí quanh mình đọng thành giọt thấm vào người, mùi bếp dầu vừa tắt quẩn rất lâu. Ngày hạ, gió nồm lồng lộng thổi cái mùi đó bạt vào mọi cửa phòng, sặc sụa. Ai bệnh hen mà lại trong cơn ốm như mình thì lúc đó không khác gì bị tra tấn theo cách kinh khủng nhất: bóp cho ngạt, cho chờn vờn ở ranh giới của chết và sống, để thấy chết được có khi còn sướng hơn, giống như tình cảnh của bệnh nhân nhiễm Covid bị biến chứng vào phổi thời nay.

Cái gì cũng có thể quen, nhưng mình không bao giờ quen được mùi bếp dầu vừa tắt. Chỉ vì mùa hạ ấy. Những người đàn ông đi làm về thoáng cái mất mặt. Họ dồn nhau tụ về căn phòng của một gia đình ở tầng dưới, công khai nghe trộm đài BBC, nghe xong bần thần ai về nhà nấy lặng lẽ luẩn quẩn với những việc thường ngày. Có một buổi chiều họ ùa ra khỏi căn phòng kia, vội vã lao lên gác thì thào với vợ, giọng vừa bàng hoàng vừa phấn khích: tổng tấn công rồi. 

Mình không quên, có lẽ sẽ không bao giờ quên được: Gió nồm lồng lộng cuốn cái mùi của mười mấy chiếc bếp dầu các gia đình vừa lần lượt tắt hắt vào mặt một con bé mười hai tuổi. Nó ngồi trên giường, gồng vai thở hí hóp, ngực đau như bị rạn, như sắp vỡ tung từng phế nang. Nó nghe mấy tiếng “tổng tấn công” vẳng ngoài hành lang. Nó không biết sau đó là đại thắng. Sau đó nữa thì mẹ nó chết.

Berlin 20. 09. 2020

Lê Minh Hà

Chuyện của thiên thần

Chuyện của thiên thần

Tôi gọi tuổi thơ là tuổi của thần tiên và những đứa trẻ ở bất cứ thời nào đều là những thiên thần.