Chuyện của thiên thần

Tôi gọi tuổi thơ là tuổi của thần tiên và những đứa trẻ ở bất cứ thời nào đều là những thiên thần.

Đời người bóng câu qua cửa sổ, ngày tháng vèo trôi ngày nào ta còn thơ dại giờ đã lên ông lên bà. Nhanh thật thời gian. Trong quãng đời làm ông, tôi có thú vui bậc nhất là được chơi với cháu ngoại. Cứ cuối tuần là ngong ngóng chúng nó về thăm ông bà. Tuần nào bố mẹ chúng bận không đưa con về được là tuần ấy tôi buồn rã rượi. Buồn chứ, bởi chúng thật sự là những thiên thần.

Tuổi thơ thần tiên chả ai không được hưởng. Hạnh phúc đời người nằm ở chính chỗ ấy. Cháu ngoại tôi đứa lớn con trai năm nay lên tám tuổi. Nó nghịch. Thì trẻ con đứa nào không nghịch. Nhưng cách thức nghịch của nó khác xa so với tuổi thơ của tôi.

Thằng cháu ngoại có tên gọi thân mật là Nemo. Nó kêu tôi là tình bạn vĩ đại. Bố bác sĩ, mẹ giáo viên hiển nhiên nó được dạy dỗ, giáo dục theo đúng cách thức nghề nghiệp của bố mẹ nó. Nghĩa là không chơi những trò nghịch dân dã ở hè phố mà chú tâm vào đọc truyện tranh, truyện cổ tích, học ngoại ngữ, học võ thuật và chơi những trò ít nhiều mang tính thử thách trí tuệ ở những đồ chơi lắp ghép.

Thú vui bọn trẻ ngày nay khác xa ngày xưa (Ảnh minh họa: internet).
Thú vui bọn trẻ ngày nay khác xa ngày xưa (Ảnh minh họa: internet).

Nemo đặc biệt thích những đồ chơi tạo hình như người dơi, rô bốt mô phỏng nhân vật ở những phim giả tưởng Mỹ. Điều này thì là cả vấn đề lớn. Ông ngoại chiều cháu mua đồ chơi dạng này nhưng bị bố mẹ nó cằn nhằn và cấm tiệt. Nemo bướng bỉnh cá tính nhưng kỷ luật từ bố mẹ là sắt đá và nó buộc phải tuân thủ. Có lần tôi góp ý nhưng mẹ nó thẳng thừng: “Mỗi thời một khác bố ạ, con phải có trách nhiệm với cháu, nó phải được dạy dỗ tốt nhất”.

Tôi cười nụ, suýt buột: “Thế tôi nuôi chị thì sao?”. Tuổi thơ của mẹ Nemo rơi vào đúng những ngày tháng khó khăn nhất của nền kinh tế đang dần chuyển xóa bỏ bao cấp sang thị trường. Những năm tháng ấy quả là những thách thức không nhỏ đối với mỗi gia đình và trực tiếp tác động đến những thiên thần bé nhỏ. Dạo đó nghèo lắm, nhưng có lẽ cái nghèo lại khiến cho trẻ con có được những gì thoải mái nhất mà không phải giữ gìn thái quá như những lớp trẻ sau này.

Tôi nhớ cứ đón con ở nhà trẻ, rồi ở trường về là để con thoải mái chơi với những đứa trẻ hàng xóm. Khi ấy tôi ở một khu nhà đa phần là viên chức, là công nhân và cả dân lao động nữa. Bọn trẻ hò reo chơi đủ trò. Gom góp mua cho con cái xe đạp 3 bánh. Nó phóng vèo vèo, con gái nhưng mặc sức chơi dao, chơi kiếm miễn là thích. Vậy mà tuổi thơ của con bình yên trôi đi. Đến quãng tám, chín tuổi như Nemo bây giờ, thấy con nghịch như con trai, nghỉ hè tôi bèn đăng ký cho con đến Cung Thiếu nhi học một khóa múa. Chỉ một khóa con lại trở về mềm mại, con gái và nữ tính đến bây giờ ngoài ba mươi tuổi có hai mặt con.

So sánh tuổi thơ của Nemo và mẹ thì thấy điều khác biệt nhất là kinh tế. Nếu như Nemo sống ở một giai đoạn đất nước phát triển, nhiều tiềm lực kinh tế, đời sống mỗi gia đình đã không còn eo hẹp như trước. Cũng là gia đình viên chức nhưng thời của tôi nuôi con và thời con gái nuôi dạy Nemo đã là một trời một vực. Tôi nhớ lúc con gái còn nhỏ, mỗi chiều đèo con ra chợ chỉ gom góp đủ tiền mua cho con quả trứng vịt lộn và con gái ăn ngon lành. Đến bây giờ anh em Nemo mỗi bữa ăn phải ép, phải nghiêm khắc tận cùng chúng mới xong bữa.

Trẻ con xưa giúp gia đình tăng gia sản xuất sau giờ học (Ảnh: internet).
Trẻ con xưa giúp gia đình tăng gia sản xuất sau giờ học (Ảnh: internet).

Kinh tế là thế, còn giải trí văn hóa cũng là sự khác biệt với khoảng cách lớn. Bây giờ không thiếu loại sách truyện, đồ chơi cho trẻ nhỏ. Chúng không hề thiếu thốn bất cứ thứ gì. Vấn đề là hướng cho chúng vào những gì thiết thực nhất theo cách đánh giá và nhìn nhận phương pháp giáo dục của từng gia đình.

Mỗi thời một khác nhưng thiên thần thì thời nào cũng vẫn là thiên thần. Dạo đúng bằng Nemo bây giờ, tôi lên tám nhưng đã phải chịu một tổn thất nặng nề về tình cảm. Đó là chiến tranh phá hoại xảy ra năm 1964. Quê ngoại tôi ở Hà Nam. Mẹ dắt díu cả ba anh em tôi gửi về quê sơ tán ở với bà ngoại. Tôi là anh cả. Hình dung một đứa trẻ tám tuổi, đầu đàn của hai đứa em trai đều nghịch như quỷ và đang tuổi ăn tuổi chơi, cần vòng tay mẹ lại thiếu thốn đủ thứ nhất là tình cảm thì thiệt thòi bao nhiêu. Nhưng không, tuổi thơ chiến tranh ấy lại là điều diệu kỳ cho chúng tôi, những đứa trẻ sơ tán. Chỉ dăm năm sơ tán nhưng đồng quê đã cho tôi những bài học thần kỳ về nông thôn như một thứ hành trang quý giá giúp tôi trong nghề văn sau này. Dù là một đứa trẻ thành phố nhưng tôi viết về nông thôn như một nông dân chính hiệu. Tất cả là nhờ những năm tháng sơ tán xa mẹ, tôi được sống trong một môi trường tuyệt vời của nông dân, ruộng đồng, của dân ca, của những câu chuyện bà kể và thực tế của những gì tôi được may mắn chiêm nghiệm.

Tôi gọi tuổi thơ là tuổi của thần tiên và những đứa trẻ ở bất cứ thời nào đều là những thiên thần. Chuyện của thiên thần là chuyện của tôi, con tôi và cháu tôi. Tôi mới chỉ nhìn thấy những gì của thế hệ cha con tôi đã đủ cảm nhận về hạnh phúc của những thiên thần.

Vâng, thiên thần, chẳng có gì đẹp hơn một tuổi thơ đầy bình yên dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Phạm Ngọc Tiến

Khi con sợ

Khi con sợ

Mỗi bé, thường có nỗi sợ riêng. Là cha mẹ, hãy tìm cách giúp bé tập thói quen đối diện với nỗi sợ