Bí thư Hà Nội: Không xây dựng ồ ạt các công trình tại phân khu sông Hồng

Bí thư Hà Nội nhấn mạnh TP đang rất quyết tâm thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng.

Về dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng, tại buổi trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội sáng 11/3, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết đồ án từ lâu đã được đặt ra, nhưng do nhiều vướng mắc TP chưa tháo gỡ được. Nếu TP thông qua được quy hoạch, ông tin nó sẽ giải quyết vấn đề sinh kế cho người dân sống hai bên sông và tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển.

Theo ông Huệ, TP đã thay đổi cách tiếp cận, lấy phòng chống lũ và chỉnh trị sông Hồng là mục tiêu hàng đầu, có tham khảo đề án nghiên cứu trong và ngoài nước. Đồ án của phía Hàn Quốc năm 2006 hiện không còn phù hợp. 

"Hà Nội mở rộng địa giới hành chính bao gồm cả tỉnh Hà Tây và một phần của tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình thì không gian phát triển của thủ đô rất rộng, không việc gì phải chất tải công trình dọc sông Hồng", Bí thư Hà Nội nói.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ

Bí thư Hà Nội cho biết quy hoạch sẽ theo hướng trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị, văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian đặc thù, hài hòa của TP để phát triển cho cả 2 bên sông. Thành phố với điểm nhấn là dòng sông ở giữa, với hành lang xanh, một đô thị đẹp, văn minh, hiện đại.

"Trước đây sông Hồng cận biên là phía bắc, bây giờ tư duy quy hoạch mới rồi, trục giữa nằm ở lòng sông Hồng, từ đó phát triển hài hòa 2 bên bờ sông", Bí thư Huệ chia sẻ.

Ông Huệ nhấn mạnh nhiệm vụ thoát lũ vẫn là ưu tiên số một, các công trình hai bên sông được thiết kế với công năng chống lũ theo hướng thuận tiện, nước vào rồi lại ra. Nếu xác suất 500 năm nước lũ vượt quá bờ đê, thì chỉ tràn vào khu quy hoạch, không ảnh hưởng gì đến thành phố.

Đồ án sẽ do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước trực tiếp tiến hành, thay vì giao cho các đơn vị như trước kia. Quy hoạch thủy lợi của đồ án phù hợp với Quyết định 257 của Thủ tướng về quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Về chính sách đối với các hộ dân ở khu vực này, hiện TP đang nghiên cứu không chỉ nằm trong phạm vi quy hoạch dài 40 km (từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) mà ở cả đoạn sông chảy qua địa phận Hà Nội dài 118 km. TP sẽ tích hợp cả quy hoạch đê điều, quy hoạch phòng chống lũ để từng bước giải quyết các vướng mắc về dân sinh. Khi quy hoạch sông Hồng được phê duyệt, các sở, ngành TP phân loại danh mục công trình cơ sở của người dân và tài sản công dọc tuyến này để có chính sách.

Theo dự thảo đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng vừa được UBND TP trình lên Thường trực Thành ủy, quy hoạch được lập ra thành 5 phân khu R1, R2, R3, R4, R5, trên đoạn sông dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Diện tích bao phủ khoảng 11.000 ha, thuộc địa bàn 13 quận, huyện. Dân số ước tính theo quy hoạch là 280.000 đến 320.000 người.

UBND TP được giao nhiệm vụ khẩn trương làm việc, xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng để hoàn thiện đồ án, sớm trình lên Ban Thường vụ Thành ủy để phê duyệt trong tháng 6.

Thanh Mai

Sông Hồng đoạn qua Lào Cai bất ngờ xuất hiện lũ trái mùa.

Sông Hồng đoạn qua Lào Cai bất ngờ xuất hiện lũ trái mùa.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết đợt lũ này có thể coi là dị thường, bởi hiện đang vào thời điểm cuối Đông, mùa khô kiệt nhất trong năm.