Chỉ số MSCI đo lưởng độ biến động cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản đã giảm 0,46%.
Chỉ số CSI300 của Trung Quốc cũng giảm hơn 0,41% sau khi cơ quan y tế ở Thiên Tân phát hiện trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại nước này.
Tỉnh sản xuất lớn của Trung Quốc là Chiết Giang cũng đang đối phó với một đợt bùng phát các ca lây nhiễm COVID-19 đầu tiên trong năm nay buộc hàng chục nghìn công dân phải cách ly, hoạt động sản xuất phải tạm dừng.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 1%, KOSPI của Hàn Quốc thấp hơn 0,4%, chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản giảm 0,13% và cổ phiếu của Úc thấp hơn 0,31%.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ họp vào thứ Tư này để bàn về việc cắt giảm nhanh hơn chương trình mua trái phiếu trị giá 120 tỷ USD trong một tháng. Đây được xem là một động thái nhằm chống lại việc lạm phát tăng cao, và điều này có thể đưa đến việc Ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất.
Đồng USD đã tăng trước các cuộc họp sắp tới và các nhà đầu tư đang chú ý đến khả năng Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2022.
Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA cho biết: “Sự bất ổn sẽ vẫn tăng cao trong tất cả các quyết định từ Fed, ECB và BOE”.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân hàng Anh và Ngân hàng Nhật Bản cũng sẽ nhóm họp trong tuần này và mỗi bên đều hướng tới việc bình thường hóa các chính sách tiền tệ của riêng mình.
Lo ngại về biến thể Omicron ngày càng tăng sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo về một "làn sóng thủy triều" về các ca bệnh mới và Tổ chức Y tế Thế giới cho biết biến thể Omicron gây ra nguy cơ toàn cầu là "rất cao" với một số bằng chứng cho thấy nó có khả năng kháng lại các loại vaccine.
Giá dầu tương lai hôm nay giảm trước những nghi ngờ về hiệu quả của vaccine trong việc chống lại biến thể Omicron mặc dù trước đó OPEC đã đưa ra dự đoán rằng, tác động của biến thể này sẽ làm cho nhu cầu tiêu thụ giảm nhẹ.
Dầu Brent giao sau giảm 83 cent, tương đương 1,10% xuống 74,32 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Tây Texas Intermediate (WTI) giảm 8 cent, tương đương 0,11% và đang ở mức thấp hơn 71,21 USD.
Thị trường chứng khoán châu Âu chứng kiến chỉ số FTSE giảm 0,83%, trong khi chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu mất 0,43% và chỉ số đo chứng khoán của MSCI trên toàn cầu giảm 0,80%.
Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 0,89% và Nasdaq Composite nặng về công nghệ giảm 1,39%.
Chỉ số USD Index đã tăng 0,27% và tỷ giá đồng euro so với đồng USD đã giảm 0,01% xuống còn 1,1282 EUR/USD do giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ thắt chặt các chính sách tiền tệ nhanh hơn ECB.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn của Hoa Kỳ đã giảm vào thứ Hai và đường cong lợi suất bị cắt ngang khi các nhà giao dịch chuẩn bị cho một chính sác có phần cứng rắn của Fed.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm 6,5 điểm cơ bản xuống 1,424% và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm giảm 6,7 điểm cơ bản xuống 1,817%.