Bộ GD&ĐT: Có thể cho học thêm nghỉ thêm, lùi thời điểm kết thúc năm học

Cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ đã trả lời các vấn đề về kế hoạch phòng chống dịch bệnh như cho học sinh nghỉ thêm, thông thương hàng hóa...

Cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1 diễn ra chiều nay 5/2 đã trao đổi các vấn đề liên quan dịch bệnh virus corona ảnh hưởng đến các vấn đề kinh tế, đời sống, văn hóa xã hội.

Miễn thuế nguyên liệu sản xuất khẩu trang

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đây là phiên họp đầu tiên của Chính phủ năm 2020, trước đó Chính Phủ đã bàn bạc, thảo luận về công tác đối phó dịch, các ảnh hưởng của dịch bệnh đến các vấn đề kinh tế, luật, pháp lệnh…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo.

Hiện tại, công tác phòng dịch đã được thực hiện đồng bộ tại các quận, huyện, địa phương, thậm chí còn cao hơn dịch SARS năm 2003 và cao hơn mức WHO cảnh báo. Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ lây nhiễm mạnh nhất nếu không làm tốt, chỉ cần lơ là, chủ quan sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Qua đây, Bộ trưởng đánh giá sự tác động và ảnh hưởng đến đời sống người dân, thương mại, du lịch và tăng trường kinh tế. Nếu khống chế dịch trong quý 1 thì tăng trưởng năm 2020 là 6,27%, khống chế dịch trong quý 2 thì tăng trưởng là 6,09% - đều thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 6,8%, cần có giải pháp bù đắp thua thiệt, không ảnh hưởng tăng trưởng. Vì vậy toàn bộ hệ thống phải vào cuộc, nhận diện đúng khó khăn để đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hoàn thành mục tiêu cho năm 2020.

Chính phủ khẳng định dù khó khăn cũng không thay đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vận dụng các chính sách phù hợp để ứng phó các tình huống bất lợi, kiểm soát lạm phát, giảm giá thịt heo, hạn chế tăng giá, tạo điều kiện cho thông quan ở biên giới.

Đặc biệt, Chính phủ thống nhất miễn thuế nhập khẩu trang với khẩu trang y tế và nguyên liệu sản xuất khẩu trang, miễn thuế nhập khẩu với nước khử trùng phòng chống dịch.

Xem xét cho học sinh nghỉ thêm và lùi thời điểm kết thúc năm học

Trong cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể tới các Sở GD&ĐT chỉ đạo nhà trường lên kế hoạch về việc học bù sau tuần nghỉ đề phòng dịch bệnh theo đúng khung thời gian của quyết định 2071/QĐ-BGDĐT. Thời gian học bù có thể là buổi thứ 2 sau thời gian học chính hoặc thứ 7, chủ nhật, học trong tuần đệm của năm học.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo.

Nếu dịch bệnh tiếp tục gây ảnh hưởng rộng, học sinh nghỉ thêm khiến quỹ thời gian không đủ để học bù hay các kỳ thì chuyển cấp, THPT, tốt nghiệp bị gián đoạn, có thể kéo dài thời gian kết thúc năm học. Ví dụ lịch kết thúc năm học là 31/5, hoàn thành chương trình tiểu học và tốt nghiệp THCS là 15/6 có thể lùi thêm. Riêng kỳ thi THPT quốc gia vào cuối tháng 6 nên không bị ảnh hưởng.

Về vấn đề quyết định nghỉ thêm do dịch bệnh, ông Độ cho biết sẽ căn cứ vào tình hình thực tế cũng như khuyến cáo của các tổ chức y tế để đưa ra lịch phù hợp đảm bảo an toàn và sức khỏe cho học sinh. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh trong tầm có thể kiểm soát thì học sinh có thể trở lại trường.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các đơn vị đào tạo, trường học cần phải sẵn sàng đón học sinh trở lại với môi trường tốt nhất, học sinh đeo khẩu trang, rửa tay trước khi vào lớp, giờ giải lao, giờ ăn, khử khuẩn phòng học.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định cũng cho biết sẽ đảm bảo tốt nhất cho học sinh, có thể nghỉ thêm 1 – 2 tuần để đảm bảo 100% trường học đã hoàn toàn được vệ sinh.

Phương pháp cách ly

Ông Nguyễn Thanh Long - phó Ban Tuyên giáo trung ương, thứ trưởng Bộ Y tế cho biết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, biện pháp cách ly là hiệu quả, hữu hiệu ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng. Cụ thể, người dân bị nghi nhiễm bệnh cách ly tại cơ sở y tế; công dân nước ngoài hoặc đi qua vùng dịch về Việt Nam sẽ bị cách ly tại cơ sở do UBND tỉnh, TP chỉ đạo, cần thiết có thể cách ly tập trung; với những người đi từ các vùng khác của Trung Quốc về thì lập tức cách ly tại gia đình. Theo đánh giá, tương tự như dịch SARS nếu áp dụng triệt để các biện pháp, chắc chắn sẽ có hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời tại họp báo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời tại họp báo.

Ông Trần Quốc Phương - thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư thông tin, mức độ ảnh hưởng của dịch tới kinh tế là rất nghiêm trọng đặc biệt các đối tượng là nông dân trồng thành long, dưa hấu.... Vì vậy Bộ kiến nghị 2 kế hoạch: tập trung ưu tiên, dồn nguồn lực để chống dịch; khắc phục thiệt hại cho sản xuất. Hiện tại chưa tính tới gói hỗ trợ doanh nghiệp vì còn phụ thuộc vào nguồn lực.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết cần phải nhìn vào tổng thể mới đưa ra quyết định hỗ trợ như thế nào, khi dịch bùng phát mới tính đền chỉ số lạm phát, vĩ mô.

Giải đáp về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho hàng nông sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – ông Phùng Đức Tiến cho biết đã cùng Bộ Công Thương họp bàn và đưa giải pháp. Hiện tại hàng đã được thông quan, tuân thủ đúng quy định người Trung Quốc sang phải cách ly 14 ngày. Tạm thời tiêu thụ nội địa, tăng chế biến và tạm trữ đông lạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, dịch này ảnh hưởng không chỉ tại Trung Quốc mà còn cả các nước khác đặc biệt là các nước giáp biên giới nên cần phải tăng cường giải pháp trong ngành. Chính phủ đã ra công văn tiếp tục xuất nhập khẩu qua biên giới để tạo thuận lợi thương mại, không làm gián đoạn kinh doanh. Tuy nhiên về lâu dài cần có giải pháp căn cứ vào tái cơ cấu sản phẩm, thị trường, liên kết tiêu thụ nội địa để không quá phụ thuộc vào một thị trường.

Xử lý các trường hợp tung tin sai sự thật

Ông Nguyễn Thanh Lâm - cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) cho biết đã phối hợp với Bộ Công an để xử lý nghệ sĩ đăng tin sai lệch. Đối với các địa phương cũng đang thực hiện quyết liệt xử phạt, như tại Hà Nội triệu tập 1 đối tượng, TP.HCM là 17 trường hợp, Thanh Hóa 3 đối tượng, Đà Nẵng 2 trường hợp, Quảng Ninh 1 trường hợp, Cần Thơ 1 cá nhân, Thái Nguyên 2 đối tượng…

Cơ quan chức năng chủ động kiểm soát thông tin và làm việc với các trang để gỡ thông tin. Ông Lương Tam Quang - thứ trưởng Bộ Công an - cho biết thời gian qua đã triệu tập hơn 170 đối tượng, yêu cầu cam kết và gỡ bỏ, xử lý và xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính viễn thông, loan tin đồn sai sự thật, để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Ông Lương Tam Quang - thứ trưởng Bộ Công an.
Ông Lương Tam Quang - thứ trưởng Bộ Công an.

Đón công dân từ vùng dịch về

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện có 24 công dân và 3 người nhà từ vùng dịch Vũ Hán, 19 người có nguyện vọng về Việt Nam. Để hỗ trợ công dân về nước, Thủ tướng đã giao cho cơ quan chức năng đón người Việt Nam từ vùng dịch về, sau đó tiến hánh cách ly, đảm bảo điều kiện về ăn, ngủ, nghỉ, cung cấp thông tin. Bố trí sân bay tại Vân Đồn và sân bay ở miền Trung, miền Nam để đón công dân.

Đối với công dân từ Việt Nam sang nước bạn làm việc có nguyện vọng về thì giao cho các tỉnh biên giới. Thực hiện cách ly tập trung nhưng phải phối hợp với Bộ Y tế để không ra khỏi khu cách ly và cộng đồng xung quanh. "Đây là chủ trương lớn và Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết thực hiện", ông Dũng nói. 

Thanh Mai

Bộ GD&ĐT: Trong trường hợp cần thiết có thể cho học sinh tạm thời nghỉ học

Bộ GD&ĐT: Trong trường hợp cần thiết có thể cho học sinh tạm thời nghỉ học

Theo công văn của Bộ GD&ĐT, trong trường hợp cần thiết, các đơn vị đào tạo, dạy học cần sắp xếp cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.