Theo PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y Tế), 15 bệnh nhân nhiễm virus corona bao gồm nam, nữ, độ tuổi khác nhau và cả người cao tuổi có tiền sử mắc bệnh. Mới đây nhất, bệnh nhân Li Ding, người đầu tiên nhiễm virus cũng đã xuất viện, điều này cho thấy sự nỗ lực kiểm soát dịch và điều trị của ngành y tế và các bệnh viện.
Ông Khuê nhấn mạnh, sau khi xem xét đủ các điều kiện và các kết quả mới cho bệnh nhân ra viện. Hiện phân tuyến điều trị ở Việt Nam đang khá đầy đủ và hợp lý. Cụ thể các công việc thu dung, điều trị, quản lý bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm được thực hiện từ dưới các địa phương, chỉ chuyển tuyến khi quá khả năng điều trị. Điều này nhằm hạn chế khả năng lây lan, không để bệnh nhân tử vong.
PGS Lương Ngọc Khuê. |
Ông Khuê lấy ví dụ: "Thực tế, Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đang điều trị cho các bệnh nhân, tiến triển rất tốt. Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền phức tạp, cũng có tiến triển khả quan". Với công suất 500 giường bệnh, ngành y tế Việt Nam sẽ cách ly toàn bộ khu vực bệnh nhân khu vực Hà Nội và tuyến cuối về Bệnh viện nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội).
Khi được hỏi về hướng điều trị, ông Khuê chia sẻ trên thế giới mà đặc biệt là Trung Quốc có khoảng 10 – 20% ca nặng, trước tình hình căng thẳng của dịch bệnh, ngành y tế luôn sẵn sàng về cả vật tư, số giường bệnh cần thiết. Riêng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương sẽ là nơi tiếp nhận điều trị các ca nặng, ca dương tính với virus.
Ngoài ra, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chuẩn bị 20 – 40 giường dự phòng cho các bệnh nhân nặng, các bệnh viện chuyên khoa chuẩn bị 20 – 40 giường cho cấp cứu điều trị ban đầu. Ông Khuê khuyến cáo, quan trọng là người dân cần vững tâm lý, chủ động phát giác và cách ly, điều trị sớm. Ngành y tế cũng chủ trương không giữ bệnh nhân ở các bệnh viện có lượng khám bệnh cao như Bạch Mai.
"Toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh từ Trung ương về xã cùng vào cuộc với dịch bệnh do virus corona gây ra theo phương châm 4 tại chỗ", Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh.
Trong đó, tuyến Trung ương phụ trách các ca phức tạp, tăng nặng hỗ trợ tuyến cuối; tuyến tỉnh hỗ trợ tuyến dưới các ca vượt khả năng; tuyến huyện thu dung, điều trị quản lý bệnh nhân, tuyến xã, thực hiện giám sát, phát hiện ca bệnh. Sau khi các bệnh nhân điều trị khỏi, y tế xã sẽ theo dõi và chăm sóc, động viên bệnh nhân.
Đối với ca bệnh nhi mắc virus corona ở Vĩnh Phúc, đồng thời cũng là bệnh nhân thứ 5, ông Khuê cho biết bé lây từ bà ngoại, bà ngoại lây từ cô gái 23 tuổi từ Vũ Hán trở về, tức là con đường lây lan F3. Bé đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm y tế huyện Bình Xuyên với phác đồ điều trị đầy đủ. Ông Khuê nói: “Với bệnh nhi này, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng Vĩnh Phúc. Hôm qua Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc làm việc với Vĩnh Phúc đã chỉ đạo thành lập ngay tổ thường trực giúp Vĩnh Phúc bất cứ lúc nào điều trị cho bệnh nhân. Chúng tôi sẽ cử chuyên gia (từ Bệnh viện Nhi Trung ương) trực tiếp về đây hướng dẫn, hỗ trợ cho Vĩnh Phúc. Nếu có những diễn biến lâm sàng nặng hơn sẽ chuyển tuyến lên, nhưng hiện nay mọi thứ vẫn bình thường”.
Bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus corona ở Việt Nam chuẩn bị xuất viện
Do có tiền sử nhiều bệnh nên ông Li Ding, người nhiễm bệnh đầu tiên ở Việt Nam có thời gian điều trị lâu hơn.