Trên thế giới, việc người tham gia sử dụng rượu bia bị áp dụng các mức phạt cao, tiền phạt dành cho người lái xe sau khi sử dụng rượu bia không hề ít, con số thường lên đến hàng nghìn USD ngay lần vi phạm đầu tiên.
Nhật Bản
Đối với người dân Nhật Bản, việc lái xe sau khi sử dụng rượu bia là một tội nghiêm trọng. Theo quy định của nước này, nồng độ cồn từ 0,15mg/lít khí thở (tương đương với 1 ly bia), người điều khiển xe đã bị quy vào "lái xe trong điều kiện không tỉnh táo", bị phạt tù lên tới 3 năm và 500.000 Yen (khoảng 4.500 USD hay 104 triệu đồng).
Nếu người tham gia giao thông bị phát hiện có nồng độ cồn sẽ bị phạt tới 5 năm tù và 1 triệu yen (khoảng 200 triệu đồng). Tội sẽ đặc biệt nặng khi tài xế say bia rượu chở hành khách.
Những người không tuân thủ luật bị quy vào tội chống người thi hành công vụ sẽ bị phạt nặng hơn. Nhật Bản quy định những hình phạt cho tội lái xe say rượu gây tai nạn là 20 năm đối với tai nạn chết người và 15 năm đối với tai nạn không chết người.
Đây là lý do vì sao Nhật Bản lại là nước nằm trong top 10 quốc gia có tai nạn giao thông do bia rượu thấp nhất thế giới. Không chỉ với ô tô mà xe đạp cũng chịu chế tài nghiêm khắc như vậy để đảm bảo an toàn cho những người khác.
Singapore
Là một trong những nước được đánh giá cao về kỷ luật và môi trường, Singapore cũng có những hình phạt tù, tiền và lao động công ích cho các lái xe khi sử dụng đồ uống có cồn.
Nếu nồng độ cồn được phát hiện trên 0,35 mg/lít khí thở, lái xe sẽ bị phạt 5.000 SGD (tương đương 3.600 USD hay 85 triệu đồng) và đối diện với 6 tháng tù giam. Đối với các hành vi tái phạm, hình phạt cũng sẽ tăng thêm; lần thứ 2 bị phạt tù từ 6 đến 12 tháng và phạt tiền từ 3.000 - 10.000SGD, phạt 30.000SGD và 3 năm tù, tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế phạm lỗi lần thứ 3.
Trong nhiều năm qua, Singapore là nước đứng thứ 3 có ít tai nạn do rượu bia nhất thế giới. Căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi và nồng độ cồn sẽ có những hình phạt tương ứng. Một số trường hợp nghiêm trọng sẽ phải tham gia lao động công ích hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Anh
Với tài xế tham gia giao thông có sử dụng rượu bia có thể bị phạt cấm lái xe hoặc ngồi tù tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi. Nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.35mg/1 lít khí thở có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 6 tháng, nộp phạt 2.500 bảng Anh hoặc cấm lái xe ít nhất 1 năm.
Các trường hợp chống đối người thi hành công vụ trong khi cấp mẫu máu, đo nồng độ cồn sẽ bị tù 6 tháng, phạt tiền hoặc cấm lái xe 1 năm.
Hàn Quốc
Đất nước nổi tiếng với loại rượu soju thơm ngon cũng không hề “dễ dãi” đối với những người lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Đó là lý do vì sao quốc gia này lại phát triển dịch vụ lái xe thuê như vậy.
Theo quy định, nếu nồng độ cồn vượt mức 0,05 mg/lít khí thở, người lái xe sẽ bị quy vào tội hình sự và có thể ngồi tù 3 năm và phạt 10 triệu won (khoảng 8.800USD hay 206 triệu đồng) thu bằng lái hoặc đình chỉ tùy thuộc vào mức độ.
Những trường hợp không chịu đo nồng độ cồn cũng bị coi là tội hình sự và bị bắt ngay lập tức hoặc bị truy nã nếu bỏ trốn.
Mỹ
Mỹ, mỗi bang, hình phạt được áp dụng khác nhau, nhưng hầu hết đều rất nặng và đều ảnh hưởng đến kinh tế của người vi phạm.
Nếu lái xe sau khi sử dụng bia rượu, người đó có thể phải trả số tiền phạt 300 - 1.000 USD cho lần đầu tiên vi phạm, lần tiếp theo là 15.000USD trở lên, phí thử nồng độ cồn trong máu 500 - 1.000USD, phí kéo xe về nơi cất giữ 300 - 500 USD (kèm phí trông giữ, phí lấy xe ra), phí bảo hiểm tăng mạnh (thay vì 100 USD/tháng sẽ thành 300 - 500USD/tháng).
Nếu giải trình về lý do, cảnh sát sẽ được trả 150USD với việc chỉ ngồi nghe và tiếp nhận.
Mỗi người vi phạm phải tham gia các lớp đào tạo lái xe có gắn thiết bị kiểm soát nồng độ cồn và giá thuê thiết bị này lên đến gần 3.000USD để giám sát trong khoảng thời gian nhất định.
Ủy ban Sức khỏe và Y dược Mỹ cũng chỉ ra mối liên quan giữa những bang có luật lệ khắt khe với tỷ lệ tai nạn vì rượu bia. Các bang có luật nghiêm khắc và mức phạt cao có số vụ tai nạn thấp hơn hẳn so với các bang khác.
Australia
Trong năm 2019, bang New South Wales của Australia đã chính thức áp dụng hình phạt với việc lái xe sau khi dùng rượu bia ở mức độ thấp. Nếu nồng độ cồn từ 0.15mg/1 lít khí thở trở lên, từ chối đo khí thở, xét nghiệm máu hoặc nồng độ cồn trong máu sẽ bị phạt 3.300 đô la Australia nếu vi phạm lần đầu, phạt 5.500USD nếu vi phạm từ lần 2 trở đi, phạt tù từ 18 tháng đến 2 năm, tước bằng lái từ 1 - 2 năm.
Với các tài xế có nồng độ cồn từ 0.08 đến dưới 0.15 mg/1 lít khí thở chịu mức phạt từ 2.200 đến 3.300USD, phạt tù từ 9 tháng đến 12 tháng, tước bằng lái từ 6 tháng đến 12 tháng.
Nếu nồng độ cồn là 0.05 đến dưới 0.08 mg/1 lít khí thở chịu mức phạt 572USD, tước bằng lái từ 3 - 6 tháng, không có hình phạt tù.
Trung Quốc
Với lượng dân số đứng đầu thế giới, việc kiểm soát an toàn giao thông cũng như tình trạng lái xe khi có nồng độ cồn trong người là điều không hề dễ dàng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho mọi người và duy trì trật tự an toàn giao thông, quốc gia này cũng áp dụng các chế tài phạt tiền với các trường hợp lái xe khi say rượu bia.
Cụ thể là ai có nồng độ cồn dưới 80 mg/100 ml máu sẽ bị phạt từ 1.000 nhân dân tệ đến 2.000 nhân dân tệ (3 triệu - 6 triệu đồng) và đình chỉ giấy phép lái xe trong 6 tháng. Trường hợp nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml máu bị phạt tối đa 3 năm tù và bị cấm lái xe trong vòng 5 năm.
Nếu người lái xe gây tai nạn khiến nạn nhân bị thương nghiêm trọng hoặc tử vong, giấy phép lái xe sẽ bị tước vĩnh viễn.
New Zealand
Ở đất nước này, nếu trong người có nồng độ cồn trong hơi thở hơn 0.25 mg/1 lít, hoặc nồng độ cồn trong máu hơn 50mg/100 ml sẽ bị cấm lái xe.
Nếu nồng độ cồn trong hơi thở từ 0.25 đến 0.4mg hoặc nếu nồng độ cồn trong máu từ 50 đến 80 mg, bạn có thể nhận thông báo vi phạm tại chỗ 200 đô la New Zealand.
Nếu nồng độ cồn trong hơi thở hơn 0.4mg hoặc nồng độ cồn trong máu hơn 80 mg, bạn có thể bị truy tố ra tòa và nếu bị kết án, có thể bị bỏ tù lên đến 3 tháng hoặc bị phạt tới 4.500 đô la New Zealand, tước bằng lái ít nhất 6 tháng.
Tăng mức phạt cao gấp nhiều lần với trường hợp điều khiển xe sau khi uống rượu bia
Luật Phòng, chống tác hại của bia rượu đã chính thức được thi hành, trong đó cấm các điều khiển các phương tiện giao thông khi trong người có nồng độ cồn.