Vài ngày trước, một cư dân mạng cho biết, anh đã chứng kiến cảnh tượng như sau trong khu dân cư nhà mình: Cậu bé nhà hàng xóm đang nô đùa ở khu vui chơi cùng vài bạn đồng trang lứa thì bất ngờ bị một đứa trẻ lớn hơn xô ngã. Đứa trẻ lớn hét to: "Không cho cậu chơi cái này!"
Tiếng ồn ngay lập tức thu hút sự chú ý của người lớn. Người hàng xóm vội bước tới, đỡ con trai dậy, phủi bụi trên người cậu bé, vừa cười vừa nói: "Không sao, không sao, anh trai không cố ý đâu". Mẹ của đứa trẻ đã xô ngã cậu bé tỏ vẻ áy náy, liên tục xin lỗi, người hàng xóm thậm chí còn "an ủi" lại: "Không sao đâu, trẻ con mà, chơi đùa thôi, miễn là không bị thương là được. Mau chơi tiếp đi".
Chỉ với vài câu nói đơn giản, xung đột nhanh chóng được giải quyết.
Trẻ con tiếp tục trò chơi dang dở, người lớn thấy không có gì nghiêm trọng cũng quay lại cuộc trò chuyện của mình. Chỉ còn cậu bé bị xô ngã, đứng lặng yên tại chỗ.
Nhìn thấy mũi và mắt cậu bé đỏ lên, môi mím chặt, thật khiến người ta đau lòng! Đáng tiếc, mẹ cậu hoàn toàn phớt lờ cảm xúc của con và không thấy được vẻ sắp khóc của cậu.
Một nhà văn nổi tiếng từng nói: "Người lớn không nên nghĩ rằng mình đã nhìn thấu tâm tư trẻ con". Trong mắt người hàng xóm, cuộc xung đột vừa rồi chỉ là chuyện nhỏ, không đáng bận tâm.
Nhưng đối với đứa trẻ, câu "không sao đâu" của bố mẹ mang đến cảm giác nhục nhã khi bị bắt nạt và sự thất vọng khi bị bố mẹ phớt lờ. Bề ngoài, bố mẹ dường như đã dạy con cách thỏa hiệp và tha thứ, nhưng thực tế lại khiến trẻ mất đi lòng can đảm.
Ảnh minh họa |
Khi trẻ bị bắt nạt chính là lúc chúng cần tình yêu thương nhất!
Cảm xúc của trẻ nhiều khi phụ thuộc vào thái độ của cha mẹ. Khi bị bắt nạt, trẻ đã đầy uất ức và sợ hãi trong lòng, nhưng cha mẹ lại cứ cố "hòa giải", điều đó như đang ép trẻ phải kìm nén cảm xúc.
Câu nói "không sao đâu" của cha mẹ chẳng khác gì một gáo nước lạnh, dập tắt mong đợi và khát khao của trẻ, đồng thời khiến trái tim chúng bị tổn thương. Một câu "không sao đâu" nhẹ nhàng nhưng đủ để trẻ bị tổn thương.
Có một vụ việc như sau: Một cô bé đang trên đường đi học thì bất ngờ bị cửa xe đang mở đụng phải. Sau khi bị đụng, cô bé trông rất đau đớn nhưng không dám tiến tới để nói chuyện với chủ xe, mà chỉ dựa vào tường, lặng lẽ chịu đau.
Toàn bộ sự việc diễn ra trong vài chục giây, không ai từ trên xe xuống hỏi thăm, và cô bé cũng không có hành động gì thêm, cho đến khi có một người đi đường tốt bụng đưa cô bé đi.
Sau đó, ngay cả khi phóng viên phỏng vấn, cô bé cũng chỉ bình tĩnh trả lời rằng "không sao đâu, không sao cả", giọng điệu bình thản đến đáng ngạc nhiên.
Sự "thản nhiên" này chẳng khác gì phản ứng của mẹ cô khi biết con bị thương. Trong nhóm chat của phụ huynh, khi có người hỏi về vết thương của con, mẹ cô bé chỉ đáp một câu "đau một chút thôi" rồi không nói gì thêm.
Nhìn bề ngoài, gia đình này có vẻ "ôn hòa, rộng lượng", nhưng thực tế lại phớt lờ, cô bé luôn nhận được câu trả lời "không sao đâu" từ bố mẹ, thường giấu kín cảm xúc thật của mình, trở nên nhút nhát, yếu đuối, thậm chí khi gặp tổn thương cũng chỉ biết âm thầm chịu đựng.
Nhà tư vấn tâm lý nổi tiếng Susan Forward từng nói: "Nếu một đứa trẻ luôn bị buộc phải nói dối về suy nghĩ và cảm xúc của mình, thì gần như không thể nuôi dưỡng được lòng tự tin mạnh mẽ". Đặc biệt là những đứa trẻ "ngoan ngoãn" sống theo tiêu chuẩn của người khác, luôn được dạy phải tỏ ra thân thiện, thái độ ôn hòa, mọi việc nhường nhịn.
Dù được người ngoài đánh giá cao, nhưng giá trị tự thân của chúng lại rất thấp. Rõ ràng chúng cảm thấy khó chịu, quyền lợi bị xâm phạm, nhưng ngay cả việc nói "không" cũng không dám.
Cuối cùng chỉ có thể phát triển một trái tim vô cùng tự ti, nhạy cảm, và dễ tổn thương. Hỏi thử những đứa trẻ như vậy, trong tương lai làm sao có thể biết tự bảo vệ mình khi gặp nguy hiểm, làm sao chống đỡ được những sóng gió trên đường đời?
Những bậc cha mẹ tốt nhất là người dùng tình yêu để tạo nên "áo giáp" cho con
Yêu thương con cái không chỉ đơn thuần là dạy con "dĩ hòa vi quý" mà còn là khi chúng bị bắt nạt, quyền lợi của chúng bị xâm phạm, bạn có thể trao cho con chiếc "áo giáp" để tự bảo vệ mình. Những bậc cha mẹ có tầm nhìn xa luôn hiểu cách bảo vệ sự trưởng thành của con:
1. Hãy xem mỗi câu "không sao đâu" của con như là "có vấn đề"
Một bà mẹ kể lại: "Một lần tôi cùng con gái tham gia chuyến dã ngoại gia đình. Trong đoàn có một đứa trẻ khá nghịch ngợm, luôn bắt nạt và giành đồ chơi của các bạn nhỏ khác. Các bậc cha mẹ khác đều khuyên con mình "không sao đâu", bảo chúng nhường đồ chơi cho cậu bé kia.
Chỉ có mẹ của một cậu bé khác, khi thấy con trai cứ nhìn chằm chằm vào đồ chơi, bà liền ngồi xuống, ôm con vào lòng và dịu dàng nói: "Đừng sợ, đi lấy lại đi". Được mẹ ủng hộ, cậu bé to tiếng quát đứa trẻ kia và dũng cảm lấy lại đồ chơi. Đứa trẻ nghịch ngợm kia bị ngăn cản, cũng không dám giành đồ chơi nữa".
Những bậc cha mẹ thực sự thông thái là những người coi mỗi câu "không sao đâu" của con là có vấn đề. Chỉ khi tôn trọng từng cảm xúc khó chịu của con, hiểu được những ẩn ý trong lòng con, bạn mới có thể bảo vệ con tốt hơn.
2. Học cách lắng nghe, quan tâm đến cảm xúc và hoàn cảnh của con
Chuyên gia về các vấn đề gia đình nổi tiếng của Úc, Steve Biddulph, từng đề cập đến vấn đề "trẻ bị bắt nạt" trong sách của ông. Ông cho rằng, nhất định phải cho trẻ cơ hội bày tỏ cảm xúc khi bị bắt nạt.
Chỉ trong điều kiện đủ bình tĩnh và bao dung, trẻ mới có thể bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ của mình, từ đó khôi phục lại sự tự tin.
Đồng thời, lắng nghe cẩn thận sẽ khiến trẻ cảm thấy mình được tôn trọng, từ đó tăng thêm sự dũng cảm để đối mặt với khó khăn. Suy cho cùng, lắng nghe chính là tôn trọng. Chỉ khi duy trì lòng tự trọng của trẻ, chúng mới có khả năng bảo vệ bản thân một cách kiên quyết.
3. Khi con bị bắt nạt, hãy luôn là chỗ dựa vững chắc nhất của con
Ở nước ngoài có một "bà mẹ cứng rắn", bị nhà trường khiếu nại vì con gái bà gây rối, đánh bạn nam. Sau khi tìm hiểu tình hình, bà biết rằng bạn nam kia cố tình trêu chọc, kéo áo lót của con gái bà, nên mới bị con gái bà đánh lại.
Trước sự chỉ trích của hiệu trưởng, giáo viên và phụ huynh bạn nam, bà mẹ này mạnh mẽ hỏi lại thầy cô: "Tại sao không ngăn chặn? Tại sao chỉ phê bình con gái tôi?". Không chỉ vậy, bà còn chủ động báo cáo toàn bộ sự việc lên hội đồng nhà trường và bộ phận giáo dục.
Dưới yêu cầu mạnh mẽ của bà, con gái bà được chuyển lớp, và tất cả những người đã bắt nạt con bà đều phải xin lỗi. Sau sự việc, bà mẹ này còn nhận được rất nhiều lời khen ngợi.
Khi con bị bắt nạt, đó chính là lúc con yếu đuối và cần tình yêu thương nhất. Sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời của cha mẹ sẽ giúp con cảm thấy an toàn hơn, từ đó có đủ tự tin để đối mặt với thế giới.
Chuyên gia giáo dục Suhomlinsky từng nói: "Chúng ta phải bảo vệ tâm hồn của trẻ như bảo vệ giọt sương trên lá sen". Đừng coi nhẹ những "không như ý" và "vết thương nhỏ" của trẻ, chỉ có chúng mới thực sự hiểu được nỗi đau và tuyệt vọng khi bị đối xử bất công.
Là cha mẹ, hãy đứng ở vị trí của con, quan tâm đến cảm xúc của con, chú ý đến từng "vấn đề" nhỏ của con, dành cho con sự tôn trọng và yêu thương đủ đầy.
Chỉ khi dùng tình yêu để tạo nên "áo giáp" vững chắc cho con, chúng mới có thể dũng cảm bảo vệ bản thân trong cuộc sống đầy thách thức và khó khăn sau này.
Angelina Jolie đang dạy con sai, rất sai!
Nhiều ý kiến cho rằng, Angelina Jolie chưa phải là một "người mẹ văn minh".