CEO 17 tuổi tại Hàn Quốc thành lập 2 công ty, doanh thu 1 triệu USD trong năm nay

Mới 17 tuổi, Sukone Hong đã hiện thực hóa ước mơ kinh doanh của mình bằng cách xây dựng không chỉ một mà là hai công ty.

Đầu tiên là một công ty kinh doanh thời trang do chính Sukone Hong làm CEO. Nó đạt doanh thu hơn 1 triệu USD trong năm nay và giành được sự công nhận của Đại học Harvard.

Công ty thứ hai là công ty nghiên cứu và sáng tạo đồng hồ thông minh chữ nổi dành cho người khiếm thị. Đã có hàng nghìn đơn đặt hàng cao cấp cho chiếc đồng hồ này.

Nói về thành công của mình, thiếu niên 17 tuổi cho rằng đó là một cách đáp trả lại những kẻ bắt nạt.

Hong nói: “Thật khó để tôi gắn bó với trường học. Tôi từng bị bắt nạt. Tôi phải tìm ra thứ gì đó có thể thay đổi cuộc đời mình”.

Xây dựng thương hiệu

Sukone Hong bắt đầu hành trình kinh doanh của mình từ khi học lớp 8. Khi đó, cậu chàng gặp khó khăn trong việc hòa nhập với bạn bè cùng lớp nên muốn tìm một việc làm trong thời gian rảnh. Thế là cậu bắt đầu bán lại quần áo hàng hiệu trên công cụ tìm kiếm Naver của Hàn Quốc.

paradox-computers.jpg
Sukone Hong, người sáng lập kiêm CEO của công ty đồng hồ thông minh chữ nổi Paradox Computers. Ảnh: Paradox Computers

Nhưng chỉ với 150 USD trong túi, số tiền này nhanh chóng "bay đi", Hong nhận ra rằng mình cần phải thay đổi cách kinh doanh.

Điều Hong cần lúc này là xây dựng một thương hiệu độc đáo. Vì vậy, Hong đã sử dụng khoản tiền 5.000 USD vay được từ ông bà của mình và sự hỗ trợ của một doanh nghiệp in ấn, để tạo ra một trang web quần áo của riêng mình. Trang web này cung cấp trang phục unisex giản dị với thiết kế đơn giản, vui tươi.

Cùng với đó, Olaga Studios (theo tiếng Hàn có nghĩa là "đi lên") cũng ra đời.

"Chẳng có khách hàng nào trong tuần đầu tiên", Hong nói. "Sau đó, tôi nhận được khoảng 15 đơn đặt hàng vào sáng thứ Hai. Thêm 50 đơn vào bữa trưa. 80 đơn vào bữa tối. Tuần đó, tôi đã bán được 300 chiếc áo sơ mi".

Học cách cho đi

Sau 3 năm hoạt động, thương hiệu quần áo của Hong tiếp tục đi lên và trở thành một thành công trong khu vực, thu về 1,2 triệu USD doanh thu hàng năm trên 6 thị trường châu Á và đứng số 1 trong danh mục áo thun của Style Share.

Từ khoản tiền kiếm được, Hong thuê một nhóm 12 người để giúp điều hành trang web. Và khoản tiền này cũng giúp Hong chi trả tiền học phí tại trường quốc tế Mỹ ở Seoul mà cậu chuyển đến.

Tại đây, Hong có được nguồn cảm hứng cho công việc kinh doanh mới nhất của mình.

“Trước đây, tôi nghĩ kinh doanh chỉ là để kiếm thật nhiều tiền”, thiếu niên nói. “Nhưng sau khi chuyển trường, tôi đã có một nền giáo dục tốt”.

“Giáo viên của tôi nói rằng kinh nghiệm từ việc bán quần áo của tôi có thể được sử dụng để tạo ra một doanh nghiệp để giúp đỡ người khác”, cậu nói thêm.

Với Paradox Computers, công ty đứng sau chiếc đồng hồ thông minh chữ nổi, Hong đặt mục tiêu làm được điều này.

Tìm kiếm sự hỗ trợ của nhà đầu tư

Đồng hồ thông minh chữ nổi Braille đã có mặt trên thị trường vài năm. Nó cho phép người khiếm thị nhận thông tin thời gian thực, chẳng hạn như văn bản và tin nhắn từ điện thoại của họ.

Tuy nhiên, những sản phẩm này có chi phí khá đắt đỏ, thường lên tới 300 USD. Rõ ràng, khoản tiền này khiến nhiều người khuyết tật khó có thể tiếp cận được.

Sau khi thực hiện dự án trường học về người khuyết tật, Hong nhận ra sự bất hợp lý này và quyết định thay đổi nó.

“Tôi thấy rằng điều này thật không hợp lý”, cậu nói. “Và đồng thời, đó là một cơ hội tốt để kinh doanh”.

dong-ho-cho-nguoi-khiem-thi.jpg
Đồng hồ thông minh chữ nổi của Paradox Computing cho biết thời gian và ngày tháng bằng cảm giác rung. Ảnh: Paradox Computers

Vì vậy, Hong bắt đầu tìm hiểu thị trường, nói chuyện với những người khiếm thị để biết nhu cầu của họ và các kỹ sư để đưa ra giải pháp.

Nhờ kinh nghiệm từ công việc kinh doanh thời trang hiện có, Hong quyết định đầu tư 300.000 USD cho 30% cổ phần.

“Với kinh nghiệm của một CEO, tôi học được rằng mặc dù tôi không có kiến ​​thức nền tảng về công nghệ, tôi vẫn có thể thuê những người khác hỗ trợ mình”.

Sáu tháng sau, chiếc đồng hồ thông minh chữ nổi trị giá 80 USD của Paradox Computers đã bán được hàng trăm chiếc, với 3.000 đơn đặt hàng trước từ Trung Quốc.

Dù đã thành công với việc kinh doanh, Hong vẫn quyết định theo đuổi việc học của mình.

“Khi công việc kinh doanh đang phát triển nhanh chóng, tôi đã nghĩ đến việc bỏ học. Nhưng tôi đã gặp rất nhiều CEO và họ đều nói với tôi rằng tôi nên học đại học”, cậu nói.

AN DI