Chiến lược phân vùng chống dịch ở Hà Nội là "chưa từng có tiền lệ"

Từ 6h ngày hôm nay (6/9), Hà Nội chính thức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo phân vùng.

Theo kế hoạch, vùng 1 là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là "vùng đỏ" - nơi tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao.

Vùng 2 (phía Bắc, Đông Sông Hồng), được phân cách với Vùng 1 bởi hệ thống Sông Hồng, Sông Đuống, được đánh giá là vùng có tính "độc lập" cao.

Vùng 3 (phía Tây, phía Nam thành phố) là nơi sản xuất nông nghiệp và các Khu, Cụm Công nghiệp; có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp.

Chiến lược phân vùng chống dịch ở Hà Nội là

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, do đây là việc "chưa từng có tiền lệ" nên thành phố xác định quyết tâm rất cao, siết chặt hơn nữa việc giãn cách trong khu vực nội thành; tăng cường kiểm tra giám sát, hạn chế đến mức tối đa lượng người ra đường.

Thành phố sẽ tập trung giãn cách xã hội thực chất, hiệu quả hơn; tăng cường đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, nhất là đối với khu vực có nguy cơ cao, có giải pháp phù hợp từng địa bàn, đối tượng,  đẩy mạnh việc tiêm vắc xin đảm bảo an toàn, đúng đối tượng, cấp đến đâu tiêm ngay đến đó…

Tại buổi thị sát việc tổ chức thiết lập 3 vùng trên địa bàn để phòng, chống dịch, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc tổ chức phân vùng để kiểm soát dịch phù hợp với mức độ nguy cơ là rất cần thiết sau 3 đợt thực hiện giãn cách toàn thành phố. Việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí ở mức độ cao hơn đối với Vùng 1 phải được tổ chức chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn.

"Việc tổ chức phân vùng, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ các khu vực có nguy cơ cao nhằm mục tiêu cao nhất là ngăn chặn dịch bệnh nguy cơ bùng phát, lây lan mạnh trong cộng đồng, vừa giúp bóc tách triệt để các ca F0 ra khỏi cộng đồng. Do đó, ngành y tế và các địa phương cần đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc, tận dụng tối đa thời gian giãn cách xã hội tại Vùng 1 đến ngày 21/9 để kiểm soát dịch" - ông Dũng nhấn mạnh.

Để siết chặt hơn nữa lượng người di chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại Vùng 1, Công an TP Hà Nội đã đảm nhiệm việc cấp phát, quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý việc cấp giấy đi đường cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.

Có 6 nhóm đối tượng "được phép ra đường", trong đó có nhóm được thủ trưởng cơ quan trực tiếp duyệt, cấp giấy đi đường; có nhóm giấy đi đường phải do Công an TP Hà Nội cấp…

Công an Hà Nội phối hợp với các lực lượng đã thiết lập 39 chốt kiểm soát liên ngành ở Vùng 1, trong đó có 21 chốt loại 1 được đặt tại vị trí có mật độ giao thông cao. Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã phối hợp với chính quyền nhiều địa phương thiết lập 30 "chốt cứng" tại các cây cầu và khuyến cáo người dân không di chuyển qua vị trí này để phòng, chống dịch Covid-19.

UBND TP Hà Nội khẳng định sẽ siết chặt Vùng 1; kiểm soát luồng di chuyển của người và phương tiện từ Vùng 1 sang Vùng 2 và Vùng 3. Tuy nhiên, việc kiểm soát phải đảm bảo vừa khống chế được dịch vừa giữ cho chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng liên phân vùng để không đứt gãy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.

Thanh Mai

Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai (4-5/9): Tây Nguyên và Nam Bộ có mây, có mưa rào và dông vài nơi

Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai (4-5/9): Tây Nguyên và Nam Bộ có mây, có mưa rào và dông vài nơi

Dự báo thời tiết đêm nay 4/9 và ngày mai 5/9 các khu vực trên cả nước theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.