Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu lắp thêm 30 - 50 trạm quan trắc không khí

Chủ tịch UBND Thành phố đã yêu cầu lắp đặt thêm trạm quan trắc không khí đồng thời đẩy mạnh các công tác đảm bảo vệ sinh môi trường.

Trong năm 2019, Hà Nội phải trải qua 5 đợt ô nhiễm không khí, đặc biệt nặng nhất là vào cuối năm chỉ số ô nhiễm rơi vào mức nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Trước tình hình này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Tài nguyên Môi Trường nghiên cứu và lắp đặt thêm 30 – 50 trạm quan trắc trong thời gian quý I để đánh giá các chỉ tiêu PM2.5, PM10, CO, NO2, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất khí quyển…

Sở Tài nguyên phải phối hợp với Sở Y tế đề xuất xây dựng nội quy, quy chế công bố thông tin quan trắc và chỉ số chất lượng không khí tuân thủ tiêu chí, tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

  Một trạm quan trắc không khí cảm biến tại phố Thành Công.

Một trạm quan trắc không khí cảm biến tại phố Thành Công.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND Thành phố còn giao nhiệm vụ cho các Sở, ban ngành, các đơn vị phải tăng cường công tác vệ sinh, đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm bao gồm quản lý việc thu gom, vận chuyển rác không gây rơi vãi, tiến hành rửa đường thường xuyên để mang đến môi trường sạch sẽ hơn. Các cơ quan chính quyền phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân bỏ bếp than tổ ong, không đốt rác bừa bãi, hạn chế đốt vàng mã, hương.

Sở Xây dựng phải nghiên cứu, xây dựng các hệ thống thu gom rác bằng công nghệ, lắp đặt camera giám sát quá trình vận chuyển và phân loại rác của các xe, đồng thời nâng cấp các trạm cân.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu giám sát việc tháo dỡ công trình đi kèm với việc che chắn, bảo vệ vệ sinh môi trường, tránh tình trạng gây ra nhiều bụi bẩn tại khu vực xung quanh cũng như kiểm soát rác thải từ công trình. Đặc biệt chỉ cấp phép tháo dỡ khi có hợp đồng vận chuyển phế thải xây dựng với đơn vị có đủ điều kiện theo đúng quy định, yêu cầu cung cấp địa chỉ đổ phế thải.

Trong thời gian cận tết, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu chỉ đạo các đơn vị thực hiện cải tạo, nâng cấp tuyến đường và hạ tầng không được triển khai vào tết. 

Sở Y tế xây dựng phương án cụ thể để kịp thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm sức khỏe trong những ngày chất lượng không khí ở mức “xấu”, “rất xấu” và “nguy hại”.

Thanh Mai

Hà Nội lại bị ô nhiễm nặng

Hà Nội lại bị ô nhiễm nặng

Sáng nay (14/1), thủ đô Hà Nội tiếp tục có chỉ số không khí ô nhiễm cao nhất trong nhiều tuần, xuất hiện nhiều điểm ở mức nguy hiểm.