Tối 27/6/2010, đêm chung kết Hoa hậu người Việt tại SNG đã diễn ra với sự cổ vũ nhiệt tình, hào hứng của hơn 1.000 khán giả người Việt sinh sống và làm việc tại Matxcơva. Vượt qua 17 người đẹp khác, thí sinh Phùng Thị Mỹ xuất sắc giành vương miện Hoa hậu.
Sau khi giành Vương miện Hoa hậu, Phùng Thị Mỹ đã về Việt Nam tham dự Chung kết Cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt và tham gia chuyến tặng quà từ thiện cùng báo Văn hóa tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. 10 năm sau, cô Hoa hậu ngày nào giờ là tiến sĩ, công tác tại Trường đại học Bà Rịa, Vũng Tàu.
Hoa hậu người Việt tại SNG Phùng Thị Mỹ. |
Trong dịp công tác tại thành phố Vũng Tàu, tôi tìm gặp Phùng Thị Mỹ. Cũng hồi hộp lắm, hơn 12 năm rồi, không biết nàng hậu ngày xưa giờ thế nào? Mỹ hẹn tôi đến nhà nhưng không nói rõ số nhà, chiếc taxi chở tôi chạy vòng quanh những khu chung cư cũ, tôi cố tìm căn biệt thự mà theo mình nó xứng với ngôi vị Hoa hậu của Mỹ nhưng không thấy. Rồi Mỹ xuất hiện ở chân cầu thang một chung cư cũ, dáng cao, thanh thoát, chiếc váy hoa mềm đơn giản. Chắc nhìn thấy vẻ ngỡ ngàng trong mắt tôi, Mỹ cười: “Chị không nghĩ em sống ở đây đúng không?”.
Chúng tôi leo thang bộ lên tầng chung cư, căn hộ của vợ chồng Mỹ nhỏ xinh tít tận tầng cao. Chồng Mỹ cùng hai con nhỏ ra đón ở cửa. Ai cũng cười hết cỡ như thể đón người thân lâu lắm mới đến nhà. Bữa cơm chiều tiếp tôi có thêm 4 người bạn của chồng Mỹ cùng học ở Nga và làm ở Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro. Họ vừa từ giàn khoan trở về mang theo những câu chuyện của sóng, gió biển và rồi cuộc chuyện với tiếng cười không ngớt quay trở lại ký ức thời thanh xuân sôi nổi mà họ cùng nàng hậu học ở Nga.
Phùng Thị Mỹ sinh năm 1988, học Trường đại học Nông nghiệp Nga mang tên Timiryazev. Nhiều người hỏi Mỹ, sao chọn học nông nghiệp mà không phải ngành khác theo xu thời. Mỹ kể, cô thích nghề dạy học, đỗ thủ khoa Khoa Sư phạm của Đại học Vinh. Sau đó, cô được Nhà nước cử đi học ngành nông nghiệp tại LB Nga theo diện Hiệp định. Từ bé cô đã mơ ước trở thành Hoa hậu, nên đã tham gia cuộc thi để thực hiện ước mơ của mình.
Khi về Việt Nam tham gia vòng chung kết, cô có chút lo lắng vì khả năng tài chính có hạn và cũng không có các quan hệ để kết nối với các nhà thiết kế tài trợ trang phục. Duyên cớ đưa Mỹ gặp tôi. Nghe Mỹ kể hoàn cảnh, tôi đã đưa Mỹ đến gặp nhà thiết kế Anh Thư (thương hiệu áo dài Ngân An). Anh Thư đã cho Mỹ thử tất cả các trang phục mà cửa hàng có và cô đã chọn được cho mình một va li to. Số áo dài, váy, đầm ấy do nhà thiết kế Anh Thư tài trợ đã giúp Mỹ có những khoảnh khắc và những bức hình đẹp tại vòng chung kết.
Mỹ chia sẻ, khi giành vương miện Hoa hậu tại Nga, cô luôn bị áp lực về việc mình phải đẹp và thành công. Nhưng sau này và nhất là giai đoạn bây giờ khi đã trải nghiệm nhiều hơn, có những lúc ngập trong nước mắt, tưởng chừng không gượng nổi, cô mới ngẫm ra không chỉ là Hoa hậu, mà phụ nữ nói chung nên yêu bản thân và làm cho mình tươi đẹp. Tuy nhiên, nếu chưa có đẹp và thành công thì cứ bình tĩnh sống, yêu và chấp nhận bản thân mình. Bởi lẽ, không hoàn hảo là đặc tính của cuộc sống, chính từ sự chấp nhận bản thân, bạn sẽ dễ dàng có được sự cân bằng để trải nghiệm và có được tinh thần tích cực để tiến bộ hơn trong cuộc sống.
Hoa hậu Phùng Thị Mỹ phát quà cho các em nhỏ vùng cao. |
Quay lại Nga sau Chung kết Cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt, Mỹ tham gia một số hoạt động cộng đồng người Việt tại Nga, Hội lưu học sinh tại Nga. Nhưng các hoạt động đó không quá sôi nổi, phần lớn thời gian cô dành hoàn thành khóa học và nhận bằng tốt nghiệp ngành Di truyền chọn giống cây nông nghiệp.
Giống như phần lớn cô gái, Mỹ luôn mơ về bạch mã hoàng tử và một tình yêu say đắm dành cho mình. Mối tình đầu tiên của một cô Hoa hậu nhanh chóng “gãy cánh”. Với trái tim chân thành, khờ khạo, kiêu hãnh và cực kỳ dễ tổn thương, chuyện tình cảm không thành đã gây cho Mỹ không ít muộn phiền.
Sau khi nhận bằng tốt nghiệp đại học, Mỹ trở về Việt Nam làm thủ tục xin học lên Nghiên cứu sinh. Mỹ chọn nghiên cứu sinh ngành vi sinh vật vì mong muốn cũng trồng được những sản phẩm nấm mỡ ngon như ở nước Nga. Thời gian về Việt Nam làm thủ tục Mỹ gặp kỹ sư Bùi Đức Hiến, cựu sinh viên trường khí ở Unfa, đang làm việc tại Việt Nam. Tình yêu đã nảy nở và cô bắt đầu một tình yêu xa với nhiều cảm xúc.
Yêu được gần 3 năm, Mỹ và Hiến kết hôn.Lúc đó Mỹ vẫn chưa hoàn thành bảo vệ luận án. 6 tháng sau cô mới hoàn thành và trở về Việt Nam sống cùng chồng và làm việc tại Trường đại học Bà Rịa Vũng Tàu từ tháng 9 năm 2015.
Cuộc đời luôn có những thử thách dành cho Phùng Thị Mỹ như món quà không mong muốn. Cô phát hiện có bệnh phải điều trị. Chồng cô đã không quản ngại vất vả, tiền bạc, dành cho cô điều kiện chữa trị tốt nhất. Mỹ khỏi bệnh sau một thời gian chữa trị dài. Đứa con đầu lòng được sinh sau ngày cưới 3 năm. Không hề đơn giản. Để có đứa con ấy, vợ chồng cô đã phải vật lộn, trải qua không ít thăng trầm.
Khi về Việt Nam, cô từng may một bộ áo dài, họa tiết màu trắng và tô điểm bằng những cành cây khô đâm nụ (họa tiết này màu đen). Cô nói rất thích chiếc áo này vì cảm giác như các họa tiết trên áo vẽ con người cô: rất đơn giản, chân phương, cơ thể lúc này không khỏe như nhánh cây khô, nhưng sự nỗ lực vươn mình luôn hiện hữu như nụ hoa kia vậy.
Mặc dù sức khỏe không tốt nhưng những năm tháng mới bước chân vào môi trường giáo dục cô miệt mài soạn bài và hết mình với sinh viên (vì là giảng viên non trẻ, do đó, mặc dù rất cố gắng, nhưng cô biết bài giảng của mình còn khiếm khuyết nhiều). Trong quá trình này, cô có đến một năm nghỉ không lương ở nhà chỉ để dưỡng thai, sinh con đầu lòng. Vì nghỉ suốt một năm, nên trở lại công việc cô làm việc như đã lâu chưa được làm việc vậy. “Em có một đặc tính là thích làm việc cơ quan, say mê và hết lòng với công việc”- Mỹ cười.
Phùng Thị Mỹ đứng tên một sản phẩm Đông trùng hạ thảo. |
Con đầu được gần 3 tuổi, thì bé thứ hai ra đời. Đó là một nàng công chúa. Mỹ thật sự mãn nguyện. Khi vất vả để có thai, giữ thai và sinh các con, Mỹ chỉ quan tâm làm sao để sinh con trọn vẹn. Nhưng khi đã đủ nếp đủ tẻ, hay còn gọi là “lập gia” xong, thì đâu đó tiếng gọi trong Mỹ vang lên hai chữ “lập nghiệp”.
Khi nhỏ, ngoài ước mơ trở thành hoa hậu, Mỹ cũng mơ trở thành một doanh nhân và tạo được một thương hiệu của riêng mình. Nên, tranh thủ thời gian ở nhà trông con nhỏ, cô đã bắt đầu tập kinh doanh các sản phẩm bổ dưỡng sức khỏe như Yến sào và Đông trùng hạ thảo lấy thương hiệu Phúc Gia. Các sản phẩm do chính cô gia công, chế biến để yên tâm về chất lượng.
Tưởng như công việc kinh doanh sẽ trái ngược với công việc cơ quan hiện tại, tuy nhiên, thực tế là ngược lại. Đứng tên một sản phẩm Đông trùng hạ thảo - kết quả của các nghiên cứu khoa học, cô thôi thúc mình dấn thân thêm vào khoa học... Cô khẳng định mình thích nghiên cứu và nuôi trồng Đông trùng hạ thảo vì thích cách giữ giống, huấn luyện giống để tăng cường hoạt chất, cải tiến khâu bảo quản sản phẩm.
Mỹ kể danh hiệu Hoa hậu có đem lại nhiều thuận lợi cho cô, vì đi đến đâu, mọi người đều nhớ đến và gây ấn tượng. Trong việc kinh doanh buôn bán, nhiều người biết đến cô và tin tưởng vào uy tín, nên chọn mua sản phẩm vốn dĩ thật giả lẫn lộn vì trị giá cao như Yến và Đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, cô không sống trong hào quang này mà luôn cố gắng và hết mình với công việc hiện tại. Và trong những lúc khó khăn nhất, gia đình luôn là điểm tựa để cô vượt lên.
Nghe chuyện của Mỹ, chồng cô và những chàng kỹ sư dầu khí vừa về từ giàn khoan nắng gió như sống lại thời thanh niên sôi nổi của họ. Với họ, Mỹ chưa khi nào là Hoa hậu mà đơn giản chỉ là cô sinh viên học giỏi, say mê nghiên cứu; một người vợ hết lòng vì chồng, con để chồng yên tâm công tác. Nhưng Mỹ cũng không chỉ thuần túy là người mẹ, người vợ của gia đình mà còn là một nhà nghiên cứu say mê khoa học. Cô luôn mơ ước có một môi trường nghiên cứu khoa học tốt hơn, đủ lớn cho những ước mơ của mình được thực hiện và cất cánh.
Chân dung ba nữ Tổng biên tập nữ quyền lực trong làng báo thế giới
Từ tháng 2, tờ Wall Street Journal được đặt dưới sự điều hành của nữ Tổng biên tập đầu tiên trong lịch sử 133 năm của tạp chí danh tiếng này.