Cha mẹ có rất nhiều nỗi lo lắng cũng như kỳ vọng với con cái, việc mất kiên nhẫn khi giao tiếp với trẻ là điều không thể tránh khỏi. Nhưng trong quá trình giáo dục con, nhiều phụ huynh không kiềm chế được lời nói, dẫn đến gây tổn thương cho trẻ.
Adele Farber, nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ từng nói: "Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh lời nói của bạn đối với cuộc đời của một đứa trẻ". Mỗi lời chúng ta nói ra, dù khen hay chê đều được các con coi là sự thật và in sâu trong lòng. Trẻ khuếch đại lời nói của cha mẹ và tiếp thu chúng như những đánh giá về bản thân mình.
Nghiên cứu cho thấy những phản hồi và khuyến khích tích cực có thể nâng cao lòng tự trọng và động lực của trẻ, khiến chúng sẵn sàng thử thách và đối mặt với khó khăn. Ngược lại, những lời nói, chỉ trích tiêu cực có thể khiến trẻ rơi vào trạng thái lo lắng, thiếu tự tin.
Nhiều người nghĩ lời nói thoảng gió bay, nhưng hãy nhớ lại xem, có phải đôi khi chính những người lớn chúng ta cũng mãi không quên được một câu nói tổn thương dù vô tình hay cố ý nào đó? Vết thương thể xác sẽ có ngày lành da, vết thương từ tinh thần đôi khi đeo bám mãi. Vì vậy, là cha mẹ, chúng ta phải nhận thức được quyền lực và trách nhiệm của mình.
Ảnh minh họa |
Thử đổi cách nói với con, cha mẹ sẽ nhận ra được sự thay đổi tích cực từ những đứa trẻ
Nhà văn và nhà giáo dục người Mỹ Whitman từng nói: "Có thể thiết lập tình bạn với con cái vào đúng thời điểm là thành tựu lớn nhất của bất kỳ bậc cha mẹ nào". Trên thực tế, trong tiềm thức, hầu hết chúng ta không đối xử với con mình như những cá thể bình đẳng. Việc thay đổi quả thực rất khó khăn nhưng trong mọi trường hợp, chúng ta có thể giúp đỡ con mình bằng cách dành cho chúng những lời động viên tích cực. Cha mẹ cũng có thể khiến con cảm thấy được chấp nhận và yêu thương bằng cách thấu hiểu và hỗ trợ.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường khó kiểm soát cảm xúc và giọng điệu của mình vì bận rộn và mệt mỏi. Vì vậy, cần luôn nhắc nhở bản thân lựa chọn ngôn từ một cách cẩn thận và tránh sử dụng những lời chỉ trích gây tổn thương hoặc so sánh không phù hợp.
Thử thay đổi cách nói với con, cha mẹ sẽ nhận ra được sự thay đổi rõ rệt và tích cực từ những đứa trẻ trong gia đình. Hãy tránh xa những câu gây tổn thương sau đây:
1. Kiểu như con thì làm nên trò trống gì?
Một câu nói chẳng khác gì xát muối vào tim nhưng lại là câu "cửa miệng" của nhiều gia đình. Trẻ có làm nên trò trống gì cho tương lai không thì cần có sự định hướng, sự tin tưởng, khích lệ của bố mẹ, người thân xung quanh. Nếu con bị chính bố mẹ - người thân thiết nhất coi thường và không tin tưởng thì chắc chắn trẻ sẽ chẳng có tâm trí để phấn đấu. Đặc biệt nghiêm trọng là sự coi thường của bố mẹ có thể khiến con từ một đứa trẻ ngoan ngoãn thành người hỗn láo, ngông cuồng và gây hại cho xã hội.
2. Con giống hệt bố/mẹ con
Những câu nói kiểu thế này hầu hết do các bậc làm cha mẹ trẻ đang có vấn đề gì đó bất hoà với nhau rồi sau đó trút giận lên trẻ. Việc này vừa khiến cho người bố hoặc mẹ và cả người con cảm thấy bị xúc phạm. Khi đó, người cha/mẹ vô tình đã đẩy con vào cuộc đấu tranh để chọn lựa, hoặc là theo phe bố hoặc là theo phe mẹ; trong trường hợp bố mẹ đã ly dị thì cảm giác của trẻ càng tồi tệ hơn.
3. Sao con không thể được như anh/chị con?
Câu nói này cũng tương tự như những câu hàm ý về sự so sánh đã nêu ở trên. Mỗi đứa trẻ sinh ra sẽ có một tính cách riêng, không thể áp đặt tính cách, ưu điểm của đứa này lên đứa khác được. Việc so sánh như thế sẽ gây tổn thương và ức chế tinh thần rất lớn cho trẻ, vô hình tạo ra khoảng cách giữa các con với nhau và tình cảm anh chị em trong gia đình cũng bị sứt mẻ.
4. Có gì đâu mà con phải sợ
Câu nói này hoàn toàn không thể an ủi cảm xúc sợ hãi của trẻ. Và một lần nữa, nó thể hiện bạn đang đánh giá thấp cảm xúc của con, khiến chúng nghĩ bản thân kém cỏi. Thay vào đó, hãy chia sẻ cảm xúc cùng con bạn, cho thấy bạn luôn ở bên cạnh chúng.
5. Tránh ra, cái này con chưa làm được
Khi con muốn giúp bố mẹ gấp một chiếc quần, chiếc áo, mẹ liền đuổi con ra và nói: "Không được, cái này con chưa làm được". Câu nói đã khiến ý thức muốn được lao động, muốn được thử thách điều mới mẻ, muốn được giúp bố mẹ của con… đều tan biến.
Thay vì hành động như vậy, hãy cầm lấy tay con, dạy con biết cách làm thế nào. Với cách này, con sẽ được trải nghiệm, có cảm giác mình đã làm được mà không gặp nguy hiểm. Đồng thời, khi vừa hướng dẫn con, bố mẹ còn có thể giải thích cho con vì sao phải cẩn thận.
6. Tại bố con đấy/Tại mẹ con đấy
Bạn đã bao giờ gặp một người không bao giờ có lỗi chưa? Bất kể trong hoàn cảnh nào họ cũng là nạn nhân, mọi chuyện là tại người khác hết, đối phương luôn là người sai. Những người này là chuyên gia đổ tội và chối tội, bạn sẽ chẳng bao giờ nghe thấy họ nói lời xin lỗi.
Khi cả nhà để quên đôi giày của con trên ô tô hoặc ở đâu đó, nhiều người có thói quen nói: "Tại mẹ/bố quên đấy". Như vậy, dù không cố ý thì người lớn cũng dạy trẻ thói quen đổ lỗi cho người khác. Và lần sau, mỗi khi có gì sai sót, trẻ sẽ buông ngay câu: "Tại bố/mẹ đấy". Điều quan trọng là dạy cho trẻ thói quen tự chịu trách nhiệm với hành động, biết cách quản lý đồ đạc của mình từ bé.
7. Nói nhiều quá, hỏi nhiều quá
Trẻ con hay nói, hỏi luôn miệng, nhiều khi cùng một câu hỏi mà con hỏi đi hỏi lại suốt mấy lần. Nhiều người không chịu được đã mắɴg con: "Hỏi nhiều quá, mẹ vừa trả lời rồi còn gì". Chính trẻ con cũng không biết tại sao lại muốn hỏi nhiều lần thế nhưng thái độ gắt gỏng của mẹ sẽ khiến bé sợ nói ra những suy nghĩ của mình vì sợ bị mẹ mắng.
8. Con ngoan, con học giỏi bố/mẹ mới yêu
Tình yêu của bố mẹ dành cho con mà gắn với điều kiện như vậy sẽ khiến trẻ hiểu nhầm rằng thành tích sẽ đổi được đồ chơi, quần áo và tình yêu từ bố mẹ. Trẻ luôn yêu bố mẹ vô điều kiện. Vì vậy, dù là trong lời nói, bố/mẹ cũng đừng bao giờ lấy tình yêu của mình ra làm điều kiện trao đổi. Tình yêu của bố mẹ không phải là đích để con vươn tới, nó phải là bàn đạp và bệ đỡ để con vươn tới thành công.
Tiết lộ 1 câu về tính cách của Leon, Hồ Ngọc Hà vô tình "lộ" cách dạy con không ai chê được một lời
Không nói quá khi gọi Hà Hồ là bà mẹ "kiểu mẫu" của showbiz Việt.