Chuyên gia tranh luận việc đếm ca mắc COVID-19 trong làn sóng Omicron

Một số chuyên gia cho rằng thay vì đếm số ca nhiễm, chúng ta nên tập trung vào các trường hợp nhập viện
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 trên Phố Wall, New York. Ảnh: AP
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 trên Phố Wall, New York. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, cuối tuần trước, Tiến sĩ Anthony Fauci tại Mỹ cho rằng với nhiều ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ít hoặc không có triệu chứng, tập trung vào số ca nhập viện sẽ quan trọng hơn nhiều so với việc đếm tổng số ca bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng đếm số ca mắc vẫn có giá trị.

Tiến sĩ Wafaa El-Sadr, Giám đốc ICAP, Trung tâm Y tế Toàn cầu tại Đại học Columbia, cho biết số ca mắc dường như không còn là dữ liệu quan trọng nhất hiện nay. Thay vào đó, bà cho biết ở giai đoạn này của đại dịch, đặc biệt là trong thời đại tiêm chủng, chúng ta nên chuyển trọng tâm vào việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong. Do đó, chúng ta chỉ cần đếm số ca nhập viện vì COVID-19.

Số ca mắc hàng ngày và những biến động là một trong những dữ liệu được theo dõi chặt chẽ nhất trong thời gian bùng phát COVID-19. Đây được coi là dấu hiệu cảnh báo sớm đáng tin cậy về các ca bệnh nặng và tử vong trong các làn sóng dịch bệnh trước đây. Tuy nhiên, việc kiểm đếm này từ lâu đã bị hoài nghi là biện pháp không hoàn hảo. Giới chuyên gia cho rằng một phần vì việc đếm số ca mắc này chủ yếu chỉ tính các trường hợp mắc bệnh được phòng thí nghiệm xác nhận, chứ không tính đến số ca nhiễm thực tế bên ngoài cộng đồng, con số chắc chắn cao hơn nhiều lần.

Người đàn ông được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại ở Quảng trường Farragut, Mỹ. Ảnh: AP
Người đàn ông được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại ở Quảng trường Farragut, Mỹ. Ảnh: AP

 Số trường hợp nhiễm COVID-19 ở Mỹ trong ngày 3/1 đã đạt ngưỡng 1 triệu ca, con số cao chưa từng thấy. Tuy nhiên, con số này có thể bao gồm cả các ca mắc báo cáo chậm trễ vào cuối tuần nghỉ lễ. Ngoài ra, số ca nhiễm tăng nhanh còn do nhiều người Mỹ đã đổ xô đi xét nghiệm trước các cuộc tụ họp vào kỳ nghỉ năm mới, yêu cầu xét nghiệm tại nơi làm việc, nhà hàng, rạp hát và nhiều địa điểm khác.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Ảnh: AP
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Ảnh: AP

Tuy nhiên, đếm số ca nhập viện cũng không phản ánh hoàn hảo về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Nhiều người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 nhưng không mắc bệnh nặng, vẫn phải nhập viện vì các vấn đề sức khỏe khác.

Theo dõi các ca nhập viện cũng có thể cho các bác sĩ thấy rõ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, cũng như năng lực của các bệnh viện trong việc đối phó với khủng hoảng. Điều đó có thể giúp giới chức y tế xác định nơi cần chuyển thiết bị và các nguồn lực khác.

Dù vậy, các chuyên gia y tế vẫn chưa sẵn sàng để bỏ đếm số ca mắc. Tiến sĩ Eric Topol, Giám đốc Viện Nghiên cứu Scripps cho biết: “Chúng ta không nên bỏ việc đếm số ca mắc, nhưng điều quan trọng cần thừa nhận rằng chúng ta chỉ nhìn thấy một phần của số ca mắc thực tế.”

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: AP
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: AP

Giáo sư Ali Mokdad tại Đại học Washington, cho biết cứ mỗi ca nhiễm mới được phát hiện, Mỹ lại đếm thiếu 2 trường hợp. Tuy nhiên, ông cho biết việc theo dõi số lượng kết quả xét nghiệm dương tính vẫn rất quan trọng khi Omicron đang lây lan nhanh chóng. Số ca mắc có thể chỉ ra những điểm nóng dịch bệnh trong tương lai và cho biết liệu làn sóng lây nhiễm đã lên đến đỉnh điểm hay chưa.

“Từ bỏ việc đếm số ca nhiễm giống như việc chúng ta đang đi trên một con đường mới mà không có chỉ dẫn. Một quốc gia sẽ đối phó với dịch bệnh như thế nào nếu chúng ta không biết đường cong dịch bệnh”, ông Mokdad nói. Ông cho biết nếu các xét nghiệm được coi là không còn quan trọng nữa, đó là vì Mỹ chưa thực sự giám sát ca nhiễm một cách nhất quán và đáng tin cậy.

Nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân COVID-19 đến phòng chăm sóc đặc biệt. Ảnh: AP
Nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân COVID-19 đến phòng chăm sóc đặc biệt. Ảnh: AP

Khi biến thể siêu lây nhiễm Omicron hoành hành trên khắp nước Mỹ, số ca mắc mới hàng ngày đã tăng gấp hơn 3 lần trong 2 tuần qua, đạt mức trung bình kỷ lục 480.000 ca. Nhiều trường học, bệnh viện và hãng hàng không đang phải vật lộn với số ca bệnh tăng vọt.

Trong khi đó, trong tuần trước, số ca nhập viện trung bình là 14.800 ca/ngày, tăng 63% so với tuần trước đó, nhưng vẫn thấp hơn so với mức kỷ lục 16.500 ca/ngày vào một năm trước, khi hầu hết người Mỹ chưa được tiêm chủng. Số ca tử vong đã ổn định trong 2 tuần qua ở mức trung bình khoảng 1.200 ca/ngày, thấp hơn nhiều so với mức cao nhất mọi thời đại là 3.400 vào tháng 1/2021.

Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng số ca nhiễm này phản ảnh hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong, thậm chí với cả Omicron. Họ tin rằng biến thể mới này gây bệnh nhẹ hơn so với các biến thể trước đó của virus SARS-CoV-2.

Hôm 4/1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ báo cáo rằng Omicron chiếm 95% các ca mắc mới ở nước này trong tuần trước. Đây là dấu hiệu cho thấy biến thể này có tốc độ lây lan nhanh đáng kinh ngạc.

Hải Vân/Báo Tin tức

theo TTXVN

Ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở Việt Nam ra viện

Ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở Việt Nam ra viện

Ngày 2/1, sau gần 2 tuần cách ly, theo dõi giám sát chặt chẽ và điều trị tại Bệnh viện 108, ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam đã được ra viện, theo SKĐS.