Chống nắng style xác ướp nghìn năm bọc trong kén vải |
Mà cũng có gì sai khi người ta phải đi tránh nóng? Siêu thị, trung tâm thương mại tự dưng thành chỗ tránh nóng tuyệt vời. Đỡ phải bật điều hòa ở nhà, tốn điện. Giá điện tháng sáu tăng đến mức ngã ngồi, gần gấp đôi. TP. HCM cũng như Hà Nội, dân tình hớt hải cầm hóa đơn thanh toán rồi nhao nhao nghi vấn nhân viên sở điện ghi sai chỉ số dùng điện, hoặc thiết bị điện kế ghi sai… Thắc mắc ấy rồi sẽ rõ khi qua tháng Bảy. Nhưng tháng Bảy, thì có tiết kiệm đến bủn xỉn, vẫn phải cố mua cái điều hòa bãi về cho gia đình, kẻo cả nhà mất ngủ sinh ra lắm chuyện. Không thì đem luôn cả bà (hoặc người giúp việc) và cả cháu (trẻ con chưa hết nghỉ hè mới tệ chứ) thả béng vào trung tâm thương mại nào tiện đường dễ đón. Thế là nhếch nha nhếch nhác trong cầu thang máy, ấn xuống ấn lên cho các cháu chơi, ăn bột. Các trung tâm thương mại và siêu thị cơ bản đã có bài đối phó tình trạng này, nghĩa là không đặt ghế ngồi. Nhưng không có ghế thì ngồi tạm đâu đó rồi lại đi, loanh quanh đợi bố mẹ về đón. Có ông bà già còn nghĩ cách tốt hơn, lên xe bus đến tận sân bay Nội Bài, chỗ ấy ghế thì nhiều, điều hòa mát, có ngủ gật cũng không sao. Tối lại lên xe bus về, coi như du lịch nghỉ mát. Tránh nóng như thế, kể cũng tội, nhưng sai thì dứt khoát không sai.
Rồi nóng, nên Hồ Tây bỗng nhiên rộn ràng như cái ao làng. Một bãi tắm thiên nhiên cho cả người và thú cưng. Nóng thì phải thế chứ sao? Phản cảm à? Phản cảm thì kệ chứ, nóng như thế lại muốn mỹ thuật với mỹ cảm! Thôi thì nam phụ lão ấu, già trẻ gái trai đủ loại, mặc sẵn đồ bơi hoặc chả cần đến đồ bơi nữa, cứ thế mà tự do cởi tuốt tuồn tuột bộ trang phục bên ngoài rồi lao xuống hồ. Thật là cả một triển lãm hình thể đông đúc không ai duyệt trưng bày. Chủ nghĩa tự nhiên lên ngôi, da thịt sồ sề phơi phới bày ra. Lực lượng chức năng có cấm, nhưng cấm thế nào được. Có nói đến sự mất an toàn hay mất vệ sinh khi tắm hồ cũng chẳng ý nghĩa gì. Nóng mà, nóng thì phải tắm, có gì sai?
Những hình ảnh phản cảm tại đầm sen |
Cái sai, không phải tại người ta hồn nhiên nhếch nhách nơi chốn đông người vào mùa nóng, mà tại thời tiết. Thời tiết gì mà cứ hơn 40 độ C. Tại thành phố, thành phố gì mà lắm bê tông và ít cây xanh thế? Tại thiếu bể bơi công cộng, thiếu công viên cây xanh điều hòa không khí, người dân đành thế chứ làm thế nào? Tại nhà nghèo không đủ tiền lắp điều hòa và trả tiền điện… tại nhiều thứ nữa, nên có quên mất là phải văn minh thanh lịch như người Thủ đô vào mấy ngày nắng, thì có gì là không đúng đâu.
Thật ra, người dân cũng chẳng quan tâm đến sự sai đúng. Bởi hỏi sai đúng là gì, thì câu trả lời của những vị có thẩm quyền nhiều khi… buồn cười lắm. Ví dụ câu của ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp HCM về bãi rác Đa Phước: “Năm nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các mùa nên sẽ có mùi hôi” chứ không phải vì bãi rác Đa Phước phía tây nam thành phố, nơi phải xử lý 5.000 tấn rác/ ngày (giá xử lý rác của nơi này cao hơn nơi khác, khoảng 21USD/tấn so với 18USD/tấn) bằng công nghệ chôn lấp. Công nghệ chôn lấp là hình thức xử lý rác rất cũ kỹ rồi, nên mặc dù nhận xử lý với giá cao, thì rác chưa xử lý vẫn cứ tồn đọng đấy, hôi thối tỏa ra chung quanh, mấy quận lân cận đều chịu đựng mùi bãi rác từ nhiều năm nay rồi. Ảnh hưởng biến đổi khí hậu đến mùi hôi của rác đúng là chuyện ngồi nói trong máy lạnh.
Bãi rác Đa Phước vẫn sử dụng công nghệ chôn lấp. (Nguồn: Nguyễn Thanh Liêm/TTXVN) |
Mà, quan chức ngồi phát biểu trong phòng máy lạnh kiểu như thế, nóng quá, ai dại gì đi thực địa, xưa nay vẫn là chuyện bình thường.
Người thì có gì sai.
Chỉ có nóng là sai !
Hàng ngàn hộ dân "khát nước", Đà Nẵng đề nghị 6 thủy điện ứng cứu
Suốt nhiều ngày nay, nhiều khu vực của Đà Nẵng bị cắt nước khiến cuộc sống của người dân cũng như khách du lịch đảo lộn.