Cô giáo khuyết tật được vinh danh trong Lễ trao giải thưởng Kova lần thứ 17

Do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, sức khỏe yếu, nên học tới lớp 9, chị Lê Thị Lan Anh đã phải dừng lại. Nhưng với đam mê và nỗ lực tột bậc, chị tự học tiếng Anh và đạt trình độ C. Từng mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo, chị đã truyền dạy kiến thức và nghị lực sống cho biết bao lớp học trò.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những nỗi đau và hệ lụy mà nó để lại vẫn còn đó. Rất nhiều gia đình phải gánh chịu nỗi đau của chất độc da cam, sức khỏe bị tàn phá, cuộc sống và hạnh phúc của biết bao người dân Việt Nam, tạo nên nỗi ám ảnh cho biết bao thế hệ. Và gia đình chị Lê Thị Lan Anh (thị trấn Xuân Mai - huyện Chương Mỹ - Hà Nội) là một trong số những gia đình không may, đang phải từng ngày gánh chịu ảnh hưởng của nỗi đau da cam ấy.

Bác Toàn - bố chị là thương binh hạng 3/4, từng chiến đấu ở chiến trường Nam Lào - Quảng Trị - Thừa Thiên và bị nhiễm chất độc da cam, bị ảnh hưởng từ khi còn trong bụng mẹ, nay đã 44 tuổi mà chị Lan Anh chỉ cao 1,3m và nặng chưa đầy 40 kg. “Lúc vợ bác hạ sinh thì Lan Anh có thân hình nhỏ bé lắm, chắc chưa được 2 kg. Chỉ có da bọc xương thôi, không cất nổi một tiếng khóc, thậm chí không đủ sức ngậm vào vú mẹ. Thân hình thì cong gập về đằng trước, chân tay nhỏ như chiếc que. Ngón tay thì 10 ngón co cứng không duỗi ra được. Mỗi lần cho con ăn là mỗi lần hai bác chỉ biết nhìn nhau ngậm ngùi không nói hết nỗi buồn. ai cũng nghĩ là con gái bác chẳng sống được mấy ngày, ai đến thăm cũng không cầm được nước mắt, đến đâu bác sỹ cũng lắc đầu, khuyên gia đình đưa con về, sống được ngày nào hay ngày đó…" - bố chị kể lại.

Chị Lê Thị Lan Anh vui vẻ chia sẻ: “Ngày bé chị ở cùng bà nội và đi học, chị cũng thuộc top có học lực khá ở trong lớp, năm lớp 4 được cô giáo cử là đại diện lớp đi thi viết chữ đẹp. Sang đến cấp II thì mọi chuyện bắt đầu xảy ra, sức khỏe giảm sút và chị bắt đầu ý thức được nỗi bất hạnh về sức khỏe của mình." Vì sức khỏe suy yếu, tưởng chừng không qua khỏi, chị chỉ theo học được đến lớp 9 thì buộc phải nghỉ học.

Đam mê ngoại ngữ, cuối năm 1996, khi sức khỏe có chiều hướng khá lên, chị xin bố mẹ cho đi học tiếng Anh. Bố chị đã gửi chị ra nhà bác ruột ở Hà Nội để học. Chị miệt mài học không kể ngày đêm, tranh thủ những khi sức khỏe khá hơn là học. Học được một năm thì sức khỏe của chị lại rơi vào tình trạng rất yếu… chị trở về nhà với vốn tiếng Anh được học cộng với việc mua thêm sách về tự học ở nhà, rồi đăng ký thi và được cấp chứng chỉ C tiếng Anh.

Chị Lê Thị Lan Anh trên lớp học tiếng Anh tại nhà. Nguồn: giaoduc.net.vn
Chị Lê Thị Lan Anh trên lớp học tiếng Anh tại nhà. Nguồn: giaoduc.net.vn

“Ngày đó, thời gian rảnh ở nhà chị phụ gia đình bán quán nước, một hôm chị hàng xóm biết chị học tiếng Anh dưới Hà Nội về đã dẫn con sang nhà nhờ dạy kèm môn tiếng Anh chị vui lắm và nhận lời giúp cháu”- chị Lan Anh chia sẻ.

Phụ huynh thấy con học hiểu và tiến bộ, “tiếng lành đồn xa” nhiều phụ huynh dắt con đến nhờ chị dạy học. Mặc dù hàng tháng vẫn phải đến bệnh viện điều trị, nhưng chị Lan Anh vẫn bám lớp.

Thời gian đầu chị dạy miễn phí, được khoảng gần 1 năm thì các phụ huynh đề nghị chị nhận một khoản tiền nhỏ gọi là chi phí điện, điều hòa … thế là chị đã làm ra tiền, đồng tiền từ niềm tin, niềm đam mê và lòng nhiệt huyết. Chị vui và thêm cố gắng hơn vì đã làm được điều gì đó cho cuộc đời, cho xã hội, phần nào đã giúp bố mẹ có thêm tiền thuốc thang cho mình.

Được sự động viên của gia đình, của mọi người, năm 2000 chị bắt đầu mở lớp dạy Tiếng Anh tại nhà. Nhiều học sinh của chị dạy đến nay đã thành đạt, trở thành phiên dịch viên, thầy giáo, cô giáo dạy ngoại ngữ.

“Có những ngày thay đổi thời tiết, bệnh xương khớp, bệnh dạ dày hoành hành, chân tay đau nhức, toàn thân ê ẩm, nhưng không vì thế mà chị cho lớp nghỉ, chị luôn suy nghĩ rằng học trò là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị” - Chị Lan An trải lòng.

Chị Lê Thị Lan Anh cùng các học trò trong lớp học tiếng Anh của mình. Nguồn: giaoduc.net.vn
Chị Lê Thị Lan Anh cùng các học trò trong lớp học tiếng Anh của mình. Nguồn: giaoduc.net.vn

Hiện tại chị Lan Anh đang dạy 6 lớp với khoảng 60 học sinh. Chị đang ấp ủ kế hoạch sẽ đi học thêm để nâng cao trình độ ngoại ngữ của bản thân.

Một cô giáo không có bằng Sư phạm, không có cuộc sống như những người bình thường nhưng luôn nghị lực vượt qua khó khăn để sống có ích cho xã hội, chị Lan Anh là tấm gương sáng về nghị lực sống, và đạo đức sống cho biết bao thế hệ học trò.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (bìa trái) trao Giải thưởng KOVA cho cô Lê Thị Lan Anh và 2 cá nhân khác ở hạng mục Sống đẹp. Nguồn: phunuvietnam.vn
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (bìa trái) trao Giải thưởng KOVA cho cô Lê Thị Lan Anh và 2 cá nhân khác ở hạng mục Sống đẹp. Nguồn: phunuvietnam.vn

Bằng những đóng góp của mình, mới đây 16/11 tại TP. Hồ Chí Minh, chị Lê Thị Lan Anh đã vinh dự là một trong 5 cá nhân được vinh danh ở hạng mục Sống đẹp trong lễ trao giải thưởng Kova lần thứ 17. 

Giải thưởng KOVA ra đời từ năm 2002 từ ý tưởng của Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch tập đoàn Sơn KOVA. Giải thưởng nhằm mục đích đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng thông qua việc khuyến khích nghiên cứu khoa học ứng dụng, lan tỏa những hành động nhân văn.

Ở hạng mục Sống đẹp, Giải thưởng KOVA được trao cho 5 cá nhân, có những hành động đẹp và truyền cảm hứng trong xã hội, trong đó có bà Nguyễn Ngọc Điểu ở Vĩnh Long với sáng kiến thành lập cơ sở phục hồi chức năng và hỗ trợ điều trị miễn phí cho trẻ bại não có hoàn cảnh khó khăn; luật sư Trần Thị Ngọc Nữ với nhiều năm liên tục đứng ra bảo vệ quyền lợi miễn phí cho nhiều trẻ em và phụ nữ yếu thế, bị xâm hại hay bạo hành; và bà Nguyễn Thị Xuân ở Bắc Ninh với hơn 30 năm chăm sóc và giúp đỡ cả về vật chất và đời sống tinh thần cho các bệnh nhân mắc bệnh phong...

Nhật Minh (t/h)

Cô giáo địu em bé ngủ suốt 3 tiết học

Cô giáo địu em bé ngủ suốt 3 tiết học

Anna Cissé - con gái GS Ramata Sissoko Cissé, tại ĐH Georgia Gwinnett (Mỹ) đã đăng hình ảnh mẹ mình vừa địu trẻ vừa giảng bài. Bức ảnh lập tức gây bão.