Cơ thể chúng ta luôn phát ra hào quang khi còn sống

Một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng tất cả sinh vật sống, bao gồm cả con người, đều luôn phát ra một ánh hào quang mờ nhạt cho đến khi chết.

Theo nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Calgary (Canada), hiện tượng này được gọi là phát xạ photon cực yếu (UPE - Ultraweak Photon Emission), xảy ra hoàn toàn tự nhiên mà không cần bất kỳ tác động bên ngoài nào.

Cơ thể chúng ta luôn phát ra hào quang khi còn sống

Từ lâu, các quan điểm huyền bí cho rằng con người được bao quanh bởi một "trường năng lượng" hay "hào quang". Giờ đây, giới khoa học đã ghi nhận một hiện tượng sinh học tương tự. Đây không phải là hiện tượng siêu nhiên, mà là sản phẩm của hoạt động trao đổi chất trong tế bào.

Cụ thể, khi tế bào sử dụng oxy để tạo ra năng lượng, thông qua quá trình chuyển hóa oxy hóa, các phân tử trong cơ thể sẽ phát ra một lượng nhỏ photon là những hạt ánh sáng cực nhỏ. Tuy nhiên, khác với hiện tượng phát quang sinh học có thể nhìn thấy bằng mắt thường, ánh sáng từ UPE có cường độ rất thấp và nằm trong khoảng phổ từ 200 đến 1.000 nanomet, hoàn toàn vô hình với mắt người.

Các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm trên chuột bằng cách đặt chúng vào phòng tối và sử dụng camera siêu nhạy để ghi hình. Kết quả cho thấy những con chuột còn sống phát ra ánh sáng mạnh hơn rõ rệt so với chuột vừa chết, cho thấy minh chứng trực tiếp về mối liên hệ giữa UPE và sự sống.

Hiện tượng tương tự cũng được ghi nhận ở thực vật. Lá cây phát ra ánh sáng yếu và hiện tượng này trở nên mạnh hơn khi cây chịu các tác nhân gây căng thẳng sinh học như biến đổi nhiệt độ, tổn thương hoặc tiếp xúc với hóa chất làm gia tăng sự phát xạ photon.

Những chiếc lá cũng phát ra ánh sáng, đặc biệt khi bị rách
Những chiếc lá cũng phát ra ánh sáng, đặc biệt khi bị rách

“Phát xạ photon cực yếu là hiện tượng phổ biến ở tất cả sinh vật sống. Nó không phải là biểu hiện của linh hồn, nhưng có thể được xem là dấu hiệu vật lý cho thấy sự sống đang hiện diện, và cũng sẽ vụt tắt khi sự sống kết thúc”, tiến sĩ Branimir Oblak, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Dựa trên phát hiện này, các nhà khoa học kỳ vọng kỹ thuật ghi hình UPE có thể được ứng dụng như một công cụ chẩn đoán không xâm lấn trong sinh học cơ bản và y học lâm sàng trong tương lai.

TM (theo Metro)

Kỳ lạ loài sâu bướm ăn thịt được mệnh danh là “kẻ sưu tập xương”

Kỳ lạ loài sâu bướm ăn thịt được mệnh danh là “kẻ sưu tập xương”

Loài sâu bướm quý hiếm này thường khoác xác côn trùng chết để xâm nhập và cướp mồi ngay dưới hàm của nhện.