Con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đặt tên đường tại Quảng Bình

Bà Võ Hồng Anh là là con gái đầu và duy nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhà cách mạng, liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái.

HĐND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Nghị quyết số 191, đặt tên mới cho 108 tuyến đường và đặt tên cho 8 tuyến đường kéo dài tại TP Đồng Hới. Trong đó tại xã Bảo Ninh có tuyến đường mang tên cố GS,TSKH Võ Hồng Anh, là con gái đầu và duy nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhà cách mạng, liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái.

Tuyến đường có chiều dài 630 m, rộng 32 m, điểm đầu giáp đường Võ Nguyên Giáp, điểm cuối giáp đường quy hoạch 36 m.

Con đường mang tên GS,TSKH Võ Hồng Anh 
Con đường mang tên GS,TSKH Võ Hồng Anh 

Bà Hồng Anh, sinh năm 1941, là con gái duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (em gái nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết hôn lần đầu với bà Nguyễn Thị Quang Thái vào năm 1933. Năm 1939, Võ Hồng Anh chào đời. Một năm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rời gia đình đi hoạt động cách mạng. Rồi bà Quang Thái bị Pháp bắt giam ở Hỏa Lò và hy sinh ở đó. Cho đến khi về tham gia Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ (tháng 4/1945), Võ Nguyên Giáp mới được nghe đồng chí Trường Chinh báo tin dữ. 

Sau khi mẹ hy sinh trong tù, bà Hồng Anh sống cùng bà nội ở quê, đến khi cách mạng thành công mới được gặp cha.

Bà Hồng Anh từng chia sẻ: "Khi ba tôi chia tay hai mẹ con để sang Trung Quốc thì tôi còn quá bé, chưa biết gì. Người đầu tiên gợi lại hình ảnh người cha trong tôi là bà nội. Điều bà nói nhiều nhất về ba với tôi là: Từ lúc ba tôi còn bé cho đến lúc đi hoạt động cách mạng, bà luôn tin những điều ba tôi làm… Vì thế trong suốt thời gian xa cách, tôi đã luôn nghĩ về ba với niềm tự hào thơ trẻ và tình cảm tin yêu gần gũi.

Mỗi khi tôi về nghỉ hè, ông thường lục lại những thư từ của mẹ cho tôi xem. Nhiều nhất là những bức thư ba mẹ tôi gửi cho nhau (cả từ trước khi cưới nhau) và những bức thư mẹ tôi gửi cho ông bà nội, cho chú Nho (em ruột ba tôi), cho bà ngoại và các cậu dì của tôi và cho tôi từ nhà tù Hỏa lò. Thư viết cho người lớn chữ lít nhít (vì bọn chúng chỉ phát cho mảnh giấy rất bé), viết cho tôi chữ to hơn. Trong thư, mẹ tôi dặn bà và chú: “Làm sao cho Hồng Anh sau này lớn lên không biết khổ mà chỉ thương người khổ”. Ban đầu, tôi giữ lại tất cả những bức thư đó.

Sau rồi, ba tôi bảo: “Để ba giữ, kẻo Hồng Anh giữ rồi đọc nhiều lại buồn”. Tôi không còn nhớ mặt mẹ nhưng qua những tấm ảnh, những bức thư, qua lời kể của ba tôi và những anh em, đồng chí của mẹ, qua những câu chuyện  của họ hàng, láng giềng ở quê, và bao trùm lên tất cả là một sợi dây thiêng liêng vô hình nào đó, hình ảnh của mẹ đã hiện lên trong tôi rõ nét và xác thực. Và  tôi đã cảm nhận được tình cảm thiêng liêng giữa ba và mẹ..".

Dù sống thiếu thốn sự chăm sóc của người mẹ và người cha phải lo việc nước, bà Võ Hồng Anh vẫn luôn kiên cường tự vươn lên thành một nhà khoa học tài năng. 

Năm 1954, Võ Hồng Anh sang Liên Xô và theo học trường Thiếu nhi Việt Nam Internat Moskva. Bà tốt nghiệp phổ thông vào năm 1959.

Sau đó, bà theo học ngành vật lý lý thuyết lượng tử tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov Moskva. Năm 1965, bà tốt nghiệp bằng đỏ (hạng ưu).

Con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đặt tên đường tại Quảng Bình

GS, TSKH Võ Hồng Anh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Năm 1969, bà bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Toán - Lý về lý thuyết Plasma. Từ năm 1969 đến 1971, bà làm cộng tác viên khoa học tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna - một cơ sở khoa học quốc tế có uy tín của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.

Năm 1972, bà về nước, làm việc tại Viện Vật lý Hà Nội. Ở đây, bà tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề về lý thuyết chất rắn.

Năm 1988, GS.TS Võ Hồng Anh là người phụ nữ đầu tiên của ngành Vật lý được tặng giải thưởng Kovalevskaia - giải thưởng cao nhất của Việt Nam về khoa học kỹ thuật dành cho các nhà khoa học nữ.

GS.TS Võ Hồng Anh là một trong những người được Bác Hồ yêu mến đặc biệt. Khi còn học tại Internat, mỗi lần sang thăm Liên Xô, Bác Hồ đều ghé thăm trường. Võ Hồng Anh được tập thể tín nhiệm viết và đọc lời chúc mừng Bác, kể cho Bác nghe về tình hình học tập, sinh hoạt của sinh viên Việt Nam tại Xô Viết. 

Khi được hỏi vì sao lại chọn học khoa học vật lý, một ngành khoa học khó áp dụng kết quả nghiên cứu đó ở Việt Nam thời điểm đó, bà nói rằng, bà lựa chọn là do có lần cha đã gợi ý. Có thể ban đầu là do gợi ý của cha nhưng về sau bà càng ý thức được rằng, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp, thành công trong khoa học. Rèn luyện nhân cách của bà cũng là một cách làm theo tâm nguyện mà bức thư của mẹ Nguyễn Thị Quang Thái từng nhắn nhủ:  "Hồng Anh phải không biết khổ, nhưng phải biết thương người nghèo khổ"…

Dù là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học và có trên 60 công trình khoa học được công bố, được nhiều giải thưởng, tuy nhiên bà từng thừa nhận răng: “Có lẽ tôi không thấy mình thích hợp với hai chữ “thành đạt””.

Những năm cuối đời, bà Hồng Anh dành nhiều công sức cho công việc ở Hội Khuyến học Việt Nam. Ngày 18/7/2009, GS.TS Võ Hồng Anh đã qua đời vì bệnh nặng. 

Thanh Mai/Tổng hợp

'Lạm phát phi mã' số lượng Thủ khoa và Á khoa thi tốt nghiệp THPT 2024, gấp 5 lần 2023 và 6 lần 2022

"Lạm phát phi mã" số lượng Thủ khoa và Á khoa thi tốt nghiệp THPT 2024, gấp 5 lần 2023 và 6 lần 2022

Trong số 115 Á Khoa, Thủ khoa các khối thi năm nay, Bắc Ninh chiếm gần 1/3.