"Con gái là người tình kiếp trước của cha" - hiểu thế nào cho đúng?

Mối quan hệ cha con bắt nguồn từ sự ngưỡng mộ và kính trọng, để so sánh như tình yêu nam nữ là điều khiến nhiều người thấy "bất hợp lý"

Thời gian gần đây, câu nói “Con gái là người tình kiếp trước của cha” đã không còn xa lạ với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều cô gái trẻ hay dùng câu nói này để thể hiện tình cảm gắn bó giữa cha và con gái, một sự gắn kết đặc biệt, như là kết quả của một thuyết luân hồi, hay là tình yêu từ tiền kiếp, để kiếp này cha không ngừng yêu thương và chăm sóc con gái mình. Nhiều ông bố trẻ cũng hay đăng tình ảnh gần gũi với con gái cùng với câu nói trên với ý nghĩa tương tự.

Cho đến nay, không ai biết chính xác câu nói này từ đâu, có tác giả cụ thể hay chỉ là câu truyền miệng mang tính ví von hoa mỹ, theo thời gian được sử dụng phổ biến hơn?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Để lý giải cho câu nói gây tranh cãi này, có người lý giải rằng ở đây, mối quan hệ cha và con gái được cho là nhân quả luân hồi kiếp trước-kiếp sau trong giáo lý nhà Phật: “Có thể người vợ ở kiếp này là người bạn chôn kiếp trước, tới trả nợ cho bạn. Đứa con trai kiếp này là chủ nợ của bạn ở kiếp trước, tới để đòi món nợ bạn chưa trả. Đứa con gái ở kiếp này, là người tình ở kiếp trước, tới vì tình cảm chưa dứt. Người tình kiếp này, là vợ chồng của kiếp trước, tới nối tiếp phần duyên phận chưa dứt...”. Đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra và câu nói trên là hoàn toàn có lý.

Cũng có người cho rằng câu nói này dựa theo thuyết Oedipus của nhà phân tâm học Sigmund Freud (1856 - 1939) muốn nói đến việc con gái thường gắn bó với cha hơn do sự bám luyến của giới tính. Tình yêu đứa trẻ dành cho đấng sinh thành khác giới cũng đồng nghĩa với sự ghen ghét mà nó dành cho đấng sinh thành đồng giới. Tuy nhiên đây chỉ là giải thích cho một hiện tượng khác, chứ không thể giải thích cho câu nói “Con gái là người tình kiếp trước của cha" nên kiếp này tiếp tục gắn bó được. Sigmund Freud đã từng đề cập đến việc con gái càng lớn càng hay mâu thuẫn với mẹ và có xu hướng thân thiết với cha. 

Xét về góc độ lý tính, mối quan hệ cha con vô cùng trong trẻo, thuần khiết, bắt nguồn từ sự ngưỡng mộ và kính trọng để so sánh như tình yêu nam nữ là điều khiến nhiều người thấy "bất hợp lý". Vì điều ấy đã vô tình làm mất đi sự trong sáng của tình cảm cha con vốn rất thiêng liêng, chưa kể là dễ làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý của đứa trẻ. Từ đó có thể khiến các bé có những suy nghĩ lệch lạc, thiếu tính chính xác về các mối quan hệ trong gia đình. 

Nhiều đứa trẻ do từ bé đã quấn quýt với bố, có những hành động thân thiết, nhìn bề ngoài có thể là đáng yêu nhưng khi lớn lên, nếu người bố không điều chỉnh và giải thích kịp thời sẽ gây ra tính chiếm hữu cho bé, ảnh hưởng đến những người xung quanh. 

Người bố đối xử với con gái như một "người yêu" khiến trẻ mất cảnh giác trước những cử chỉ âu yếm của những người lớn khác, vì trẻ cho rằng những hành động đó hoàn toàn là bình thường. Khi lớn lên trẻ không tạo ra lớp lá chắn cho mình, thay vào đó là đón nhận tất cả những cách cư xử tương tự dễ tạo ra tình huống xấu. 

Tình cảm giữa cha và con gái là sự gắn kết của sức mạnh ruột thịt còn từ "tình nhân", "người tình" lại là những từ ngữ thường được nhắc đến khi ám chỉ "người thứ ba", "người yêu". Những từ này dùng trong quan hệ yêu đương giữa nam nữ không có nền tảng hôn nhân, hoàn toàn không thích hợp để lý giải hay minh họa cho tình cảm cha con. Dùng tình yêu để lãng mạn hóa câu nói này sẽ vô tình làm mất đi sự trong sáng của tình cảm cha con vốn rất thiêng liêng này.

Tình yêu của con cái dành cho cha mẹ là tình yêu thiêng liêng và thuần khiết, cao đẹp. Cha mẹ luôn là một tấm lá chắn mạnh mẽ, dìu dắt con mình bằng tất cả sự thương yêu và chở che. Đó là tình cảm thiêng liêng và không thể so sánh với bất kỳ thứ tình cảm nào khác, dù là nam nữ. 

Dù yêu thương con gái đến mấy cũng cần phải có khoảng cách về giới với con, đừng làm lệch lạc mối quan hệ cha con, và ảnh hưởng đến nhiều bé gái bởi câu nói “Con gái là người tình kiếp trước của cha”. Những hành động âu yếm sẽ mang tới cảm xúc ấm áp, kết nối cho cả con cái và cha mẹ, nhưng phải phù hợp, và có tác dụng giáo dục, hướng đứa trẻ phát triển một cách đúng đắn, văn minh.

MC Thảo Vân cũng từng thẳng thắn nêu lên quan điểm của mình về câu nói này: “Tôi không thích cách nghĩ và cách nhìn nhận đó. Tình cha con là một thứ tình cảm thuần khiết, trong sáng và cao cả. Nó tuyệt đối không thể ví với một dạng tình cảm khác, kiểu tình cảm yêu đương đôi lứa. Làm sao có thể so sánh cách một người cha âu yếm con gái, yêu thương con gái mình lại giống như cách một người đàn ông âu yếm người yêu của mình được nhỉ, để mà nói “con gái là người tình kiếp trước của cha”? Bạn nghĩ xem, suy nghĩ ấy và cách nhìn nhận ấy thật đáng sợ! Trong con mắt của tôi, nó nhuốm màu loạn luân”.

Nhà tâm lý học Thụy Sĩ Carl Jung (1875-1961) cũng từng cho rằng, người cha chính là Animus của con gái. Animus là "cực dương" của phái nữ. Đó là phần hướng ngoại, sáng tạo và được cơ cấu về phương diện xã hội; đó là cực của lý trí và của tư tưởng, là chiều kích của tương lai. Tất cả còn tùy thuộc vào tính xác thực của lực hướng ngoại sáng tạo đó. Sự hình thành Animus tùy thuộc vào người cha hay cảm thức mà bé gái với cha mình. 

Phân tâm học cũng khẳng định, hình ảnh của cha ruột có sức ảnh hưởng rất lớn đối với tiêu chuẩn và quá trình lựa chọn bạn đời của con gái họ.

Những lý giải này cho thấy sự gắn bó mật thiết giữa cha và con gái không chỉ được hình thành trên mối quan hệ huyết thống, mà còn có cơ sở tin cậy, không thể đặt theo duy tâm như "kiếp trước", "kiếp này" để hình dung.

Thanh Mai

Mưa lũ gây ngập úng tại nhiều địa phương, gây thiệt hại trên diện rộng

Mưa lũ gây ngập úng tại nhiều địa phương, gây thiệt hại trên diện rộng

Dự kiến mưa vẫn còn tiếp tục trong những ngày tới, tình trạng ngập úng sẽ xuất hiện thêm ở nhiều khu vực, vì vậy người dân cần đề cao cảnh giác.