Không chỉ đơn thuần là những con búp bê gắn liền với tuổi thơ của các cô bé, búp bê khớp cầu "Ball jointed doll" vươn tầm thành một bộ môn nghệ thuật đòi hỏi người sưu tầm cũng như người sáng tạo đều cần có sự am hiểu và đam mê nhất định. Bởi, để làm ra một sản phẩm búp bê khớp cầu cần trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ và việc sở hữu một mẫu búp bê cho riêng mình cũng không hề đơn giản.
Cậu bé lớp 6 đắm say những mẫu búp bê ma mị
Nhắc đến nghệ thuật sáng tạo và sưu tầm búp bê khớp cầu tại Việt Nam, Bùi Thịnh Đa là một nhân vật tiên phong phát triển bộ môn này. Anh chàng sinh năm 2004, đang theo học ngành thiết kế đồ họa và theo đuổi đam mê sáng tạo búp bê khớp cầu Ball jointed doll.
Nói về đam mê của mình, Thịnh Đa chia sẻ, bắt đầu từ khi chỉ là cậu nhóc lớp 7, Đa đã mê búp bê khớp cầu. Khi đó Thịnh Đa tình cờ xem trên mạng và biết đến búp bê khớp cầu rồi ấn tượng và bắt đầu tìm hiểu từ đó.
"Ngay từ thời điểm đó, mẫu búp bê khớp cầu đã có giá rất đắt, vài triệu đến vài chục triệu cũng có, mức giá ấy nằm ngoài khả năng của mình. Nên mình đã dùng đất sét để nặn thử. Càng nặn, mình càng bị cuốn vào và luôn muốn làm cho đẹp hơn. Mẫu búp bê đầu tiên mình làm là vào năm lớp 7 nhưng đến năm học lớp 8 mới xong khuôn. Sau đó đến đầu năm 2021 mới có quần áo hoàn chỉnh", Thịnh Đa chia sẻ
Ngay từ năm lớp 7, Thịnh Đa đã xác định được phong cách búp bê khớp cầu mà anh chàng muốn theo đuổi. Đó là pop surrealism - trường phái siêu thực với những mẫu búp bê thiên về sự ma mị, bí ẩn. Đây cũng là phong cách khá kén chọn người chơi.
"Mình rất đam mê nghệ thuật thủ công và thích thời trang nên công việc là búp bê khớp cầu rất thú vị đối với mình. Búp bê có thể tạo được nhiều dáng khi chụp ảnh nên mình tha hồ sáng tạo và thiết kế trang phục, phụ kiện đi kèm. Tuy nhiên thời gian đầu, mình cũng bị ba mẹ phản đối khá nhiều" - Thịnh Đa chia sẻ.
Phá vỡ định kiến "đàn ông con trai lại mê búp bê như con gái"
Lúc đầu cha mẹ phản đối vì Đa là con trai nhưng tối ngày nặn búp bê. Nhưng dần dần Đa đã chứng minh cho bố mẹ hiểu búp bê khớp cầu không đơn giản là một món đồ chơi mà đó là một tác phẩm nghệ thuật. "Để tạo ra một mẫu búp bê, mình cần phải học hỏi về giải phẫu học, thiết kế thời trang, làm tóc, trang điểm, hiểu rõ về nguyên lý các khớp, làm giày và phụ kiện... Và bây giờ gia đình đã ủng hộ công việc của mình, nhiều khi lúc ba mình còn mua dụng cụ để giúp mình thuận tiện hơn trong công việc" - Thịnh Đa tâm sự.
Chưa dừng ở đó, để tìm hiểu về búp bê khớp cầu cũng như như công đoạn tạo thành, Thịnh Đa phải mày mò học từ các nguồn nước ngoài, bởi vì bộ môn này rất hiếm ở Việt Nam nên Đa không có cơ hội theo học bất kỳ một trung tâm hay từ một nghệ nhân nào cả.
Và giờ đây, chàng trai trẻ với tài năng, đam mê và nhiệt huyết của mình, đã sáng tạo ra vô số những mẫu búp bê khớp cầu, và kiếm hàng chục triệu đồng cho mỗi tác phẩm được tạo ra.
Những mẫu búp bê giá cả chục triệu, có thể thay đổi tư thế tạo dáng, nét mặt sống động như thật
Để tạo thành một sản phẩm búp bê khớp cầu, việc đầu tiên Thịnh Đa sẽ phát thảo ra giấy sau đó là nặn búp bê. Anh chàng sẽ cắt búp bê ra thành những phần riêng biệt rồi làm hệ thống khớp cho búp bê sau đó là công đoạn nung búp bê.
Quá trình tạo ra một mẫu búp bê khớp cầu. |
Tiếp theo Thịnh Đa sẽ trang điểm, lắp cái khớp, làm tóc, may quần áo và làm phụ kiện như giày dép... "Trung bình một sản phẩm búp bê mình làm mất 2 tháng, tuy nhiên có một vài mẫu bằng sứ thì sẽ mất hơn 3 năm để mình hoàn thành. Bởi vì sứ làm rất khó khi nung sứ sẽ co lại vô tình sẽ không khớp các khớp với nhau nên mình phải làm lại rất nhiều lần chưa kể đến những lần dung bị bể hoặc nổ nữa" - Thịnh Đa chia sẻ.
Búp bê mà Thịnh Đa làm ra sẽ chia làm 2 dạng đó chính là: Một là tác phẩm làm ra dựa theo cảm xúc và khi hoàn thành anh chàng sẽ đăng tải lên mạng xã hội để tìm người yêu thích mẫu đó. Mỗi mẫu búp bê đều là sản phẩm độc nhất. Hai là mẫu búp bê nhận theo yêu cầu nhưng rất giới hạn vì anh chàng chỉ chọn lọc nhận những ý tưởng phù hợp.
"Vì búp bê khớp cầu là tác phẩm thủ công nên thời gian hoàn thiện tối đa 2 tháng. Vì những tác phẩm ra mắt, mình phải hoàn toàn ưng ý nên mình phải lựa chọn ý tưởng cho thật sự phù hợp rồi mới bắt tay vào thực hiện" - Thịnh Đa chia sẻ.
Thịnh Đa bắt đầu đam mê làm búp bê từ năm lớp 6 nhưng dành thời gian để tìm hiểu sâu hơn là năm lớp 7 cho đến bây giờ. Hiện tại anh chàng có mở những buổi workshop để nặn búp bê.
"Cùng với khách trong nước, khách hàng của mình đến rất nhiều các quốc gia khác như: Mỹ, Ý, Nga... Tùy mẫu búp bê sẽ có giá phù hợp, tuy nhiên trung bình một sản phẩm hiện đang được bán với giá từ chục triệu đồng trở lên" - Thịnh Đa chia sẻ.
Fanpage Thông tin Chính phủ 4,5 triệu người theo dõi nhắc nhở về nạn cá độ bóng đá mùa Euro, netizens hứa chỉ xem bóng đá vì đam mê
Nạn cá độ bóng đá mùa Euro trở thành vấn đề nổi cộm được dân mạng quan tâm.