Nếu con nói với bạn rằng vừa rồi chúng làm bài thi không tốt, bạn sẽ trả lời con thế nào? Nhiều người la mắng, thậm chí đánh đòn con. Nhiều người chắc chắn an ủi con lần sau sẽ tốt hơn, nhưng trong thâm tâm không khỏi nghĩ: Kết quả này là do con không chăm chỉ và còn ham chơi quá! Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung lại có cách hành xử khác.
Anh chia sẻ, khi xem điểm thi của các con, trong khi Ri - con gái lớn điểm rất cao và đều các môn, thì Pu - con trai của anh lại có một vài điểm dưới trung bình. Vốn dĩ không phải là kiểu cha mẹ quan trọng điểm số của con cái, một vài điểm thấp không làm anh lo lắng hay bực bội với con.
Mỗi đứa trẻ có 1 kiểu thông minh khác nhau và nên nhìn nhận thêm những điểm mạnh của chúng để động viên, khuyên chúng cố gắng hơn cho học kỳ sau, thay vì la mắng và trừng phạt chúng. Và thật ra, khi 1 đứa trẻ có điểm thi dưới trung bình thì lỗi đầu tiên không phải thuộc về chúng nó mà thuộc về chúng ta - cha mẹ và thầy cô.
"Cha mẹ đã không sát sao theo dõi con hành trình cả học kỳ, không liên lạc đủ nhiều với thầy cô để nắm lực học của nó, cả Thầy cô cũng chủ quan và chưa đủ sâu sát để thông báo với cha mẹ về lực học của con trong suốt học kỳ qua những bài kiểm tra để có những biện pháp phụ đạo hoặc kèm thêm.
Một đứa trẻ có điểm thi học kì dưới trung bình, có thể không phải nó dở môn đó, mà là do nó mất căn bản, do nó không hiểu bài, nên đọc đề nó không hiểu, nó không hiểu thì tất nhiên không làm bài thi được. Vì vậy điều cơ bản đối với 1 người học sinh là phải hiểu và nắm được kiến thức, dù là sơ bộ, dù là cơ bản", nhạc sĩ nói.
Anh chia sẻ thêm: "Mình đã từng nói với con: "Cha không quan trọng điểm số, môn nào con giỏi thì cố gắng 9, 10, những môn khác chỉ cần 8, 7, 6 thậm chí 5 cũng được. Nhưng nhất định ít nhất phải là 5, nghĩa là Đạt! Chỉ cần Đạt thôi! Chỉ cần con hiểu bài và không bị mất căn bản là được!.
Có thể sẽ có nhiều cha mẹ tặc lưỡi: "Thôi kệ, học sao chả được, dù gì mấy điểm số cũng đâu ảnh hưởng đến công việc nó sau này! Cứ cho nó thoải mái đi!". Ừ đúng như vậy thật, mình cũng muốn con có tuổi thơ vui vẻ và thoải mái nên mới không quan trọng điểm số, nhưng mình lại rất quan trọng thái độ học tập và ý thức học tập.
Thái độ học tập nghĩa là đã học là phải nghiêm túc và tập trung, là phải có sự tìm tòi với những môn mình thích, và sự hiểu biết khái quát cơ bản tầm trung bình ở những môn mình không thích hoặc không giỏi. Ý thức học tập nghĩa là biết hoàn thành bài tập được giao, biết môn nào mình kém mình chưa hiểu để nhờ sự giúp đỡ từ thầy cô hoặc cha mẹ".
Điềm số của Pu |
Nhạc sĩ cho rằng, 2 điều đó rất quan trọng không chỉ trong việc học mà còn cho cả cuộc đời con sau này khi con đi làm việc. Làm bất cứ công việc gì, muốn thành công, muốn có thành tựu, hoặc đơn giản muốn kiếm được nhiều tiền hơn, cũng đều cần thái độ làm việc và ý thức làm việc.
"Vì vậy mình tự hứa, học kỳ sau mình sẽ tiếp tục rèn cho con thêm 2 điểm quan trọng này để con có thể tự học tập tốt hơn và có kết quả tốt hơn! Mình muốn giúp con có được suy nghĩ "Mình không giỏi môn đó, nhưng nếu cố gắng thêm 1 chút có thể khiến điểm số tốt hơn, tại sao mình lại không làm?"; "Nếu cố gắng thêm 1 chút có thể khiến cho cuộc sống mình tốt hơn, tại sao mình không làm?", tác giả "Nhật ký của mẹ" nói.
Cách ứng xử thấu tình đạt lý của nam nhạc sĩ được nhiều phụ huynh đồng tình. Nếu trẻ không làm tốt bài kiểm tra, cha mẹ không nên cố gắng khơi dậy sự chú ý của trẻ đối với điểm số thông qua sự tức giận của bản thân, và cũng đừng nên thể hiện sự thất vọng và buồn bã bằng những lời mỉa mai, châm biếm, đánh đập và mắng mỏ.
Mọi đứa trẻ đều khao khát trở nên xuất sắc trong các kỳ thi. Khi điểm số của trẻ không tốt đồng nghĩa với việc trẻ gặp vấn đề trong học tập, lúc này điều trẻ cần nhất chính là sự quan tâm, giúp đỡ của cha mẹ.
Cha mẹ phải nói với con rằng: Chúng ta tạm thời gặp khó khăn trong học tập, đừng nản lòng, vấn đề có thể giải quyết được, và cha mẹ sẵn sàng giúp con vượt qua khó khăn. Đôi khi đã nỗ lực rất nhiều nhưng kết quả lại trì trệ, trẻ dễ nghi ngờ năng lực học tập của bản thân, từ đó lung lay niềm tin, không muốn xông xáo. Cha mẹ phải nói với con cái rằng việc học không phải lúc nào cũng đi lên theo đường thẳng, và đôi khi gặp phải những nút thắt là điều bình thường.
Điều này cũng như chim hải âu trên biển vậy. Dù trông có vẻ không nhanh nhẹn nhưng "đường dài mới biết ngựa hay", chỉ cần kiên trì, tin tưởng vào con đường mình đã lựa chọn, kiên định với mục tiêu, cuối cùng sẽ gặt hái được thành quả.
Nếu con không trải qua một kỳ thi tốt, đừng vội nản lòng. Bạn phải kết hợp tình hình thực tế của con mình, xác định mấu chốt của vấn đề và chủ động có biện pháp đối phó.
Hơn 12 năm bị "ném đá" vì cho con gái sống sung sướng quá mức nhưng nhìn những bức ảnh này: Ai dám bảo David Beckham không biết dạy con?
Dù hay bị công chúng soi mói nhưng thực tế, David Beckham là ông bố ấm áp và có nhiều điều đáng học hỏi về cách dạy con.