COVID-19 chiều 26/9: Việt Nam không có ca nhiễm mới, cảnh giác nguy cơ từ người nhập cảnh

Cập nhật lúc 18h ngày 26/9, Việt Nam không có thêm ca nhiễm COVID-19, tròn 24 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng.

Tính đến 18h ngày 26/9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Như vậy, Việt Nam đã tròn 24 ngày không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng.

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 999 bệnh nhân COVID-19 trong số 1.069 ca mắc.

Tính đến thời điểm này, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 4 ca. Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 5 ca. Số ca âm tính lần 3 là 13 ca.

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này chúng ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Tuy nhiên tại cuộc họp mới đây nhất, Ban Chỉ đạo  Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhận định tình hình trên thế giới cho thấy dịch bệnh ở nhiều nước đã bùng phát trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát, cách ly xã hội.

Người nhập cảnh là nguy cơ lây nhiễm lớn nhất

Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế ngợi khen, cách tiếp cận của Việt Nam với đại dịch COVID-19 mang lại hiệu quả cao với chi phí thấp. Nhiều chuyên gia từ các trường đại học trên thế giới đã nghiên cứu về cách thức Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19 khi Việt Nam đã sử dụng chiến thuật đơn giản nhưng hiệu quả và đang kiểm soát tốt dịch bệnh.

Tuy nhiên TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết trong thời gian tới Việt Nam có thể ghi nhận các trường hợp mắc mới từ các ổ dịch cũ hoặc lây nhiễm từ trường hợp nhập cảnh, đặc biệt khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, các chuyên gia cảnh báo, nguy cơ lây nhiễm lớn nhất từ đối tượng nhập cảnh hợp pháp, không thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, giám sát y tế.

  Bộ Y tế thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, giám sát y tế với đối tượng nhập cảnh. Ảnh:  Sức Khoẻ và Đời Sống

Bộ Y tế thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, giám sát y tế với đối tượng nhập cảnh. Ảnh:  Sức Khoẻ và Đời Sống

Do đó, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương xây dựng các phương án tổ chức cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm COVID-19 và cách ly theo dõi sức khỏe phù hợp đối với nhóm đối tượng nhập cảnh khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế. Thời gian tới, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ biên giới, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các đường dây đưa người nhập cảnh trái phép.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhận định, tình hình trên thế giới cho thấy dịch bệnh ở nhiều nước đã bùng phát trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát, cách ly xã hội. Công tác phòng, chống dịch sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi mùa đông sắp đến, điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus phát triển, lây lan. Tâm lý trong xã hội lại bắt đầu xuất hiện có sự chủ quan, lơ là sau khoảng 3 tuần chúng ta không ghi nhận ca nhiễm mới.

Mỹ cần kiểm soát COVID-19 trước khi cúm mùa đến

Trên thế giới, cập nhật lúc 18h00 ngày 26/9 trên toàn cầu có 32.800.963 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 994.253 ca tử vong.

Với 7.244.491 ca nhiễm và 208.447 ca tử vong, Mỹ vẫn đang là quốc gia có số người nhiễm nhiều nhất. Ấn Độ tiếp tục xếp thứ hai với 5.908.748 người mắc và 93.440 người tử vong vì COVID-19. 

Quốc gia có diễn tiến dịch bệnh nặng tiếp theo là Brazil với 4.692.579 người mắc và 140.709 người tử vong. Nga hôm nay có 1.143.571 người mắc và 20.225 người tử vong. Colombia ghi nhận 798.317 người mắc và 25.103 người tử vong.

Nhiều ngày qua, Mỹ ghi nhận trung bình hơn 700 người tử vong vì COVID-19 và 40.000 ca mắc mới mỗi ngày. Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, cho biết ông muốn con số này phải giảm xuống dưới mức 10.000 ca mỗi ngày trước khi mùa cúm hằng năm diễn ra vào tháng 10 đang cận kề.

Liên minh châu Âu (EU) cũng báo động dịch COVID-19 ở một số nước thành viên đang tồi tệ hơn so với đỉnh dịch hồi tháng 3. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh EU (ECDC) chỉ rõ Tây Ban Nha, Romania, Bulgaria, Croatia, Hungary, CH Czech và Malta là những nước đặc biệt “gây lo ngại”. Theo ECDC, 7 nước trên đã ghi nhận tỷ lệ gia tăng các ca nhập viện cũng như biến chứng nặng vì COVID-19 ở người già. Số ca tử vong cũng có xu hướng gia tăng.

(Tổng hợp)

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương