COVID-19 chiều 27/1: Đã 57 ngày Việt Nam không có ca nhiễm trong cộng đồng

Cập nhật lúc 18h ngày 27/1, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Việt Nam hiện có 1.551 bệnh nhân.

Như vậy, Việt Nam đã trải qua 57 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Trong số 1.551 ca mắc COVID-19 có 35 ca tử vong và 1430 ca chữa khỏi.

Nữ công nhân ở Hải Dương dương tính SARS-CoV-2 khi đến Nhật Bản

Thông tin từ Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo, TP. Chí Linh (Hải Dương), ông Vũ Duy Đăng cho biết, chiều 26/1, chính quyền xã nhận được thông báo về 1 nữ công dân sinh sống trên địa bàn có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đáp chuyến bay tới Nhật Bản vào ngày 27/1, theo TTXVN.

8990213228258192408458428557824484487200768n-158427292246225489318.jpg
Ảnh minh họa

Chính quyền xã nhanh chóng rà soát những người tiếp xúc với cô gái này và xác định có 16 người F1 được đưa đi cách ly tập trung và lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm, cũng như phun tiêu độc khử trùng khu vực gia đình công dân này sinh sống.

Đồng thời liên hệ với Ban Quản lý khu công nghiệp Cộng Hòa (phường Cộng Hoà (TP. Chí Linh) để xác định các trường hợp tiếp xúc gần – đây là nơi bệnh nhân làm việc trước khi xuất cảnh.

Tình hình dịch bệnh thế giới

Cập nhật lúc 18h ngày 27/1, toàn cầu có 100.907.153 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2.169.285 ca tử vong.

Mỹ vẫn đang là quốc gia có số người nhiễm nhiều nhất, với 26,011.222 ca nhiễm và 435.452 ca tử vong. Ấn Độ xếp thứ hai với 10.690.279 người mắc và 153.751 người tử vong. 

Tiếp theo là Brazil với 8.936.590 người mắc và 218.918 người tử vong. Nga đã lên đến 3.774.672 người mắc (tăng thêm 17.741 ca trong 24h) và 71.076 người tử vong. Anh với 3.689.746 người mắc và 100.162 người tử vong.

Anh chính thức vượt qua mốc 100.000 ca tử vong do COVID-19

Bước sang ngày 27/1, Anh cũng chính thức vượt qua con số 100.000 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Con số này còn vượt qua số người Anh thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

images1559684_1.jpg
Ảnh minh họa

Trụ sở Hiệp hội Y học ở Anh ở thủ đô London đã dùng máy chiếu phát lên tường thông điệp tưởng nhớ những người đã bị dịch bệnh cướp đi mạng sống, theo TTXVN. 

Hiện tốc độ lây nhiễm dịch bệnh tại Anh vẫn đang ở mức cao, đặc biệt là sau khi ghi nhận biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Trước con số thiệt mạng tăng cao, nhiều người dân đang tỏ ra bất bình và giận dữ trước cách ứng phó với dịch bệnh của chính phủ.

Nhiều nước nghèo không được tiếp cận rộng rãi với vaccine COVID-19

Các chương trình tiêm chủng vaccine phòng dịch COVID-19 ở Trung Quốc và Ấn Độ sẽ kéo dài đến cuối năm 2022 do quy mô dân số của 2 nước này quá lớn, trong khi hơn 85 quốc gia nghèo sẽ không được tiếp cận rộng rãi với vaccine COVID-19 trước năm 2023, theo kết quả nghiên cứu do Economist Intelligence Unit (EIU) - bộ phận phân tích và nghiên cứu thuộc Economist Group - tiến hành và công bố ngày 26/1.

Theo báo cáo trên, việc cung cấp vaccine cho các nước nghèo thông qua Cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, một sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có thể bị chậm do việc ưu tiên phân phối cho các quốc gia giàu và cơ sở hạ tầng kém ở các nước đang phát triển.

Giám đốc của EIU, Agathe Demarais cảnh báo những quốc gia kém phát triển và có dân số trẻ hơn có thể mất động lực phân phối vaccine đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh lan rộng hoặc các chi phí liên quan quá cao.

Cũng theo bà Agathe Demarais, hầu hết các quốc gia ở châu Phi khó có khả năng triển khai tiêm chủng đại trà cho đến đầu năm 2023, trong khi người dân nhiều nước châu Á sẽ được tiếp cận với vaccine vào cuối năm 2022.

(Tổng hợp)

HOÀNG ANH