COVID-19 sáng 3/4: Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới, thế giới trên 130 triệu ca bệnh

Theo thông tin Bộ Y tế sáng 3/4, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm từ đầu dịch đến nay là 2.620, và chữa khỏi khỏi 2.383.

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/1 đến nay đang dừng ở con số 910, ghi nhận ở 13 tỉnh thành, chủ yếu là Hải Dương với 726 bệnh nhân. 

Cả nước đã bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh, hầu hết các tỉnh qua hơn 1 tháng không có ca nhiễm mới. 

Theo Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia tính đến ngày 2/4 Việt Nam đã tiêm chủng COVID-19 cho 52.091 người.

unnamed.jpg
Việt Nam ghi nhận 3 ca nhiễm COVID-19 mới là người nhập cảnh. 

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 3/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 130.779.425 ca, trong đó có 2.849.609 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 105.378.069 bệnh nhân được điều trị khỏi và 96.392 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 2/4, thế giới có tới 134 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 103 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.

Mỹ hiện vẫn đứng đầu thế giới cả về số ca nhiễm với 31.308.949 ca mắc và số ca tử vong là 567.487. Brazil đứng thứ hai với 12.910.082 ca nhiễm và 328.206 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ ba với số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 12.391.129 và 164.141.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ ngày 2/4 cho biết, nước đã cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho  101.804.762 người - tương đương hơn 30% dân số Mỹ.

Theo số liệu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật, gần 58 triệu người trong tổng số hơn 100 triệu người nói trên đã được tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19, theo chế độ 1 liều duy nhất hoặc 2 liều. Hơn 50% trong số đó là những người từ 65 tuổi trở lên.

 Tổng thống Biden hồi tuần trước đã cam kết, rằng khoảng 90% người Mỹ trưởng thành sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước ngày 19/4.

Trong khi đó, Châu Âu đang đối mặt với làn sóng dịch mới với sự gia tăng số ca lây nhiễm rất đáng lo ngại.  WHO đã phát đi cảnh báo cao đối với Châu Âu về việc chậm trễ tiêm vaccine COVID-19 “đến mức không thể chấp nhận được”.

HẢI MY