Hiện, Việt Nam hiện có tổng cộng 1059 ca nhiễm COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca nhiễm mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 375 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 80.113 trường hợp.
Như vậy, đến nay đã tổng số 1.957 ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam. Trong đó có 35 ca tử vong, 1.465 ca đã được chữa khỏi. Trong số các bệnh nhân trong đợt dịch mới này chỉ có 1 bệnh nhân nặng, 3 bệnh nhân phải thở oxy, 20 bệnh nhân có diễn biến bệnh cảnh lâm sàng.
Xét nghiệm COVID-19 ngay trong đêm cho toàn bộ cư dân tòa nhà 88 Láng Hạ
Đêm 4-2, ngay sau khi Sở Y tế Hà Nội thông tin có thêm một trường hợp mắc COVID-19 mới tại tòa nhà Chung cư 88 Láng Hạ (bệnh nhân V.H.H, nữ, 46 tuổi, địa chỉ ở P2104B), Trung tâm Y tế quận Đống Đa đã tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm đối với toàn bộ cư dân trong tòa nhà.
Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Đống Đa, trong đêm, đơn vị tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho gần 1.700 trường hợp. Để bảo đảm tiến độ, ngoài huy động lực lượng tại chỗ của quận, còn có sự hỗ trợ của đội ngũ y tế huyện Thanh Trì.
Thế giới vượt hơn 105 triệu ca nhiễm, vaccine COVID-19 có hiệu quả tại Anh
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 5/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 105.339.739 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2.291.183 ca tử vong và hơn 77 triệu ca hồi phục.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ. Đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận thêm 93.099 ca măc mới nâng tổng số ca nhiễm lên 27.244.136, trong đó có 2.803 ca tử vong.
Tiếp đó là Ấn Độ với 11.708 ca nhiễm mới, tổng cộng có 10.002.831 ca bệnh.
Brazil đứng thứ 3 khi nước này ghi nhận thêm 1.203 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 9.286.256 ca.
Tại châu Âu, do đà tăng số ca lây nhiễm chưa có dấu hiệu chững lại khiến châu lục này điêu đứng vì chưa thể nới lỏng được các biện pháp phong tỏa.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cho biết có một số "dấu hiệu hy vọng", nhưng số ca nhiễm mới theo ngày vẫn quá cao để có thể xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Về tình hình vaccine COVID-19, các nhà khoa học tại Đại học Oxford (Anh) vừa tiết lộ việc triển khai chủng ngừa vaccine của Anh có thể đã bắt đầu ngăn chặn virus lây lan. Họ nhận thấy nguy cơ lây nhiễm ở những người được tiêm vắc xin Oxford - AstraZeneca giảm tới 67%.
Như vậy, những người được tiêm không chỉ có ít nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong mà còn được bảo vệ chống lại việc nhiễm virus và truyền cho người khác.
Nghiên cứu cũng cho thấy vaccine thực tế một liều tiêm có hiệu quả 76% từ 22 đến 90 ngày sau khi tiêm. Con số này giảm xuống còn 55% khi tiêm liều thứ 2 chưa đầy 6 tuần sau đó. Nhưng hiệu quả tăng vọt lên 82% khi 2 lần tiêm cách nhau 12 tuần hoặc hơn.
Cùng với đó, Malaysia thông báo sẽ hoàn tất chương trình tiêm vaccine COVID-19 vào tháng 2/2022, với 80% trong tổng dân số 32 triệu người được tiêm. Bên cạnh đó, lô vaccine đầu tiên của Pfizer/BioNTech sẽ được chuyển tới nước này vào ngày 26/2 tới, bao gồm 25 triệu liều của Pfizer và 18,4 triệu liều các loại vaccine khác do Viện Nghiên cứu Gamaleya của Nga và công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất.
Trong khi đó, lô vaccine phòng COVID-19 Sputnik V đầu tiên của Nga ngày 4/2 đã tới Iran.