Việc VĐV Lò Thị Thanh bị từ chối HCB do sử dụng giày không đúng quy định có thể khiến nhiều người hâm mộ ngạc nhiên. Tuy nhiên, đây không phải là một vấn đề mới trong điền kinh.
Lò Thị Thanh và đôi giày phạm quy khiến cô bị từ chối HCB ở đường chạy 10.000m nữ/ Ảnh: TTVH |
Việc gia tăng các đôi giày công nghệ cao trong những năm gần đây đã được ví như là một cuộc chạy đua vũ trang trong điền kinh, đồng thời cũng được cho là nguyên nhân chính dẫn giúp các vận động viên vượt tốc trên đường đua. Tất nhiên, kéo theo nó sẽ có cả những tranh cãi.
Trong lịch sử chạy marathon, việc hoàn thành đường đua 42,195km trong thời gian ít hơn 2 giờ vẫn được coi là điều không tưởng. Năm 2015, kỷ lục thế giới chạy marathon thuộc về VĐV Kenya Dennis Kimetto với thời gian 2:02:57. Tại Olympic London 2016, VĐV Eliud Kipchoge đã giành HCV với thành tích chỉ kém người đồng hương Kimetto vài giây là 2:03:05.
Vận động viên Eliud Kipchoge lập kỷ lục chạy marathon dưới hai giờ nhưng không được công nhận chính thức. Ảnh: Kamran Jebreili, AP |
Năm 2016, Nike đã bắt tay vào một dự án lớn mang tên Breaking2 với mục tiêu hỗ trợ các VĐV phá vỡ giới hạn 2 tiếng. Kipchoge là một trong các VĐV tham gia dự án này. Đó là thời điểm Nike cho ra mắt các “siêu giày” với mục đích hỗ trợ các VĐV nâng cao thành tích. Năm 2019, Kipchode tham gia thử thách “Ineos 1:59” tại Vienna (Áo) - một thử thách để các VĐV phá vỡ cột mốc 2 tiếng. Tại đây, anh đã hoàn thành đường đua với thời gian 1:59:40 cùng chiếc giày thử nghiệm công nghệ cao của Nike. Tuy nhiên, thành tích này đã dấy lên một cuộc tranh cãi và các nhà bình luận thể thao đã cho rằng chiến thắng của Kipchode là thành công của một thí nghiệm chứ không phải kỳ tích thể thao. Thành tích này không được chính thức công nhận và hiện tại, kỷ lục marathon thế giới vẫn là 2:01:39 do chính Kipchoge lập năm 2018 tại Đức. Kỷ lục này ở nữ là 2:14:04.
Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản được sự phổ biến của các siêu giày trong các cuộc đua đường trường. Tiến sĩ Bryce Dyer, một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thể thao thuộc ĐH Bournemouth (Mỹ), cho biết các đôi giày được làm từ polime cao su cùng với sợi carbon mang đến cho các vận động viên lợi thế rất lớn: “Chúng hấp thụ năng lượng của người chạy và sau đó trợ lực cho họ một phần năng lượng đó”. Đặc biệt, loại giày này có tính đàn hồi, đồng thời cũng hấp thu các lực đập giúp mọi người nâng cao khả năng chịu đựng khi chạy.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết những đôi giày làm từ sợi carbon mang lại hiệu quả năng lượng cao hơn khoảng 4%.
Những ưu điểm của đôi giày đã gây áp lực lên Liên đoàn điền kinh quốc tế về việc nghiêm cấm các vận động viên sử dụng các “siêu giày chạy bộ”, nhưng cuối cùng đề nghị này đã bị chối bỏ.
Tuy nhiên, năm 2020, Liên đoàn điền kinh quốc tế đã ra quy định chặt chẽ hơn: các vận động viên không được phép mang những mẫu thử nghiệm, chỉ sử dụng những sản phẩm đã ra mắt công chúng trong ít nhất 4 tháng.
Những năm gần đây, hàng loạt các kỷ lục thế giới trong điền kinh đều có liên quan đến các sản phẩm của Nike, khiến nhà sản xuất này được coi như đã mở đầu một “cuộc chạy đua vũ trang” về sản xuất giày công nghệ cao. Năm ngoái, nhà vô địch Olympic người Na Uy Karsten Warholm đã lên tiếng cho biết đối với anh, đối thủ nặng ký là vận động viên người Mỹ Rai Benjamin với đôi giày Nike của anh ấy. Karsten cho rằng những đôi giày đinh của Nike là “nhảm nhí” và đang làm mất đi sự uy tín của điền kinh. Nhà vô địch lo ngại người hâm mộ sẽ thắc mắc kết quả thi đấu liệu có phải là do tác động của giày hay không, tương tự như cách mọi người nghi ngờ ảnh hưởng ma túy sau các cuộc đua nhanh.
Nhà vô địch Karsten Warholm. Ảnh: Patrick Smith/ Getty Images. |
Không chỉ có Nike, các hãng giày thể thao cũng đua nhau vào cuộc với những đôi giày gia tăng hỗ trợ cho VĐV trên đường chạy.
Cựu chủ tịch bộ môn chạy đường dài của cơ quan quản lý thể thao Mỹ, đồng thời là người đại diện lâu năm cho các vận động viên, Bob Wood nhấn mạnh kết quả các đôi giày mang lại là lố bịch, những kỷ lục mới gần đây không xứng đáng bởi năng lực của họ không bằng những người giữ kỷ lục trước đây. Bob cho rằng nếu các vận động viên thế hệ trước cũng có những “siêu giày” như ngày nay thì họ cũng hoàn toàn chạy nhanh hơn.
Hiện tại, các vận động viên được phép sử dụng giày đinh có độ dày 20mm ở những nội dung chạy ngắn và chạy vượt rào đến 400m, giày đinh 25mm cho các nội dung 800m trở lên.
Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2022, một vài sửa đổi luật về giày thi đấu của Liên đoàn điền kinh quốc tế được thông qua như: các vận động viên có thể thi đấu bằng chân trần hoặc đi giày thể thao (giày phải tuân thủ tất cả các quy định đã được Hội đồng phê duyệt); giày không được chứa bất kỳ công nghệ "cảm biến hoặc thông minh" nào (không áp dụng cho việc sử dụng máy theo dõi nhịp tim); chú trọng trong việc tiến hành kiểm tra giày của các vận động viên - bầu chọn vai trò nhân viên kiểm soát mới; các đôi giày tự thiết kế phải tuân theo quy định;...
Những quy định liên quan đến giày chạy vẫn được thay đổi và cập nhật liên tục, như tốc độ sản xuất giày mới vậy. Sau Thế vận hội mùa hè 2024 tại Paris (Pháp), quy định mới về giày thi đấu của Liên đoàn điền kinh quốc tế sẽ chính thức có hiệu lực, trong đó có việc thí sinh không được đi giày gồm cả đế và đinh dày hơn 20mm.
Vận động viên điền kinh Phạm Thị Hồng Lệ phải thở oxy sau khi về đích
Hình ảnh cô được dìu lên nhận huy chương khiến những khán giả có mặt tại lễ trao giải không khỏi xúc động.