Cuộc đời nữ cựu binh Việt Nam được tái hiện trong “Những thân thể nhiễm độc”

Vào tháng 11/2024, vở kịch “Những thân thể nhiễm độc” của nữ đạo diễn người Pháp gốc Việt Marine Bachelot Nguyen sẽ được lưu diễn tại Việt Nam

 Vở kịch “Những thân thể nhiễm độc” được thực hiện dựa theo chuyện đời của bà Trần Tố Nga - một phụ nữ Việt Nam suốt đời dấn thân vào nhiều cuộc chiến: Cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc, cuộc chiến bảo vệ nữ quyền, bảo vệ hệ sinh thái…“Những thân thể nhiễm độc” đã được công diễn tại Festival Avignon danh giá. Tác phẩm sân khấu này được lưu diễn tại Việt Nam bởi sự phối hợp tổ chức của Viện Pháp tại Việt Nam và đoàn kịch Lumière d’Août.

da cam - cảnh diễn Một cảnh diễn trong vở kịch “Những thân thể nhiễm độc”.
da cam - cảnh diễn Một cảnh diễn trong vở kịch “Những thân thể nhiễm độc”.

Bà Trần Tố Nga từng tham gia kháng chiến trong thời gian Mỹ gây chiến ở Việt Nam. Như rất nhiều nạn nhân khác, bà đã bị phơi nhiễm chất độc da cam của Mỹ. Gần đây, tại Pháp, bà dẫn đầu vụ kiện lịch sử chống lại các công ty hóa chất Mỹ, để làm rõ sự tàn phá của chất độc này đối với sinh vật và đất đai.

Câu chuyện trong “Những thân thể nhiễm độc” được kể đan xen với các phần trình diễn, văn bản, video, hình ảnh về cuộc đời của bà Trần Tố Nga. Vở kịch tái hiện hình ảnh những con người bị tổn thương và bị nhiễm độc bởi bi kịch lịch sử, nhưng luôn kiên cường đấu tranh.

Angélica-Kiyomi Tisseyre Sékiné là nữ diễn viên trẻ người Pháp gốc Nhật - Việt, thủ vai nhân vật Trần Tố Nga, đồng thời cũng là hiện thân của những tiếng nói khác: Tiếng nói của quá khứ, tiếng nói tại phiên tòa đang diễn ra... Vở diễn được kể ở ngôi thứ nhất, tái hiện nhiều mốc thời gian, độ tuổi khác nhau và cho khán giả thấy được sự khác biệt của từng thời kỳ. Khi tham gia vở kịch này, Angélica có cùng độ tuổi với nhân vật Trần Tố Nga thời chiến sĩ, cùng độ tuổi với rất nhiều thanh niên cùng bà gia nhập Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam.

Diễn viên trẻ Angélica-Kiyomi Tisseyre Sékiné đã hóa thân xuất sắc trong vai diễn tái hiện nhân vật có trong đời thực.
Diễn viên trẻ Angélica-Kiyomi Tisseyre Sékiné đã hóa thân xuất sắc trong vai diễn tái hiện nhân vật có trong đời thực.

Vở kịch này được trình diễn tại các nhà hát và sân khấu lớn nhỏ khác nhau, với hệ thống phối cảnh, video và ánh sáng cầu kỳ, nhưng vẫn giữ được sự trang nhã và tối giản. Các video được dựng bằng cách kết hợp những hình ảnh tư liệu xưa và nay. Phần hình ảnh trong các cuộc phỏng vấn bà Trần Tố Nga được chọn lọc kỹ để phù hợp với vai diễn của nghệ sĩ, mang lại nhiều cảm giác mới lạ cho vở kịch.

Trong các tác phẩm của mình, nữ biên kịch và đạo diễn Marine Bachelot Nguyen thường chú trọng khám phá mối liên kết giữa tiểu thuyết và tài liệu, sự giao thoa giữa cơ thể và chính trị, các câu hỏi về nữ quyền và hậu thuộc địa. Cô đã viết và dàn dựng các vở kịch: “Courtes pièces politiques” (tạm dịch: Tiểu phẩm chính trị) - 2006, “Artemisia Vulgaris” (Festival Mettre en scène 2008 - Liên hoan Đạo diễn 2008), “Histoires de femmes et de lessives”(tạm dịch: Câu chuyện về phụ nữ và việc giặt giũ) - 2009, “La femme ce continent noir...” (Người phụ nữ lục địa đen này) - 2010), “À la racine” (Nguồn cội) - Festival Mettre en scène 2011, “La place du chien” (tạm dịch: Vị trí của chó - phim sitcom về chó và hậu thuộc địa) - 2014.

Vở kịch “Les ombres et les lèvres” (tạm dịch: Bóng và môi - về Việt Nam LGBT) của cô được chương trình Hors-les-Murs của Viện Pháp và CNL tài trợ, sáng tác tại Théâtre National de Bretagne năm 2016. Năm 2018, Marine Bachelot Nguyen trở thành nghệ sĩ lưu trú tại Villa Sài Gòn (Việt Nam) và Grenoble để viết dự án Circulations Capitales của mình. Vở kịch này được sáng tác vào tháng 9/2019 tại Théâtre du Canal (Redon). Năm 2021, cô sáng tác vở “Akila, le tissu d’Antigone” tại THV (GO festival, CDN Le Quai).

Những kịch bản do Marine Bachelot Nguyen sáng tác đã được các đạo diễn tên tuổi như: David Gauchard, Charlie Windelschmidt, Anne Bisang, Alexandre Kitchevsky, Hélène Soulié dàn dựng.

Nữ biên kịch và đạo diễn Marine Bachelot Nguyen
Nữ biên kịch và đạo diễn Marine Bachelot Nguyen

Chia sẻ về quá trình thực hiện vở kịch “Những thân thể nhiễm độc”, Marine Bachelot Nguyen cho hay:“Tiểu sử và cuộc chiến pháp lý của bà Trần Tố Nga là chủ đề của nhiều bài báo cũng như một số video hay phim tài liệu gần đây. Là đạo diễn, mục tiêu của tôi là tạo ra một màn độc thoại truyền cảm và độc đáo, tái hiện xuyên suốt các thời kỳ, tạo cầu nối và những điều bất ngờ. Điều khiến tôi quan tâm không phải là bộ phim tiểu sử được thần thánh hóa, mà là cách cơ thể và tâm hồn của người phụ nữ này sẽ kể câu chuyện cho khán giả. Làm thế nào mà lịch sử và thế giới lại chảy trong cơ thể ấy, trong từng tế bào và cả trong trí tưởng tượng của bà. 

Vào mùa xuân năm 2019, khi đang viết vở “Circulations Capitales” (tạm dịch: Lưu chuyển ký ức) - hồi ký gia đình Pháp - Việt - Nga), tôi đã đọc cuốn “Ma Terre empoisonnée” (tạm dịch: “Mảnh đất bị nhiễm độc của tôi”) - tự truyện của bà Trần Tố Nga. Số phận đầy biến cố của người phụ nữ này đã làm tôi thấy rất ấn tượng và cảm động.

Đó là câu chuyện của một người đã sống qua suốt một thời kỳ lịch sử Việt Nam - từ một đứa trẻ trong cuộc chiến tranh giành độc lập đến một chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trải qua thời kỳ xây dựng chủ nghĩa cộng sản sau năm 1975, rồi sang Pháp sinh sống vào những năm 1990.

Những tư liệu phim về việc quân đội Mỹ rải chất độc da cam được đan cài trong các cảnh diễn khiến vở kịch thêm phần sinh động.
Những tư liệu phim về việc quân đội Mỹ rải chất độc da cam được đan cài trong các cảnh diễn khiến vở kịch thêm phần sinh động.

Giống như hàng triệu người dân khác bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam, ở tuổi nghỉ hưu, bà nhận thức được gốc rễ của các vấn đề sức khỏe của mình và bà đã tiến hành một cuộc đấu tranh mang tính lịch sử: Bà kiện khoảng 15 công ty hóa chất nông nghiệp của Mỹ, đòi họ phải chịu trách nhiệm về việc sản xuất chất độc gây ô nhiễm đất và ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua nhiều thế hệ. Bà yêu cầu bồi thường cho bản thân và cho các nạn nhân chất độc da cam khác.

Tháng 6/2019, Catherine Blondeau - giám đốc Nhà hát Grand T - mời tôi tham gia Festival Nous Autres, về chủ đề nam giới và nữ giới - thế giới. Tôi đã có một “người phụ nữ thế giới”. Thời gian trôi qua, nhưng câu chuyện về người phụ nữ này vẫn còn đọng lại trong tôi. Mùa hè năm 2020, Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã kêu gọi các nghệ sĩ gốc Việt tham gia vận động trực tuyến ủng hộ bà Trần Tố Nga và những nạn nhân chất độc da cam. Đây là cơ hội để tôi có thể gặp bà ấy lần đầu tiên. Cuối cùng, sau nhiều lần giãn cách xã hội, chúng tôi đã gặp nhau trò chuyện trực tiếp. 

Phiên tòa diễn ra vào tháng 1/2021 tại Tòa án Evry, với sự có mặt của đại diện các công ty bị cáo buộc. Ngày 10/5/2021, bản án được đưa ra: Tòa tuyên bố khiếu nại không được thụ lý và tuyên bố không có thẩm quyền xét xử. Luật sư của bà Trần Tố Nga lập tức kháng cáo và 5 ngày sau, bà Trần Tố Nga có mặt trên đường phố Paris để tuần hành chống lại hãng Monsanto-Bayer và các công ty hóa chất nông nghiệp, cùng với các nhà hoạt động trẻ khác. Vì thế, vụ kiện vẫn tiếp tục diễn ra.

Sự phản kháng của người phụ nữ này, trong suốt cả cuộc đời, để chống lại các thế lực thực dân, đế quốc và tư bản, đối với tôi, đó là một mẫu mực. Tiểu sử và các cuộc đấu tranh của bà giúp chúng ta có thể tiếp cận với các trang cơ bản của lịch sử đương đại, trong sự đan xen của các phương diện chính trị, kinh tế, con người và hệ sinh thái. Với sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, điều được coi là vụ diệt chủng sinh thái đầu tiên trong lịch sử đã xảy ra: Một tội ác chống lại sự sống, gợi lại các hoạt động tàn phá khác trong quá khứ và hiện tại. Điều quan trọng là phải liên kết cuộc đấu tranh vì sinh thái với lịch sử chính trị cũng như với nền kinh tế toàn cầu để có cái nhìn sâu hơn về những cội rễ các vấn đề hiện tại về mặt chính trị”.

Bà Trần Tố Nga hiện vẫn kiên trì theo đuổi vụ kiện các công ty sản xuất chất độc gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người bằng các cuộc tuần hành.
Bà Trần Tố Nga hiện vẫn kiên trì theo đuổi vụ kiện các công ty sản xuất chất độc gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người bằng các cuộc tuần hành.

Trở lại với nữ diễn viên và vũ công Angélica Kiyomi Tisseyre-Sékiné (người thủ vai nhân vật Trần Tố Nga): Vào năm 2015, cô theo học khóa 25 của Trường ERACM (Trường Đào tạo Nghệ sĩ tại Cannes và Marseille). Cô từng diễn trong vở “400 coups de pédale” của đạo diễn Alexis Moati và Pierre Laneyrie, vở “Anima” của đạo diễn Karim Belkacem, và vở “Prova d'Orchestra” của đạo diễn Mathieu Bauer. Cô còn là vũ công trong vở “Autophagies” của Massidi Adiatou và Bamoussa Diomande, trong vở “Cabaret Blaster et Bal Fiction” của Aurelien Desclozeaux và Vusi M'doyi và vở “The Carny” của Anne-Sophie Lancelin trong khuôn khổ của RIDC. 

Tài năng diễn xuất của Angélica Kiyomi Tisseyre-Sékiné khiến nhân vật trong vở kịch rất có hồn. 
Tài năng diễn xuất của Angélica Kiyomi Tisseyre-Sékiné khiến nhân vật trong vở kịch rất có hồn. 

Angélica là người đồng sáng lập LE BAIN Collectif và tham gia đóng trong “72 et le procès de Stammheim” (tạm dịch: 73 và vụ kiện của Stammheim), “73 on fabrique, on vend, on se paie: une histoire des usines LIP” (tạm dịch: 73, người ta sản xuất, bán, trả tiền: Câu chuyện của các nhà máy LIP), vở này từng lọt vào vòng chung kết trong cuộc thi kịch Théâtre 13 và giành giải thưởng Beaumarchais do Anouk Darne-Tanguille đạo diễn, hoặc trong sê-ri kịch “L'Edito”, lấy cảm hứng từ tin tức quốc tế. 

Trong đoàn kịch Mabel Octobre, cô tham gia diễn trong vở “Je passe” và “Disparus” (Tôi đi qua và biến mất) do Judith Depaule đạo diễn, cộng tác cùng với các nghệ sĩ thuộc đoàn kịch Atelier des Artistes en Exils. Cô biểu diễn cho Eva Doumbia trong vở “Badine” theo tác phẩm của Alfred de Musset, vở “Devoirs surveillés” (tạm dịch: Bài tập được theo dõi) - biểu diễn ở các trường THCS và THPT, vở “Autophagies” biểu diễn tại Festival Avignon năm 2021 và vở “Self-eaters” biểu diễn bằng tiếng Anh tại New York và ở New Orleans.

Từ trái sang: Diễn viên Angélica Kiyomi Tisseyre-Sékiné, bà Trần Tố Nga và nhà biên kịch - đạo diễn Marine Bachelot Nguyen.
Từ trái sang: Diễn viên Angélica Kiyomi Tisseyre-Sékiné, bà Trần Tố Nga và nhà biên kịch - đạo diễn Marine Bachelot Nguyen.

Cùng góp mặt thực hiện vở kịch “Những thân thể nhiễm độc” có: Julie Pareau (phần video và phối cảnh sân khấu), Alice Gill-Kahn (thiết kế ánh sáng, kỹ thuật), Pierre Marais (âm nhạc)… Đặc biệt, vở diễn còn có sự tham gia của bà Trần Tố Nga. 

Trong chuyến lưu diễn Việt Nam lần này, vở kịch “Những thân thể nhiễm độc” (dài 80 phút, có phụ đề Pháp - Việt) sẽ khởi đầu bằng đêm diễn tại sân khấu IDECAF (28 Lê Thánh Tông, quận 1 - TP. Hồ Chí Minh) tối 5/11 và tiếp đó, tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (TP. Đà Nẵng) ngày 9/11. Buổi diễn cuối sẽ diễn ra ở tối 15/11/2024, tại Trường Alexandre Yersin (44 phố Gia Thượng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên - Hà Nội). Khán giả cần lưu ý: Các buổi diễn chỉ dành phục vụ khán giả từ 15 tuổi trở lên.

Lê Quang Vinh

Tòa án Pháp bác vụ kiện lịch sử về chất độc da cam của bà Trần Tố Nga

Tòa án Pháp bác vụ kiện lịch sử về chất độc da cam của bà Trần Tố Nga

Bà Trần Tố Nga khẳng định “sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”, sau khi nhận thông tin sáng 10/5 từ văn phòng luật sư Bourdon rằng Tòa đại hình thành phố Evry (ngoại ô Paris) đã ra phán quyết không đủ thẩm quyền để xử vụ kiện của bà.