Đơn kiện của bà Trần Tố Nga về chất độc da cam bị tòa án Pháp bác bỏ

Tòa án Pháp phán quyết rằng đơn kiện của bà Trần Tố Nga chống lại 14 công ty là một đơn kiện "không được chấp nhận",

Ngày 10/5, tòa án Pháp đã ra phán quyết bác bỏ đơn kiện của bà Trần Tố Nga chống lại 14 công ty hóa chất đã sản xuất và bán chất độc da cam cho chính phủ Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Theo toà án, đơn kiện này là một đơn kiện "không được chấp nhận".

Năm 2014, bà đã đệ đơn kiện 14 công ty sản xuất hoặc bán chất độc da cam - trong đó bao gồm Monsanto, công ty hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Bayer (Đức), và Dow Chemical. Bà Nga yêu cầu các công ty phải chịu trách nhiệm về những tổn thương mà bà, con bà, và số số nạn nhân Việt Nam khác phải gánh chịu do chất độc màu da cam.

          Bà Trần Tố Nga. Ảnh: Julien Falsimagne.

Bà Trần Tố Nga. Ảnh: Julien Falsimagne.

Bà Nga là người Pháp gốc Việt, nguyên là phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng, thuộc Thông tấn xã Việt Nam, từng làm việc ở những vùng bị rải chất độc da cam nặng nề nhất như Củ Chi, Bình Long, đường mòn Hồ Chí Minh… trong giai đoạn 1966-1970.

Bà cho biết mình đang phải chịu ảnh hưởng của chất độc da cam, bao gồm bệnh tiểu đường loại 2 và một chứng dị ứng insulin cực kỳ hiếm gặp. Bà cũng cho biết mình đã mắc bệnh lao hai lần, phát triển thành ung thư. Bà có 3 người con gái, một người đã chết lúc mới sinh do dị tật tim, hai người còn sống được chẩn đoán mắc các bệnh lý về máu và da. 

Bảo vệ cho bà Nga là 3 luật sư, những người đã làm việc trong hơn 10 năm qua mà không nhận thù lao. Bà Nga cho biết quyết định khởi kiện "vì tôi hội đủ điều kiện để thực hiện một vụ kiện quốc tế trên đất Pháp, vì hơn bốn triệu nạn nhân da cam Việt Nam đang cần có một tiền án lệ, để tự họ có thể tìm ra con đường đấu tranh giành công lý cho chính mình".

Theo các tài liệu chính thức, quân đội Mỹ rải xuống hơn 80 triệu lít dioxin trong chiến trường ở Việt Nam. Hậu quả của nó đối với môi trường và trên con người được ghi nhận ngay từ thập niên 1960. Tuy nhiên các công ty bị kiện phản biện rằng bên duy nhất phải chịu trách nhiệm cho việc rải chất độc màu da cam là quân đội Mỹ, còn "các nhà cung cấp trong chiến tranh" không chịu trách nhiệm.

Cho đến nay, chỉ mới có các cựu binh ở Mỹ, Australia và Hàn Quốc được bồi thường vì hậu quả của loại hóa chất có độc tính được ước tính cao gấp 13 lần so với chất diệt cỏ thông thường như glyphosate.

Các cựu binh Mỹ, Australia và Hàn Quốc trước đây đã giành được tiền bồi thường do hậu quả của chất độc da cam.

Thanh Mai

Giá cả thực phẩm ngày 7/5: Trái cây được mùa nhưng rớt giá

Giá cả thực phẩm ngày 7/5: Trái cây được mùa nhưng rớt giá

Giá một số loại trái cây tiếp tục có xu hướng giảm từ nay cho đến tháng 5, thời điểm trái cây vào mùa thu hoạch chính.