Cựu Tổng thống quyền lực một thời của Zimbabwe, Robert Mugabe qua đời ở tuổi 95

Ông Robert Mugabe, cựu tổng thống quyền lực một thời của Zimbabwe trong hơn ba thập niên, đã qua đời ở tuổi 95.

Tin đồn liên quan đến sức khỏe của cựu Tổng thống Zimbabwe bắt đầu nổi lên vào đầu năm nay khi ông nhập viện nhiều tháng ở Singapore. Nguyên nhân bệnh tật của ông Mugabe là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ.

Ông Mugabe - người từng có tuyên bố "chỉ có Chúa" mới có thể loại ông ta khỏi vị trí quyền lực - đã bị phế truất trong một cuộc đảo chính vào năm 2017, khi các thành viên trong đảng của ông nổi loạn sau khi ông Mugabe phế truất Phó Chủ tịch Emmerson Mnangagwa để dành chỗ cho vợ mình, bà Grace.

Ông Mnangagwa, người trở thành Tổng thống tiếp theo của Zimbabwe, đăng trên Tweeter hôm 6/9: "Đây thật sự là nỗi buồn tột cùng khi mà tôi phải tuyên bố về sự ra đi của người sáng lập và cựu Tổng thống của Zimbabwe, ngài Robert Mugabe”.

Cựu Tổng thống Mugabe. Ảnh: AFP.
Cựu Tổng thống Mugabe. Ảnh: AFP.

"Ngài Mugabe là một biểu tượng của sự giải phóng, một người theo chủ nghĩa châu Phi đã cống hiến cả cuộc đời mình cho việc giải phóng và trao quyền cho người dân của mình. Đóng góp của ông cho lịch sử của đất nước và lục địa của chúng ta sẽ không bao giờ bị lãng quên. Nguyện cho linh hồn ông được yên nghỉ vĩnh hằng".

Từng được cộng đồng quốc tế coi là niềm hy vọng của đất nước Zimbabwe, ông Mugabe rời vị trí lãnh đạo với một di sản đáng lo ngại, khi ông tiến hành một chiến dịch trấn áp đầy bạo lực nhằm duy trì quyền lực, và đẩy quốc gia từng được gọi là trụ cột của miền Nam châu Phi vào cảnh nghèo đói.

Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị với tư cách là một nhà lãnh đạo trong công cuộc đòi độc lập của Zimbabwe, ở thời điểm đó được gọi là Rhodesia. Chính vì vậy, ông Mugabe thường được so sánh với cố lãnh đạo Nelson Mandela của Nam Phi, người đã dành cả cuộc đời mình đấu tranh cho tự do dân tộc.

Là một nhà lãnh đạo du kích, ông Mugabe đã đấu tranh chống lại sự cai trị của nhóm thiểu số người da trắng và phải ngồi tù nhiều năm.

Sau 10 năm ngồi tù, ông lấy được bằng đại học về Giáo dục, Kinh tế và Luật từ Đại học London. Vào giữa những năm 70 của thế kỷ trước, ông đảm nhận vai trò lãnh đạo của nhóm chính trị Liên minh Quốc gia Châu Phi Zimbabwe (ZANU-PF) khi đó đặt trụ sở tại Mozambique.

Từ đó, ông đã giúp thiết lập một cuộc kháng chiến vũ trang chống lại sự cai trị của người da trắng, nổi lên như một anh hùng chiến tranh cả trong và ngoài nước khi cuộc xung đột kết thúc vào năm 1979. Ông trở thành Thủ tướng đầu tiên của đất nước Zimbabwe độc lập, sau cuộc bầu cử vào tháng 2/1980.

Tỏ ra khéo léo và thông minh, ông Mugabe lên nắm quyền và giành được sự tôn trọng của một quốc gia. Ông có một khởi đầu mạnh mẽ, kế thừa một đất nước có nền kinh tế ổn định, cơ sở hạ tầng vững chắc và tài nguyên thiên nhiên rộng lớn.

Cựu Tổng thống của Zimbabwe Robert Mugabe và vợ ông, bà Grace bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử ở Harare, Zimbabwe, ngày 30/7/2018. Ảnh: Reuters.
Cựu Tổng thống của Zimbabwe Robert Mugabe và vợ ông, bà Grace bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử ở Harare, Zimbabwe, ngày 30/7/2018. Ảnh: Reuters.

Nhưng ông nhanh chóng trở thành một nhà cai trị độc đoán. Các chính sách cứng rắn của ông đã đẩy nền kinh tế hưng thịnh của đất nước trở thành rệu rã. Một trong số đó là quyết định tịch thu đất đai của nông dân da trắng, khiến sản lượng nông nghiệp giảm mạnh và lạm phát tăng vọt.

Đến năm 1983, chính quyền của ông Mugabe hành xử mạnh tay với bất kỳ ai dám chống lại sự cai trị của ông. Ông được cho là đã thực hiện một loạt vụ thanh trừng nhằm vào phe đối lập.

Khi đất nước rơi vào cảnh hoang tàn về kinh tế, ông Mugabe và vợ phải đối mặt với những chỉ trích dữ dội vì lối sống xa hoa.

Ông đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 85 của mình bằng một bữa tiệc xa hoa có giá 250.000 USD, ngay cả khi đất nước vẫn trong cuộc khủng hoảng cả về mặt kinh tế lẫn sức khỏe. Ông tiếp tục tổ chức các tiệc sinh nhật như vậy hàng năm, thậm chí năm ngoái đã chi đến 800.000 USD và tổ chức tiệc ở một khu vực bị hạn hán và thiếu lương thực.

Trong suốt thời gian nắm quyền, ông liên tục từ chối các yêu cầu từ chức, khẳng định ông sẽ chỉ rời khỏi chiếc ghế lãnh đạo khi "cuộc cách mạng" của mình hoàn tất.

Trevor Ncube, một trong những nhà xuất bản quyền lực nhất của đất nước, nói: "Đây là một người có rất nhiều điều có thể dành cho dân tộc Zimbabwe, nhưng ông đã không làm như thế, ông ấy chỉ lo cho bản thân mình".

MINH TUẤN (t/h)

theo Tin 24h