Đà Nẵng có cơ hội để xuất hiện trên bản đồ làm phim thế giới

Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng (DANAFF) là cơ hội quý giá để Đà Nẵng “khoe” tiềm năng trở thành trường quay của các đoàn phim trong và ngoài nước.

Nằm trong khuôn khổ LHP châu Á Đà Nẵng lần I, tại InterContinental Da Nang Sun Peninsula Resort đã diễn ra Hội thảo "Phát triển Công nghiệp Điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng" với sự tham gia của nhiều chuyên gia điện ảnh trong và ngoài nước.

Phiên thảo luận về vai trò của ngành công nghiệp điện ảnh & tác động đối với sự phát triển kinh tế địa phương
Phiên thảo luận về vai trò của ngành công nghiệp điện ảnh & tác động đối với sự phát triển kinh tế địa phương

Vai trò của ngành công nghiệp điện ảnh đối với sự phát triển kinh tế địa phương

Nhìn từ các nước, thực tế cho thấy điện ảnh giúp quảng bá thương hiệu địa phương; góp phần thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch.  Điện ảnh phát triển góp phần thúc đẩy các ngành khác phát triển như: hạ tầng, khách sạn, vận tải, ăn uống, dịch vụ hỗ trợ sản xuất phim. Ông Yoshitaka Sugihara, Giám đốc Chính sách công Netflix Nhật Bản cho biết, Netflix có 4  dự án phim được sản xuất tại Gunma (Nhật Bản). Các đoàn làm phim đã thuê các diễn viên quần chúng tại đây và sử dụng các dịch vụ ăn uống, dịch vụ hỗ trợ sản xuất phim, đóng góp cho kinh tế địa phương. Theo tin từ báo Nhật Bản, sau khi bộ phim quay ở Gunma được công chiếu đã có 40.000 khách du lịch từ Thái Lan đến thành phố này sau khi xem phim.

Ông Yoshitaka Sugihara, Giám đốc Chính sách công Netflix Nhật Bản
Ông Yoshitaka Sugihara, Giám đốc Chính sách công Netflix Nhật Bản

Ông Franck  Priot, Cựu Giám đốc Điều hành  của Film France, Ủy ban Điện ảnh Pháp thì tiết lộ, có 10% khách du lịch đến Anh sau khi đã xem các phim, các chương trình truyền hình của Anh; 41 % khách du lịch đến Pháp sau khi đã xem các phim và chương trình truyền hình của Pháp. Các bộ phim được quay ở những địa điểm đẹp là những “gợi ý”, chỉ dẫn cho khách du lịch một cách hiệu quả nhất về điểm đến trước khi họ “khoác ba lô lên vai” dến Pháp.

Ông Franck  Priot, Cựu Giám đốc Điều hành  của Film France, Ủy ban Điện ảnh Pháp
Ông Franck  Priot, Cựu Giám đốc Điều hành  của Film France, Ủy ban Điện ảnh Pháp

Khẳng định, điện ảnh đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế địa phương, ông  Fracis Smith, Nhà sáng lập Công ty IFA Media (Singapore) nói:” Chúng tôi coi phim là nguồn thu quan trọng  đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nên đã xây dựng chính sách đặc biệt để thu hút các đoàn làm phim đến quay tại các địa phương của Singapore.

Đà Nẵng có cơ hội xuất hiện trong bản đồ làm phim thế giới

Đánh giá tiềm năng của Đà Nẵng trong việc trở thành trường quay lớn cho các đoàn làm phim trong và ngoài nước, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển kinh tế địa phương, các chuyên gia đã chỉ ra những hạn chế cần được khắc phục và chia sẻ những kinh nghiệm thực tế từ các nước có thu nhập khủng từ việc thu hút các đoàn phim đến quay.

PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam
PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam

PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết: "Một số nước trong khu vực như Thái Lan, New Zealand, Úc hay các nền điện ảnh lớn như Hàn Quốc, Mỹ đều đang áp dụng những ưu đãi lớn cho các đoàn làm phim. Cụ thể ở Thái Lan, các diễn viên điện ảnh được miễn thuế thu nhập cá nhân trong quá trình 5 năm làm phim tại Thái Lan, ngoài ra còn chiết khấu 15% tổng chi phí làm phim và thưởng cho đoàn phim vì thuê nhân công ở Thái Lan, đó là những khuyến khích rất lớn. Ở một số nền điện ảnh lớn hơn họ còn giúp cho đoàn phim giảm tới 50% tổng chi phí khi quay tại đất nước họ. Trong khi ở ta, hiện nay Luật điện ảnh mới đã được đưa vào thực hiện từ đầu năm nhưng trên thực tế, các khoản thuế cho đoàn làm phim và chính sách ưu đãi còn chưa được quy định cụ thể bằng các nghị định hướng dẫn. Như vậy, để Luật điện ảnh đi vào thực tế còn là khoảng cách rất xa. Ngoài ra, cũng cần có một cơ quan thẩm định đủ tốt để thẩm định nội dung nhà làm phim nước ngoài quay tại Việt Nam. Thành phố Đà Nẵng cũng nên có hệ thống bối cảnh, tạo tiền đề để cảnh quay có sự phù hợp với nội dung tùy từng thể loại phim. Không chỉ có thiên nhiên tươi đẹp của Đà Nẵng, hệ thống đó còn phải phục vụ cho mục đích và ý đồ riêng của đoàn phim đó".

Ông Yoshitaka Sugihara - Giám đốc Chính sách công của Netflix  đưa ra kinh nghiệm thực tế, muốn tạo ra địa điểm quay phim lý tưởng, cần có một chuỗi cung ứng điện ảnh, đặc biệt là việc nâng cao cơ sở hạ tầng để phục vụ cho những bộ phim có đẳng cấp cao, điều này mang tới rất nhiều thuận lợi. Chính quyền địa phương nên có sự chủ động quảng bá, hướng dẫn và tạo điều kiện nhiệt thành để các đoàn làm phim tới tham quan và hiểu được tiềm năng của nơi đó.

Ông Stephen P. Jenner - Phó Chủ tịch Truyền thông châu Á, Thái Bình Dương - MPA
Ông Stephen P. Jenner - Phó Chủ tịch Truyền thông châu Á, Thái Bình Dương - MPA

Ông Stephen P. Jenner - Phó Chủ tịch Truyền thông châu Á, Thái Bình Dương - MPA - thi chia sẻ, thông thường các chương trình ưu đãi sản xuất phim tốt nhất sẽ bao gồm: ưu đãi cho sản xuất trong nước và nước ngoài, ưu đãi sản xuất hậu kỳ và kích thích toàn bộ hệ sinh thái sản xuất. Có khoảng 100 chính sách ưu đãi như vậy trên toàn thế giới. Ông cũng cho rằng, nếu muốn thu hút đầu tư từ doanh nghiệp lớn vào nhỏ, phải có chính sách ưu đãi hoàn vốn hấp dẫn, để họ thấy được điện ảnh là một ngành tiềm năng.

Cầu Rồng là một trong những biểu tượng quảng bá hình ảnh Đà Nẵng nếu được đưa vào các phim của nước ngoài
Cầu Rồng là một trong những biểu tượng quảng bá hình ảnh Đà Nẵng nếu được đưa vào các phim của nước ngoài

Ông Frank Priot - Cựu Giám đốc điều hành của Film France, Ủy ban Điện ảnh Pháp, Giám đốc điều hành Ghosts City Films đánh giá cao tiềm năng phát triển lĩnh vực điện ảnh của TP. Đà Nẵng: "Đà Nẵng là nơi tuyệt vời để quay phim, các bạn có những đặc trưng riêng, như cầu Rồng Đà Nẵng - đó sẽ là yếu tố đặc biệt thu hút sự chú ý của các nhà làm phim nước ngoài và sẽ tạo nên những góc hình tuyệt đẹp. Chỉ cần hình ảnh cầu Rồng xuất hiện trong các phim nước ngoài thì đó là cách quảng bá hiệu quả nhất cho du lịch của Đà Nẵng, không cần thêm bất cứ thuyết minh nào”.

Ông Francis Smith - Nhà sáng lập IFA Media
Ông Francis Smith - Nhà sáng lập IFA Media

Ông Francis Smith - Nhà sáng lập IFA Media  chỉ ra, thông thường các nhà làm phim rất muốn tạo mối quan hệ với chính quyền địa phương các nước để mang lại lợi ích cho đôi bên, thế nên cần có chính sách hỗ trợ cho các nhà làm phim mới nổi hay các người đã định hình được tên tuổi của mình, từ đó sẽ có bước đi lớn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh cho Đà Nẵng.

T.S Ngô Phương Lan, Giám đốc Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng
T.S Ngô Phương Lan, Giám đốc Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng

Phát biểu tổng kết Hội thảo, T.S Ngô Phương Lan, Giám đốc Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng khẳng định: "Cơ chế tại địa phương hiện giờ vẫn chưa đi kịp với Luật Điện ảnh, khiến cho nhà làm phim gặp nhiều khó khăn và điều đó cần phải được tháo gỡ, từ luật về ngân sách hay về thuế... Đà Nẵng hiện giờ là một thành phố đáng sống, nếu lãnh đạo thành phố Đà Nẵng 'trải thảm đỏ' cho các nhà phim thì chắc chắn họ sẽ tới với Đà Nẵng, từ đó môi trường làm phim cũng như ngành công nghiệp điện ảnh ở Đà Nẵng sẽ có phát triển đáng kể. Ngoài ra với Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần này, đây là dịp để chúng ta có sự cân bằng giữa kinh doanh và nghệ thuật, nhưng quan trọng còn là sự khích lệ các nhà làm phim không những tiếp tục đam mê, mà còn đem lại lợi ích chung cho môi trường điện ảnh Đà Nẵng phát triển một tương lai không xa".

Nguyệt Nhi

Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ Nhất: Không giống bất cứ một Liên hoan phim nào đã có ở Việt Nam

Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ Nhất: Không giống bất cứ một Liên hoan phim nào đã có ở Việt Nam

Chiều ngày 19/4 tại Hà Nội diễn ra họp báo giới thiệu chương trình Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ Nhất .