Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ Nhất: Không giống bất cứ một Liên hoan phim nào đã có ở Việt Nam

Chiều ngày 19/4 tại Hà Nội diễn ra họp báo giới thiệu chương trình Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ Nhất .

Được tổ chức từ ngày 09 - 13/5/2023, DANAFF I do Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng chỉ đạo, HIệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam chủ trì phối hợp cùng với Sở Văn hó và Thể thao TP. Đà Nẵng cùng các sở, ban, ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện.

DANAFF I gồm nhiều sự kiện nổi bật: Lễ Khai mạc và Lễ Bế mạc- Trao giải: Truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và tiếp sóng Đài Truyền hình Đà Nẵng và các đài truyền hình khác; Chương trình chiếu phim tại rạp Lê Độ, CGV và Galaxy với 86 suất chiếu cùng với việc ra mắt các đoàn làm phim tại rạp; Chương trình chiếu phim ngoài trời trong 3 đêm tại Công viên APEC; Chương trình Giao lưu nghệ sỹ nổi tiếng với khán giả; Hội thảo “Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng”; Hội thảo “Điện ảnh Nhật Bản - kinh nghiệm thành công và hướng hợp tác sản xuất với Việt Nam”; Workshop “Ươm mầm tài năng” với hai lớp học diễn xuất cơ bản và nâng cao Chương trình tham quan danh thắng Đà Nẵng.

Mạng lưới khuyến khích Điện ảnh Châu Á (Network for the Promotion of Asian Cinema/NETPAC) là một trong các đối tác nước ngoài tham gia tổ chức Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng.

Với mục đích vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, giàu giá trị nhân văn, có khám phá mới mẻ,  nghệ thuật thể hiện độc đáo; khích lệ những tài năng mới của điện ảnh Việt Nam và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương... Ban tổ chức Liên hoan đã lựa chọn 12 phim tham gia Hạng mục Phim Châu Á dự thi và 8 phim Việt Nam cho Hạng mục Phim Việt Nam dự thi.

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng lựa chọn 16 phim Việt Nam sản xuất trong 3 năm (2020, 2021, 2022) tham gia Chương trình “ Điện ảnh Việt Nam hôm nay”; 4 phim Nhật Bản cho Chương ttrình “Tiêu điểm Điện ảnh Nhật Bản”; Chùm phim về Đà Nẵng (4 phim) ; Chùm phim về Việt Nam (2 phim của Mỹ và Anh).

Nói về lý do chọn Đà Nẵng để tổ chức sự kiện có tính chất thường niên này, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho biết, cho đến giờ bà vẫn nguyên ấn tượng về kỳ LHP VN lần thứ 20 tổ  chức tại Đà Nẵng (năm 2017). Sôi nổi, nhiệt tình và bùng nổ, điều này được tạo nên ở cả phía khán giả lẫn những người tổ chức, tham gia Liên hoan phim. Trước đó, năm 1988, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 cũng được tổ chức tại thành phố này và cũng rất “bùng nổ”. Cho thấy, Đà Nẵng thực sự là một thành phố đáng sống với những trái tim rất nóng của khán giả luôn hướng về điện ảnh.

TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, đồng Trưởng Ban Tổ chức kiêm Giám đốc Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất giới thiệu các chương trình trong Liên hoan phim
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, đồng Trưởng Ban Tổ chức kiêm Giám đốc Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất giới thiệu các chương trình trong Liên hoan phim

Cũng theo TS Ngô Phương Lan, công tác chuẩn bị cho Liên hoan phim chỉ thực sự được triển khai rốt ráo từ tháng 11.2022 nhưng đã thu hút được sự quan tâm của các nền điện ảnh ở  khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Ban tổ chức đã lựa chọn được 10 phim của  các nền điện ảnh Hàn Quốc, Iran, Nhật Bản, Philippines, Indonessia, Ấn Độ, New Zealand, Pháp, Nhật, Đức, Bỉ…) tham gia tranh giải. Riêng phim Việt Nam, có tới 30 phim gửi tham dự các chương trình, trong đó có cả những phim mới của tư nhân chưa công chiếu ngoài rạp như Tim hằn vết sẹo. Sự hào hứng của các đơn vị sản xuất phim trong nước với Liên hoan phim Đà Nẵng lần thứ Nhất là điều bất ngờ với những người tổ chức. Bởi lẽ, ngay đến Liên hoan phim Việt Nam, có những kỳ sát đến hạn cuối nhận phim,  Ban tổ chức vẫn “lo sốt vó” vì lượng phim tham gia quá mỏng.

Hình ảnh trang website của Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ Nhất
Hình ảnh trang website của Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ Nhất

Để tạo ra sức nặng cho Liên hoan phim với tư cách là một sân chơi công bằng, Ban tổ chức đã mời nhiều gương mặt nổi tiếng của điện ảnh quốc tế và Việt Nam ngồi ghế giám khảo. Ở Hạng mục Phim Châu Á dự thi, Chủ tịch Ban Giám khảo là bà Moon So-ri - diễn viên điện ảnh, đạo diễn và biên kịch người Hàn Quốc. Thành viên Ban Giám khảo là đạo diễn, biên kịch Adilkhan Yerzhanov (Kazakhstan); ông Stephen Jenner - Phó Chủ tịch Truyền thông khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ và hai thành viên Việt Nam là NSND Như Quỳnh và đạo diễn Phan Đăng Di.

Phim
Phim "A Tourists Guide to Love" tham gia trong Chùm phim nước ngoài. Đây là bộ phim có bối cảnh chính quay tại Việt Nam và phát sóng trên kênh Netflix ngày 21/4/2023

Hạng mục Phim Việt Nam dự thi, Chủ tịch Ban Giám khảo là đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất Victor Vũ; các thành viên Ban Giám khảo: NSND Lan Hương; đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch Aditya Assarat (Thái Lan); nhà sản xuất Yulia Evina Bhara (Indonesia) và biên kịch Trần Khánh Hoàng.

Giải NETPAC, Chủ tịch Ban Giám khảo là bà Bina Paul - Đồng Chủ tịch NETPAC. Thành viên Ban Giám khảo là bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh và đạo diễn, biên kịch Asif Rustamov (Azerbaijan).

Công ty TNHH Universe Media Việt Nam là đối tác thực hiện và phối hợp tổ chức 02 đêm Khai mạc và Bế mạc DANAFF I. CEO Công ty TNHH Universe Media Việt Nam - Trần Việt Bảo Hoàng đảm nhiệm vai trò chỉ đạo sản xuất và đạo diễn Trần Vi Mỹ sáng tạo và dàn dựng.

Phim
Phim "Người thân xa lạ" của điện ảnh Nhật Bản dự thi ở Hạng mục phim Châu Á

Chương trình Lễ Khai mạc, Lễ Bế mạc và trao giải được xây dựng trên tinh thần của một Liên hoan phim tầm cỡ châu lục để quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến thế giới và thu hút bạn bè thế giới đến Việt Nam, đặc biệt là Đà Nẵng.

Đêm Khai mạc DANAFF I với chủ đề Mang Đà Nẵng đến Châu Á & mang Châu Á đến Đà Nẵng", các tiết mục sẽ tập trung giới thiệu về văn hóa, tinh thần hiếu khách của người dân Đà Nẵng cũng như những nét đặc trưng của điện ảnh Châu Á. Đêm Bế mạc và trao giải sẽ đề cao tinh thần Việt Nam hội nhập và quảng bá hình ảnh Việt Nam năng động, nhộn nhịp thông qua cầu nối là thành phố Đà Nẵng, bằng lăng kính điện ảnh để giới thiệu sự phát triển của Việt Nam với nhiều điểm đến cho bạn bè quốc tế biết đến. 

Phim
Phim "Maika cố bé đến từ hành tinh khác " dự thi ở Hạng mục phim Việt Nam

Nói về Lễ Khai mạc và Bế mạc và trao giải, đạo diễn Trần Vi Mỹ cho biết: “ Với Lễ Khai mạc, chúng tôi lấy cảm hứng từ hình ảnh những cây cầu ở Đà Nẵng để xây dựng chương trình thể hiện sự kết nối các nền điện ảnh với  Việt Nam; Đà Nẵng với thế giới. Trong Lễ Bế mạc và trao giải, chúng tôi sử dụng dàn nhạc thay vì thu sẵn. Với tinh thần là trẻ trung, hiện đại, nên âm nhạc sử dụng trong chương trình là nhạc dân gian Việt Nam, nhạc quốc tế nhưng được dàn dựng theo phong cách đương đại, phù hợp với tinh thần hội nhập”.

Khẳng định Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng sẽ không giống bất cứ một Liên hoan nào đã có ở Việt Nam, TS Ngô Phương Lan cho biết format của Liên hoan phim này về cơ bản vẫn bám sát các thông lệ  format  các Liên hoan phim quốc tế nhưng đã được cấu trúc lại để tạo ra nét riêng, những nét vẽ đầu tiên cho một thương hiệu sẽ được tạo dựng và tồn tại bền vững.

Trong khuôn khổ Liên hoan phim, Hội thảo: "Phát triển Công nghiệp Điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng" xoay quanh các vấn đề: Vai trò của ngành công nghiệp điện ảnh & tác động đối với sự phát triển kinh tế địa phương; Xây dựng môi trường làm phim tại Đà Nẵng - Kinh nghiệm trong nước và quốc tế.

Hội thảo: "Điện ảnh Nhật Bản - Kinh nghiệm thành công và hướng hợp tác sản xuất với Việt Nam" gồm có 3 phần thảo luận với các chủ đề: Điện ảnh Nhật Bản – Kinh nghiệm thành công; Hợp tác sản xuất phim giữa Điện ảnh Nhật Bản và Điện ảnh Việt Nam; Tiềm năng và xu hướng hợp tác sản xuất hoạt hình giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Phim
Phim "Muru" của điện ảnh New Zealand dự thi ở Hạng mục phim Châu Á

Chương trình Workshop”Ươm mầm tài năng” với sự cầm chịch của đạo diễn Phan Đăng Di và nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc là các nhà làm phim độc lập từng giành được nhiều giải thưởng tại các Liên hoan phim Quốc tế và team “Gặp gỡ Mùa thu”. Ban Tổ chức đã tiến hành casting lựa chọn 36 học viên tham gia Workshop trong tháng 3/2023 tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Hiện tại 2 lớp học diễn xuất gồm lớp Diễn xuất cơ bản (Basic Acting Workshop) với nghệ sỹ Hàn Quốc Lydia Park và lớp diễn nâng cao (Advanced Acting Workshop) với đạo diễn người Nhật Tsuyoshi Sugiyama đã tuyển đủ 36 học viên từ Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong số này có các diễn viên trẻ đã có thành tích, từng đóng vai chính trong các tác phẩm điện ảnh, truyền hình như: Trịnh Thảo, Đồng Ánh Quỳnh, Nguyễn Phương Thanh Vi, Huỳnh Mai Cát Tiên... các gương mặt nổi tiếng trên mạng xã hội như diễn viên Trần Quang Trung, người mẫu Nguyễn Hữu Long...

Phim
Phim "Ngày hòa bình" trong Chùm phim về Đà Nẵng 

Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung cho Liên hoan phim của Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam. Bà Yến khẳng định, Đà Nẵng vinh dự khi có được sự kiện này và đây là cơ hội để Đã Nẵng quảng bá hình ảnh thân thiện, đáng sống của mình đến với bạn bè Châu Á và thế giới. Một cơ hội để phát triển du lịch từ sự kết nối với điện ảnh. Về công tác hậu cần cho Liên hoan phim, bà Ngô Thị Kim Yến cho biết hiện tại công tác hậu cầncho Liên hoan phim đã cơ bản hoàn tất. Đà Nẵng đã sẵn sàng cho Liên hoan phim khai cuộc.

Chu Thu Hằng

‘Tro tàn rực rỡ’ giành giải cao nhất tại Liên hoan phim Ba lục địa

‘Tro tàn rực rỡ’ giành giải cao nhất tại Liên hoan phim Ba lục địa

"Tro tàn rực rỡ" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã vừa giành giải cao nhất - giải Khinh khí cầu vàng - tại Liên hoan phim Quốc tế Ba lục địa.