Đầu tư 10 triệu đồng vào cổ phiếu Bảo Việt cách đây 10 năm, giờ bạn có bao nhiêu tiền?

Nếu chi 10 triệu đồng để mua cổ phiếu Tập đoàn Bảo Việt cách đây 10 năm, người mua chỉ lời hơn 1 triệu đồng tính đến thời điểm này.

Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt là một tập đoàn hoạt động đa ngành trong đó các lĩnh vực chủ đạo như bảo hiểm, tài chính, chứng khoán, ngân hàng. Thành lập ngày 15/1/1965, đến nay Bảo Việt đã trở thành tập đoàn tài chính - bảo hiểm hàng đầu Việt Nam và là một trong số 25 doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam được Nhà nước công nhận và xếp hạng. 

Ngày 16/6/2009, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu cho Tập đoàn Bảo Việt . Tập đoàn Bảo Việt niêm yết toàn bộ 573.026.605 cổ phiếu phổ thông với mã chứng khoán BVH , mệnh giá mỗi cổ phiếu là 10.000 đồng, nhưng được giao dịch với mức giá tham chiếu 38.500 đồng.

Hơn một năm sau, cổ phiếu của Bảo Việt tăng trưởng khá tốt. Trung tuần tháng 7/2010, mã BVH đóng cửa vào khoảng 44.100 đồng/cổ phiếu. Vào thời điểm đó, nếu chi 10 triệu đồng để mua cổ phiếu BVH , nhà đầu tư có được khoảng 227 cổ phiếu. Nếu kiên trì bảo toàn số cổ phiếu trên đến nay, nhà đầu tư sẽ thu về gần 11,3 triệu đồng trên sàn chứng khoán.

Suốt 10 năm qua, giá cổ phiếu BVH chỉ tăng khoảng 12,7%. Cuối tuần vừa qua, BVH được ghi nhận ở mức 49.700 đồng/cổ phiếu. Trên sàn chứng khoán, đây là doanh nghiệp có giá cổ phiếu cao thứ 13 trong danh sách VN30. Tuy nhiên, vị trí này đang bị cạnh tranh sít sao chỉ 100 đồng bởi Công ty CP FPT.

Nhìn chung, tình hình giá cổ phiếu của Bảo Việt trong nửa đầu tháng 7 khá khả quan. Hồi đầu tháng, có thời điểm BVH ghi nhận mức cao nhất chỉ đạt 47.900 đồng/cổ phiếu, đến nay giá trị đã tăng đến 3,8%.

Nhưng so với tình hình đầu năm, giá trị của mã BVH đã giảm đi rất nhiều, mức lùi gần chạm 40%. Thời điểm đó, mức cao nhất ghi nhận được lên đến 69.500 đồng/cổ phiếu. Sau nhiều phiên phục hồi rồi mất giá liên tiếp, từ tháng 4/2020 đến nay, mã BVH hầu như đều ổn định trong khoảng từ 40.000 - 50.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy dẫn đầu cả về thị phần bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, nhưng Bảo Việt cũng là một trong những doanh nghiệp “thấm đòn” của COVID-19. Chủ tịch Đào Đình Thi cho biết 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất đạt 22.169 tỷ đồng, tăng 6%, doanh thu công ty mẹ đạt 744 tỷ đồng, tương đương 50% kế hoạch năm. Con số lợi nhuận 6 tháng không được công bố. 

Theo báo cáo tài chính quý I, Bảo Việt lỗ gộp tại hoạt động kinh doanh bảo hiểm hơn 163 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2019 lãi hơn 74,4 tỷ đồng. Trừ chi phí và thuế, Bảo Việt lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 126,4 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ 2019.

Năm 2020, HĐQT trình kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất vào khoảng 44.960 tỷ đồng, chỉ tăng 0,2%. Lãi sau thuế hợp nhất kế hoạch đạt 1.180 tỷ đồng. Tổng doanh thu công ty mẹ năm 2020 đặt chỉ tiêu 1.488 tỷ đồng và lãi sau thuế phấn đấu ở 1.000 tỷ đồng.

Dẫu thế, Tập đoàn Bảo Việt vẫn dự kiến dành gần 600 tỷ đồng chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm tài chính 2019, nâng tổng số tiền chi trả cổ tức cho cổ đông BVH từ khi cổ phần hóa (năm 2007) đến nay lên tới gần 9.000 tỷ đồng bằng tiền mặt.

Bảo Việt đang đứng trước nguy cơ bị loại khỏi VN30. Ảnh: Tập đoàn Bảo Việt
Bảo Việt đang đứng trước nguy cơ bị loại khỏi VN30. Ảnh: Tập đoàn Bảo Việt

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lo ngại về “sức khoẻ” tài chính và kinh doanh của “ông lớn” chuyên đảm đương việc rủi ro về sức khoẻ cho hàng triệu dân Việt Nam. Đặc biệt, ngày 20/7 sắp tới, HoSE sẽ tiến hành xem xét định kỳ bộ chỉ số VN30.

Trước đó, Chứng khoán VNDirect đự đoán, hai mã cổ phiếu CTD của Coteccons và BVH của Tập đoàn Bảo Việt có thể bị loại khỏi VN30. Cụ thể, mã BVH có thể bị loại vì giá trị vốn hóa điều chỉnh freefloat không đủ lớn để vượt qua các điều kiện freefloat ưu tiên.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương